Với một chiếc xe đạp, thế là tôi miên man...

Chính những ngày lang thang sau chiến tranh đã cho tôi một thói quen: thích lang thang. Bây giờ lớn tuổi, thích ngồi nhà, uống cà-phê cũng ở nhà, chứ hồi trẻ, tôi chỉ thoải mái khi ở ngoài đường. Tôi có thể ở ngoài đường suốt ngày, tới đêm luôn.
0:00 / 0:00
0:00

Với một chiếc xe đạp, thế là miên man, hết chỗ này lại chỗ kia, hết nhà này tới nhà khác. Tôi không du lịch, chẳng phượt, chỉ lang thang. Vô mục đích và vu vơ. Nhưng tôi thích. Bây giờ đến nhà ai cũng ngại, chứ hồi ấy, thấy vui.

Nghe nói hồi xưa ở Nga cũng có những người lang thang cơ nhỡ như vậy, họ hành hương khắp nơi chứ không hành hương riêng về Đất Thánh. Người Nga gọi họ là "palomnhik". Tôi chẳng biết mình có giống những palomnhik ấy không, nhưng đúng là tôi thích lang thang. Dĩ nhiên đích đến luôn là bạn bè. Bạn bè tôi đều nghèo, nhưng không ai lấy đó làm phiền. Bây giờ nghèo thấy khổ, hồi ấy thì không. Nhà tôi 12m2 nhưng lúc nào cũng có khách. Từ những nhà văn tên tuổi trong cả nước tới những anh lang thang cơ nhỡ như tôi. Tất cả đều được đón chào ở nhà tôi, và tất cả đều vui lòng khi cùng gia chủ dùng tạm bữa cơm đạm bạc (ít đạm và ít tiền) hay vui vầy các cuộc nhậu.

Tôi nhớ, có lần nhà thơ Xuân Diệu tới nhà tôi chơi, vợ tôi nấu món bún chả cá, ông ăn ngon miệng tới mức đứng lên không nổi luôn. Vì ngồi trên giường ăn cơm, chứ nhà tôi không có bàn ăn. Giờ nghĩ lại, vẫn thấy xúc động: hồi ấy khổ, mà vui.

Chính từ cuộc sống thiếu bài bản như thế, đâm ra tôi viết được, viết được rất nhiều. Nhà thơ, cũng không cần quá tiện nghi để sáng tác. Nhiều khi sướng quá chưa chắc đã có tác phẩm. Vì khi viết, anh chỉ tập trung vào trang viết, dù là viết trên giấy hay trên máy chữ, bây giờ là trên máy tính, ngoại cảnh khi ấy bị xóa. Đã bị xóa, thì tiện nghi hay bất tiện cũng thế thôi...

Khi lối văn chương sáo rỗng lên ngôi, người ta gọi đó là "văn mẫu". Tới điếu văn cũng phải dùng "điếu văn mẫu" thì hết biết! Tôi đang dùng một lối văn "phi mẫu" để viết. Có thể coi đó như một phản ứng về lối viết. Tôi cứ viết tự nhiên, nghĩ gì viết nấy, không theo ai và chẳng mong ai theo mình. Khi ký ức ùa về, thật khó "thành kính phân lô", vì ký ức có khi rất lộn xộn, vừa mập mờ vừa rời rạc, vụt sáng rồi vụt tắt.

Chúng ta sống với ký ức, nhiều hơn là ký ức sống với ta. Bởi nó độc lập, trong ta và ngoài ta. Nhiều lúc, tôi muốn để ký ức tự vận hành khi viết, nhưng như thế sẽ rất tù mù. Thăm dò món này thật không đơn giản.

Nhớ hồi cơ nhỡ đó, tuyệt đối không ai có điện thoại, vậy mà sao chúng tôi vẫn gặp nhau hằng ngày một cách khá dễ dàng. Luôn biết giờ nào thì bạn mình ở đâu, cứ tới đúng nơi, đúng lúc là gặp. Gặp nhau, anh em biết nhau có tiền hay không ngay. Nếu đều không có, thì phải nghĩ cách. Còn chỉ một người có, là xong.

Khoảng sau năm 1980, khi nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn nổi tiếng thế giới, anh đã có tiền mua cho bố-nhà thơ Đặng Đình Hưng-một căn hộ khiêm nhường ở Giảng Võ. Rất khiêm nhường với bây giờ, nhưng hồi đó là ngon.

Tôi nhớ nhiều lần tới thăm nhà bác Đặng Đình Hưng và uống rượu với bác, mỗi khi ra về bác Hưng lại dặn: "Cậu nhớ gọi điện thoại cho mình nhé! Số máy của mình là...". Đó là số máy bàn. Nhưng hồi đó tôi có biết điện thoại là cái gì đâu! Lấy đâu ra điện thoại, dù điện thoại bàn, để gọi cho bác Hưng. Người già sống một mình, con cái sắm cho cái điện thoại để gọi "chém gió" cho đỡ buồn, nhưng ở thời chả ai có điện thoại, nhất là những bạn văn nghệ nghèo, thì đành chịu.

"Cuộc đời vẫn đẹp sao", thôi thì lại hát và lại đi. Trời có xanh hay mù, thì cũng đi tới quán rượu, hay khá hơn, tới quán bia hơi. Hồi đó đơn giản quá.

Bây giờ, chỉ cần tắt điện thoại, là coi như rơi vào khoảng mịt mùng. Phương tiện liên lạc khiến chúng ta trở nên ỷ lại, và đó là điều không nên. Nhưng thời này mà không dùng điện thoại di động như ông Ngô Thế Oanh bạn tôi, thì cũng không ổn. Nhiều khi muốn gọi điện, muốn trao đổi từ một khoảng cách xa hàng nghìn cây số, nếu không dùng điện thoại di động, thì biết làm sao? Vi tính cũng không dùng nốt, thì biết thế nào?

Tôi có những người bạn lạ, theo nghĩa cá tính lạ, ông Oanh này là một. Từng là Tổng Biên tập Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, mà điện thoại không có, vi tính không dùng, chỉ thích đi bộ. Xe "ba nghìn con trâu" thật vô cùng xa lạ với một nhà thơ như thế. Tôi cũng là người không quan tâm mấy tới tiện nghi, nhưng tối thiểu như điện thoại di động (dù loại "cục gạch") hay vi tính thì phải có. Để làm việc chứ không phải để chém gió.

Bây giờ, tôi nghe lời con tôi, sắm một điện thoại thông minh dù tôi luôn tự nhận, mình không phải người thông minh. Sắm được rồi, tốn cả đống tiền rồi, nhưng tôi lại mau chán, không muốn dùng, và quay trở lại chiếc "điện thoại không thông minh". Đành vậy.

Ở đời, không phải ai cũng thông minh, không phải ai cũng biết làm chủ nhiều phương tiện thời hiện đại này. Như tôi, không biết đi xe máy, không biết dùng điện thoại thông minh, nhưng tôi thấy mình vẫn ổn. Nhiều lúc cứ lơ ngơ hồn nhiên, vẫn thấy hay. Tôi nhớ, có đọc ở đâu đó, về một tộc người có khoảng 300.000 dân ở Mỹ, gọi là tộc người Amish.

Người Amish từ chối văn minh hiện đại, họ sống không quan tâm tới tiện nghi vật chất, kể cả trong nhà không dùng ti-vi. Vậy mà họ vẫn sống ngon lành, vẫn được các cộng đồng khác tôn trọng.

Gần đây, có một cô gái Việt Nam kết duyên với một chàng trai thuộc cộng đồng Amish. Cô gái đã tập quen không xem ti-vi, không dùng điện thoại, tự trồng rau sạch để ăn, không hề son phấn... mà "Cuộc đời vẫn đẹp sao!" Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể sống như người Amish, nhưng tôi tự thấy, họ là một cộng đồng không chỉ kỳ lạ, mà còn rất đẹp.