Vùng Tây Balkan với hành trình gia nhập EU

Trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan vừa nhất trí ký các thỏa thuận mở đường cho việc hình thành thị trường chung khu vực. Tuy nhiên, chặng đường mà các nước phải vượt qua trên hành trình đến với mái nhà chung EU dự kiến còn đối mặt nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Sáu nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan nhất trí miễn thị thực đi lại. (Ảnh REUTERS)
Sáu nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan nhất trí miễn thị thực đi lại. (Ảnh REUTERS)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao khu vực Tây Balkan diễn ra mới đây, Serbia, Bosnia và Herzegovina, Albania, vùng lãnh thổ Kosovo, Bắc Macedonia và Montenegro đã nhất trí ký các thỏa thuận về việc miễn thị thực đi lại, công nhận bằng cấp đại học và chứng chỉ nghề nghiệp của nhau. Các thỏa thuận sẽ được chính thức ký kết tại Hội nghị cấp cao Tây Balkan, dự kiến diễn ra tại Đức vào tháng 11/2022.

Bước tiến nêu trên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước và tổ chức quốc tế. Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác khu vực Majlinda Bregu (M.Brê-gu) khẳng định, với quyết định này, bức tường cuối cùng của chế độ thị thực trong khu vực đã được phá bỏ, tạo điều kiện để các nước thúc đẩy hợp tác. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock (A.Be-bốc) nhấn mạnh, đây là một bước tiến lịch sử của khu vực, thể hiện nỗ lực gia nhập EU của các nước Tây Balkan.

Trên thực tế, trở thành thành viên của mái nhà chung EU là đích đến mà các nước Tây Balkan hướng đến trong nhiều năm qua. Các nhà phân tích cho rằng, có nhiều lý do để các nước Tây Balkan kiên trì theo đuổi mục tiêu này. Với vị trí địa lý gần gũi và tiềm lực mạnh, EU có sức hút lớn đối với Tây Balkan.

Hiện, liên minh gồm 27 thành viên là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại khu vực. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU là điểm đến của 81% hàng hóa xuất khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan trong năm 2021. Ngoài ra, việc gia nhập EU sẽ giúp các nước nhận được khoản hỗ trợ tài chính đáng kể để thúc đẩy sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Các nhà lãnh đạo tại khu vực Tây Balkan từng nhiều lần khẳng định, hội nhập EU là bước đi chiến lược để phát triển đất nước.

Mặt khác, với vị trí địa lý gần gũi, Tây Balkan cũng có vai trò quan trọng đối với EU. Tuyến đường Tây Balkan thường được người di cư bất hợp pháp lựa chọn để tiến vào Lục địa già. Ủy viên châu Âu phụ trách nội vụ Ylva Johansson (Y.Giô-han-xơn) cho biết, số người đến EU thông qua tuyến đường Balkan trong năm 2022 nhiều hơn ba lần so mức năm 2021 và gấp 10 lần năm 2018. Vì vậy, hợp tác với Tây Balkan được xem là một trong những chìa khóa quan trọng giúp giải quyết tình trạng dòng người di cư bất hợp pháp tràn vào EU.

Hơn nữa, sau Brexit, việc mở rộng liên minh được nhiều nước EU quan tâm. Mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) kêu gọi mở rộng EU, đồng thời nhấn mạnh, việc này sẽ giúp EU gia tăng tầm ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Scholz đã thúc đẩy EU kết nạp thêm các nước khu vực Balkan và các nước khác, coi đây là một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Berlin. Lãnh đạo các quốc gia thành viên khác như Italia, Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia cũng đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình kết nạp các nước Tây Balkan vì lợi ích kinh tế và an ninh của cả khối.

Mặc dù có nhiều tương đồng về lợi ích song giới phân tích cho rằng, tiến trình các nước Tây Balkan gia nhập EU còn đối mặt nhiều khó khăn. Bất ổn và những bất đồng chưa được giải quyết giữa các nước Tây Balkan, sự chênh lệch về trình độ phát triển được coi là những trở ngại chính. Ngoài ra, EU đang căng mình giải quyết hàng loạt thách thức như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, kinh tế đình trệ… Nhiều ý kiến cho rằng, EU đang tập trung xử lý các vấn đề nội tại trước khi đẩy mạnh tiến trình mở rộng khối.

Cùng chung sống dưới một mái nhà mang lại nhiều lợi ích cho cả Tây Balkan và EU. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ và ủng hộ của EU, tiến độ gia nhập phụ thuộc nhiều vào việc các nước Tây Balkan sớm thực hiện các cải cách cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của EU.