Vừa nhắm mắt vừa chạy

Vũ Tiến Mạnh và các bạn trong Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam, có thể hoàn thành các cự ly 5 km, 10 km, 21 km, thậm chí marathon (42 km) khi không nhìn thấy gì. Cứ chủ nhật hằng tuần, các thành viên của Câu lạc bộ lại tập trung ở sân vận động Hàng Ðẫy, Hà Nội để bắt đầu những vòng chạy từ rất sớm, qua đó lan tỏa tinh thần tập luyện thể thao nói chung, bộ môn chạy bộ nói riêng.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam luyện tập tại sân vận động Hàng Ðẫy (Hà Nội).
Các thành viên Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam luyện tập tại sân vận động Hàng Ðẫy (Hà Nội).

Người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly marathon

Hà Nội 6 giờ sáng, trời vẫn khá tối. Ðầu tháng ba, thời tiết không quá lạnh nhưng vẫn khiến tôi co ro trong chiếc áo gió. Ðường Trịnh Hoài Ðức nơi tôi đứng không một bóng người. Thi thoảng có vài chiếc xe máy chạy qua, hoặc một chiếc xe đạp của người đi tập thể dục sớm. Nơi sáng nhất trên con phố này là chỗ ánh đèn hắt ra từ cửa số 7 của sân Hàng Ðẫy đang mở. Hai chú bảo vệ chuẩn bị thay ca trực, đồng ý để tôi đứng chờ các thành viên của Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam.

Có tiếng những bước chân hướng về phía tôi rồi lướt qua. Hai bóng người trên đường chạy với tốc độ khá chậm. Một người có vóc dáng cao lớn, người kia thấp hơn, đáng chú ý là tay của họ được buộc với nhau bằng sợi dây đen. Họ là một người khiếm thị đang chạy với một người đồng hành dẫn đường. Không lâu sau, một người khiếm thị khác xuất hiện, bước chậm cùng gậy dò đường. Ðây là Nguyễn Cảnh Tùng - một thành viên của Câu lạc bộ.

Tôi tiếp tục chờ đợi nhân vật chính của câu chuyện là Mạnh, người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành cự ly marathon với thành tích 3 giờ, 41 phút 12 giây ở giải Halong Bay Heritage Marathon hồi tháng 11/2023. Hơn 6 giờ, Mạnh xuất hiện cùng một cô gái dẫn đường. Sau này tôi biết, cô là trợ lý, phụ trách các vấn đề đối ngoại của câu lạc bộ.

Trên đường chạy, có tất cả tám người, trong đó có một cô gái mắt sáng chạy cự ly dài, sáu người khuyết tật và một người chạy kèm. Trong hai người mà tôi gặp từ rất sớm có anh Phạm Trung Thu chạy cự ly marathon (42 km), đường chạy giờ có thêm Tùng, Mạnh, Lê Huy Hào, Tạ Ðình Hán và Tạ Văn Duy. Hán chạy một mình, không cần người chạy cùng bởi anh có thể nhìn thấy lờ mờ, Tùng và Hào, Mạnh và Duy chạy thành đôi với nhau.

Tôi là khán giả duy nhất đứng xem họ chạy như thế trong một sân vận động rộng lớn. Trong không gian đó, không có âm thanh nào đặc biệt ngoài tiếng bước chân. Họ mải miết chạy hết vòng sân này qua vòng sân khác, những bước chân đều đều, buồn tẻ. Tôi không đủ kiên nhẫn để đếm họ đã chạy được bao nhiêu vòng sân có chiều dài 400m đấy. Tuy nhiên tôi biết, để hoàn thành cự ly marathon, anh Thu sẽ phải chạy 105 vòng.

Sau một lúc, Tùng và Hào chạy chậm lại, tháo dây buộc tay. Hào vẫn chạy tiếp, còn Tùng đi bộ, thả lỏng cơ thể trước khi ngồi bên cạnh tôi nghỉ ngơi. Chàng trai sinh năm 1994 ở Vĩnh Phúc cho biết, hôm nay em chỉ chạy 5 km do phải về sớm có việc. Quãng đường từ An Dương, quận Tây Hồ (Hà Nội) đến sân Hàng Ðẫy khá xa, vậy mà Tùng vẫn chăm chỉ có mặt ở các buổi tập từ khi tham gia Câu lạc bộ vào mùa hè 2023. Em cho biết, công việc xoa bóp, bấm huyệt nhiều lúc khiến em cảm thấy buồn chán. Sau đó, em biết ở gần nhà có một số người khuyết tật ngày nào cũng chạy bộ nên em xin các anh đưa đi tập cùng rồi yêu thích môn thể thao này.

Với một chàng trai bị hỏng mắt sau vụ tai nạn giao thông khoảng 7-8 năm trước, môn chạy bộ đã mở ra cánh cửa mới giúp Tùng thoát khỏi bốn bức tường lạnh lẽo, giúp em khỏe mạnh hơn, tư tưởng cũng thoải mái, thông suốt hơn. Vì thế, dù công việc vẫn vậy, thu nhập lúc cao lúc thấp tùy thời điểm nhưng em luôn cố gắng duy trì 3-5 buổi tập trong tuần. Tùng đã mạnh dạn đăng ký thi đấu cự ly 21 km tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 tới với vai trò là vận động viên của Vĩnh Phúc. “Em sẽ cố gắng đạt thành tích tốt, việc tham gia thi đấu sẽ giúp em biết sức và giới hạn của mình ở đâu”, chàng trai 30 tuổi tâm sự.

Việc tham gia Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam đã là sự khích lệ, quyết tâm lớn của những người khiếm thị như Tùng bởi chỉ nghe bạn này kể đã nâng cự ly từ 5 km lên 21 km hay 42 km, bạn kia chuẩn bị tham dự một giải chạy nào đó, điều đó như một sự thôi thúc tất cả cần phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa.

Lan tỏa bộ môn chạy đến cộng đồng người yếu thế

Tôi chờ Mạnh kết thúc buổi tập. Mạnh tiết lộ, anh chỉ hoàn thành 7 km do vừa chấn thương đầu gối. Chấn thương hồi cuối năm 2023 khiến anh nghỉ mất gần hai tháng, phải trị liệu, tập phục hồi mới đạt khoảng 80% thể lực. Tuy vậy, Mạnh vẫn nỗ lực tự tin tham dự Giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65-năm 2024 (Tiền Phong Marathon 2024) diễn ra trong tháng 3 tại tỉnh Phú Yên, ở nội dung 21 km.

Ngoài Mạnh, Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam cũng có một số thành viên có cơ hội được cọ xát ở Phú Yên, trong đó có anh Thu ở nội dung 42 km. Ðiều đáng nói là Mạnh chỉ mới tập cự ly dài khoảng hai năm, trong khi tại Para Games 2023 tại Campuchia, anh giành ba huy chương bạc ở các nội dung 800m, 1.500m và tiếp sức.

Mạnh chia sẻ: Với những người khiếm thị, khi tham gia chạy bộ, điều khó khăn nhất là ý chí bản thân. “Chạy dài mà không kiên trì thì rất dễ bỏ cuộc! Người mắt sáng còn nhìn thấy mọi thứ chung quanh, người khiếm thị như em chỉ có bóng tối! Âm thanh cũng chỉ có tiếng bước chân, lấy tiếng bước chân của người khác làm niềm vui của mình. Tuy vậy, thay vì nhìn thì chúng em nghe, nghe người chạy cùng mô tả mọi thứ trên đường. Ðiều đó giúp em tưởng tượng mọi thứ chung quanh và có thêm động lực cố gắng”.

Với Mạnh thì sự cố gắng thật khó diễn tả bằng lời bởi trước khi đến với điền kinh, anh đã được gia đình định hướng theo học âm nhạc nhưng không thành. Bố mẹ vì thế cũng không muốn anh theo đuổi sự nghiệp thể thao khi anh chuyển tới trường chuyên biệt tại tỉnh Thái Nguyên năm 2012, trước lúc họ nhận ra rằng người khiếm thị có thể thi đấu và từ đó ủng hộ anh hoàn toàn. Nhờ vậy, niềm đam mê với điền kinh lớn dần ở chàng trai sinh năm 2000 ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Năm 2016, Mạnh xuống Hà Nội, học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, quận Hoàn Kiếm và được giới thiệu vào đội tuyển thể thao khuyết tật Hà Nội. Sau đó là chuỗi ngày anh vừa học văn hóa, vừa luyện tập thể thao.

Những tấm huy chương tại Para Games 2023 đã mở ra một chương mới trong cuộc đời của Mạnh và mang đến cho anh nhiều cơ hội gặp gỡ mọi người, thi đấu ở nhiều giải chạy uy tín. Mạnh luôn đau đáu: Nếu người khiếm thị có cơ hội tập luyện, được tham gia các giải, sẽ có những người đạt thành tích tốt, họ sẽ có thêm động lực, niềm lạc quan để thêm yêu cuộc sống.

Ðó là lý do để Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam ra đời vào hè năm 2023 với hơn 30 thành viên, trong đó khoảng 20 người khiếm thị, còn lại là tình nguyện viên. Ðiều quan trọng là câu lạc bộ nhận được sự tài trợ của Qũy Abilis (thuộc Bộ Ngoại giao Phần Lan).

Mục tiêu mà Mạnh và câu lạc bộ hướng đến là lan tỏa tinh thần thể thao nói chung, bộ môn chạy bộ nói riêng đến đông đảo cộng đồng, đặc biệt là nhóm người yếu thế thông qua dự án Running Now. Dự án sẽ trang bị kiến thức/kỹ năng chạy an toàn cho các cặp chạy người khiếm thị và người dẫn đường, giúp họ có nền tảng để thực hành hoạt động chạy bộ thường xuyên tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động của mình, Running Now góp phần phá bỏ những định kiến/khuôn mẫu về người khiếm thị trong vấn đề thể thao, kết nối người khiếm thị và người không khiếm thị thông qua những bước chạy.

Mong mỏi hiện tại của Mạnh là đến cuối năm 2024, thay vì anh nói tới mục tiêu cá nhân tại Giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 65-năm 2024, “các thành viên khiếm thị của Câu lạc bộ Người khiếm thị yêu chạy Việt Nam đều có thể nâng cự ly chạy lên 21 km. Xa hơn, em hy vọng một số bạn có thành tích tốt được cọ xát ở nước ngoài và bản thân em muốn đổi được màu huy chương tại Para Games 2025 ở Thái Lan”.