Vốn FDI tăng đều nhưng chưa đột biến

NDO -

Nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), nhất là đầu tư trực tiếp (FDI) đã tăng trở lại nhưng chưa có dấu hiện cho thấy có sự dịch chuyển hướng đầu tư.

(Ảnh minh họa: baoquocte.vn)
(Ảnh minh họa: baoquocte.vn)

Thu hút nhiều dự án tỷ USD

Cục ĐTNN cho biết, sáu tháng đầu năm 2020, thu hút ĐTNN đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) với tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD, giảm 17,7% về số dự án nhưng tăng 13,8% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2019. 

Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 3,7 tỷ USD, giảm 16,2% về số lượt dự án nhưng tăng 26,8% về vốn tăng thêm so cùng kỳ năm 2019. 

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN cũng tăng tăng 2,6% nhưng tổng giá trị vốn góp chỉ đạt 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so cùng kỳ, do quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/ lượt góp vốn. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký giảm từ tỷ lệ gần 44% trong sáu tháng đầu năm 2019 xuống còn 22,4%.

Vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng nhờ thu hút được các dự án quy mô lớn.

Cụ thể, vốn đầu tư tăng là do trong sáu tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp GCNĐKĐT mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới). Dự án này đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020.

Tương tự, vốn điều chỉnh tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam của nhà đầu tư Thái Lan tại Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

Riêng trong tháng 6 tiếp tục thu hút một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải (Hồng Công – Trung Quốc), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ô-tô tại Vĩnh Long .

Cục ĐTNN nhận định: Vốn đầu tư trong tháng 6 đã tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 5 và tăng 3,1% so tháng 6-2019. Quy mô dự án đầu tư mới trong tháng 6 cũng cao hơn 67,2% so tháng 5.

Tuy nhiên do tác động của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình cảnh khó khăn.

Vốn thực hiện của các dự án ĐTNN vẫn tiếp tục xu hướng giảm trong 6 tháng đầu năm, chỉ bằng 95,1% so với cùng kỳ, song mức độ giảm đang cải thiện dần so với các tháng trước đó. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt 8,65 tỷ USD, bằng 95,1% so với cùng kỳ.

Việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN vẫn còn bị ảnh hưởng. Số dự án mới và điều chỉnh vốn đều giảm so với cùng kỳ, nhất là các dự án đăng ký mới.

Mặc dù vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.

Nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN trong sáu tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 70,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Chưa có dấu hiệu dịch chuyển dòng vốn

Cũng theo thông tin từ Cục ĐTNN, thứ hạng nhà đầu tư dẫn đầu đã có sự thay đổi.

Cụ thể, đứng đầu danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn lớn nhất vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm không còn là Nhật Bản, Hàn Quốc như nhiều năm trước đây.

Singapore đã trở thành đối tác đầu tư lớn nhất trong tổng số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê đánh giá, dòng vốn ĐTNN chảy vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu tích cực.

“Các quốc gia lớn thường đầu tư nhiều vào Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt. Nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch dòng vốn trên thế giới cho thấy Việt Nam có thể là điểm đến mới” – ông Thúy chia sẻ. 

“Số dự án ĐTNN vào Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm, chưa có sự đột biến. Những tháng đầu năm 2020, các DN có chuỗi giá trị toàn cầu đều phải lo chống dịch Covid-19 nên hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn lớn chủ yếu đều nằm trên giấy hoặc vẫn ở trong suy tính, chưa có số lượng cụ thể” - Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp giải thích.

“Hơn nữa, các DN có vốn ĐTNN ở Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ nhiều chính sách thu hút đầu tư như thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ… nhưng đây cũng là chính sách nhiều quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… đang áp dụng. Do đó, các nhà ĐTNN có nhiều lựa chọn khi tìm điểm đến mới.”, ông Thuý phân tích.

Cũng theo ông Thuý, việc chuyển hướng đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không hề đơn giản do nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc chi phí chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư.

Đặc biệt, với các DN sản xuất thì quá trình chuyển dịch vốn có thể mất khoảng 2-5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện. Trong khi đó, chính các quốc gia sở tại cũng phải xem xét các chính sách để “níu kéo” các nhà đầu tư…