Vòng 2 bầu cử Quốc hội Pháp: Liên minh đảng cầm quyền khó có đa số tuyệt đối

NDO -

Hôm nay, 19/6, cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng hai bầu cử Quốc hội, sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với nền chính trị của Pháp trong 5 năm tới. Đảng cầm quyền và liên minh được dự báo không giành được đa số tuyệt đối, như vậy Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện các cải cách lớn.

Ngày 14/6, trước khi đi thăm Rumani và Moldova, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cử tri ủng hộ để có đa số tại Quốc hội. Ảnh: AP
Ngày 14/6, trước khi đi thăm Rumani và Moldova, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cử tri ủng hộ để có đa số tại Quốc hội. Ảnh: AP

Trong vòng một bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào ngày 12/6, liên minh "Chung sức" của đảng cầm quyền về đầu với 25,75% số phiếu, một tỷ lệ rất sát sao và chỉ hơn 21.442 phiếu so với liên minh cánh tả “Nhân dân Xã hội và Sinh thái mới” (NUPES)  với 25,66% phiếu bầu. Trong vòng hai, liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron phải đối đầu với liên minh cánh tả do ông Jean-Luc Mélenchon đứng đầu tại 271 khu vực bầu cử, đồng thời tranh ghế dân biểu với đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc tại 110 khu vực. 

Ngay sau vòng 1, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon tích cực vận động những người bỏ phiếu trắng và không đi bầu nhằm thu hút thêm sự ủng hộ trong vòng hai. Ông Jean-Luc Mélenchon còn cáo buộc ông Emmanuel Macron "phớt lờ" cuộc bầu cử và quan tâm hơn đến các vấn đề quốc tế.

Lãnh đạo cũng như các ứng cử viên của liên minh NUPES liên tục đề cập đến cam kết của về sinh thái, bất bình đẳng xã hội và nữ quyền và tương lai của thế hệ trẻ cùng với trợ cấp hơn 1.000 euro, nhằm thu hút niềm tin của giới trẻ để có thể thắng liên minh của đảng cầm quyền trong vòng hai.

Kết quả về đích sát nút với đối thủ cực tả Jean-Luc Mélenchon ở vòng một cho thấy thách thức rất lớn đối với đảng cầm quyền "Phục hưng". Nguy cơ không giành được đa số hiện rõ, không còn thuận lợi như năm 2017.

Trước tình hình như vậy, Tổng thống Emmanuel Macron liên tục vận động bầu cử cho liên minh "Chung sức," chỉ trích chương trình tranh cử của ông Jean-Luc Mélenchon, đồng thời nêu lên những khác biệt quan điểm trong đó có vị trí của NATO và vai trò của một châu Âu toàn vẹn. Tổng thống Pháp kêu gọi cử tri bỏ phiếu ủng hộ cho liên minh "Chung sức" để có đa số tại Quốc hội, có như vậy mới tránh được sự hỗn loạn và thuận lợi cho việc triển khai các chính sách và cải cách.

Cũng giống như bầu cử tổng thống, chiến lược tranh cử của ông Emmanuel Macron là không có chương trình vận động tranh cử. Các nhà phân tích cho rằng sự thụ động này hay còn gọi là "quá tự tin" đã dẫn tới kết quả thập hơn dự tính trong các cuộc bầu cử vừa qua dù có quyết tâm cải tổ, đổi mới nền chính trị và chủ trương hợp tác với tất cả chính sách từ cả cánh hữu và cánh tả có chung hướng đi.

Tổng thống Emmanuel Macron đã phải kêu gọi cử tri cho ông nắm đa số trong Quốc hội. Ông khẳng định cần "một đa số tuyệt đối " và đây là "sự lựa chọn tối quan trọng vì "lợi ích cao nhất của quốc gia." Điều này cho thấy Tổng thống Pháp rất lo ngại về kết quả bỏ phiếu vòng hai.

Theo các kết quả thăm dò mới nhất, đa số dân Pháp dường như không muốn Tổng thống Emmanuel Macron có đa số tuyệt đối, đồng thời không muốn lãnh đạo liên minh cánh tả Jean-Luc Mélenchon làm thủ tướng.

Kết quả thăm dò của hãng Odoxa cho thấy tỷ lệ vắng mặt sẽ cao như trong vòng một (53%). Liên minh "Chung sức" của Tổng thống sẽ chỉ giành được đa số tương đối với khoảng từ 250-280 ghế, giảm 80-90 ghế so với năm 2017. Có 70% số người được hỏi cho biết không muốn một đa số tuyệt đối (289 trên tổng số 577 ghế) cho Tổng thống Pháp.

Kết quả có thể thuận lợi hơn cho liên minh ủng hộ Tổng thống trong cuộc thăm do Viện OpinionWay thực hiện. Theo đó, liên minh "Chung sức" được dự báo là sẽ có 275-305 ghế, so với 165-210 ghế cho liên minh cánh tả NUPES. Khả năng giành đa số tuyệt đối là không chắc chắn.

Liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron được dự báo khó giữ được đa số tuyệt đối. Còn liên minh cánh tả tiếp tục hy vọng được đa số tuyệt đối để đưa lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất lên làm thủ tướng. Với 388 ứng cử viên lọt vào vòng hai, liên minh NUPES có thể trở thành nhóm đứng đầu hoặc thứ hai tại Quốc hội, từ đó đưa cánh tả trở lại chính trường Pháp. Dù vậy, liên minh NUPES sẽ khó có thể đạt được mục tiêu “bầu ông Jean-Luc Mélenchon làm thủ tướng.”

Kịch bản về “Chung sống chính trị” khó có thể xảy ra vì có thể xảy ra khả năng đảng cảnh hữu Những người Cộng hòa (LR) và đảng cánh trung Liên minh Dân chủ và Độc lập (UDI) có thể hỗ trợ liên minh của đảng cầm quyền để chiếm đa số tại Quốc hội. Dù đã mất đi vị thế của lực lượng đối lập lớn nhất tại Quốc hội và chỉ về thứ 4 tại vòng một, đảng LR được dự báo có khoảng 60 ghế. Do vậy, đây sẽ là lựa chọn tối ưu đối với Tổng thống Emmanuel Macron trong trường hợp liên minh "Chung sức" không giành được đa số tuyệt đối.

Kết quả bầu cử lần này có ý nghĩa quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các chính sách và cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron, đồng thời định hình xu hướng chính trị mới ở Pháp.