Vùng trồng rau các tỉnh phía bắc hối hả vào vụ Tết

Dự kiến nhu cầu rau, củ, quả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán rất lớn, vì vậy thời gian này nông dân các tỉnh phía bắc đang hối hả ra đồng sản xuất, chăm sóc cây trồng. Trên những cánh đồng, dù trời giá rét nhưng người dân vẫn tất bật thu hoạch rau màu để cung ứng ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Hải Dương chăm sóc cây hành vụ đông.
Nông dân tỉnh Hải Dương chăm sóc cây hành vụ đông.

Theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc (Hải Dương) Hoàng Anh Thư: “Hợp tác xã đang trồng 50 ha rau, quả, trong đó 30 ha ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm như: Dưa lưới, dưa chuột, su hào, bắp cải… với sản lượng cung ứng ra thị trường từ 25 đến 30 nghìn tấn/năm. Hiện nay, sản phẩm rau, quả của hợp tác xã đang được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, cửa hàng rau, quả sạch, chợ đầu mối ở nhiều địa phương. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hợp tác xã có kế hoạch cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 tấn rau, củ, quả. Điều đáng mừng trong vụ sản xuất này là thời tiết thuận lợi, ít mưa cho nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Bên cạnh đó, giá bán rau ổn định, nông dân thu lợi nhuận khá cao. Thí dụ, giá bán bắp cải đang dao động từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 5 đến 7 triệu đồng/sào; su hào giá bán 3.000 đồng/củ, lợi nhuận từ 3 đến 4 triệu đồng/sào”. Còn tại Hợp tác xã Gia Lương, xã Gia Tiến, huyện Gia Lộc hiện đang vào vụ thu hoạch rau để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Giám đốc Hợp tác xã Gia Lương Nguyễn Văn Giỏi cho biết: “Hợp tác xã có 70 ha trồng rau, chủ yếu là bắp cải. Riêng trong vụ Tết Nguyên đán này, hợp tác xã dành khoảng 30 ha trồng bắp cải với sản lượng hơn 1.378 tấn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Nhờ thời tiết thuận lợi cho nên sản lượng rau lớn, người tiêu dùng không lo khan hiếm nguồn cung và giá bán khá ổn định”.

Với lợi thế về điều kiện đất đai phù hợp, nhiều xã ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đang hình thành các vùng trồng rau theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Những ngày cận Tết Nguyên đán, các hợp tác xã nông nghiệp cũng như nông dân hối hả vào vụ thu hoạch rau, quả để cung ứng ra thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà, xã Ninh Sở chia sẻ: “Hiện nay, hợp tác xã có diện tích trồng rau khoảng 21,6 ha ở Thường Tín (Hà Nội) và Bình Lục (Hà Nam). Các sản phẩm rau đều bảo đảm an toàn với sản lượng khoảng 600 tấn/năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội và nhiều địa phương khác. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, hợp tác xã cung ứng ra thị trường mỗi ngày khoảng từ 2 đến 3 tấn”.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, vụ đông năm nay, toàn tỉnh đã gieo trồng 22.650 ha cây rau, màu các loại, vượt 5,34% so với kế hoạch. Trong đó, rau các loại là 18.100 ha, chủ yếu là hành, tỏi, cà rốt, cải bắp, su hào, súp lơ, khoai tây, dưa, bí... Vụ đông năm nay, thời tiết cơ bản ít mưa, khô hanh, thuận lợi cho gieo trồng và mở rộng diện tích. Trong đó, chủ yếu là mở rộng các vùng sản xuất cây chủ lực, tập trung, hàng hóa quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, do nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao cũng thuận lợi cho cây rau sinh trưởng và phát triển, cho nên sản lượng thu hoạch hầu hết đều cao hơn so vụ đông năm trước từ 10 đến 25%. Mặc dù sản lượng lớn nhưng tiêu thụ vẫn thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến giá bán. Tổng sản lượng rau dự kiến trong vụ đông này khoảng 504.800 tấn; bà con nông dân đã thu hoạch được hơn 15.100 ha rau màu các loại. Thống kê sơ bộ, giá trị sản xuất cây vụ đông trên địa bàn tỉnh bình quân đạt khoảng 250 triệu đồng/ha, tăng 23,4 triệu đồng so với vụ đông năm trước.

Vụ đông 2024, các địa phương phía bắc gieo trồng 390 nghìn ha, tăng khoảng 20 nghìn ha so với năm 2023, sản lượng khoảng 4,96 triệu tấn, tăng khoảng 374 nghìn tấn. Để bảo đảm nguồn rau, củ an toàn, nông dân đã thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến như: Áp dụng quy trình sản xuất rau màu an toàn; ứng dụng công nghệ cao; cải tiến logistics trong quá trình vận chuyển rau từ cánh đồng đến cơ sở sơ chế và bán hàng; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch để giảm công lao động.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương cho hay: “Vụ đông năm nay có thêm thuận lợi do các hộ dân sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, hữu cơ); chú trọng bón phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh; quản lý sức khỏe cây trồng theo IPHM, IPM, ICM bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, sản lượng, thu hoạch kịp thời sản phẩm đến kỳ thu hoạch. Đồng thời, các địa phương tiếp tục ưu tiên trồng nhóm rau ăn lá có hệ số quay vòng nhanh để cung cấp thị trường trước và sau Tết Nguyên đán.

Đến ngày 15/1, nông dân các địa phương đã thu hoạch khoảng 340 nghìn ha cây vụ đông các loại. Ở một số nơi, giá rau tại ruộng thời điểm này đang cao hơn năm 2023 từ 15 đến 20%, trong đó giá hành khoảng từ 18 đến 19.000 đồng/kg, su hào 3.500 đến 4.000 đồng/củ, cải bắp giá 4.000 đến 5.000 đồng/kg… Diện tích rau chưa thu hoạch khoảng 50 nghìn héc-ta. Nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, dự kiến sản lượng rau, củ cung ứng ra thị trường khoảng 875 nghìn tấn. Với sản lượng như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường trước, trong và sau Tết”.

Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn cung rau, củ đạt chất lượng, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần thu hoạch kịp thời những diện tích cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch để giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời nông dân tiếp tục thâm canh tăng vụ, rải vụ bằng cách trồng các loại rau ưa lạnh, ngắn ngày, nhằm bảo đảm kế hoạch diện tích, đồng thời cung cấp đủ rau xanh trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Qua đó tránh dồn ứ nguồn cung do tận thu diện tích rau trước lấy nước đổ ải gieo cấy lúa vụ đông xuân 2024-2025. Nông dân cần chăm sóc, bảo vệ tốt những diện tích cây vụ đông còn lại nhằm tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế và thu nhập của nông dân.

Ngoài ra, cần có kế hoạch chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ xuân, nhất là trên các vùng chuyên màu và vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu vụ xuân. Đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; tăng cường kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; khoanh vùng bảo vệ diện tích chuyên màu, diện tích chuyển đổi tránh bị ngập nước do đổ ải.