Vĩnh Long quyết liệt phòng, chống thiên tai

Tình hình thiên tai, nhất là sạt lở, dông lốc, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ngày càng diễn biến phức tạp. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương ở Vĩnh Long đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai bằng nhiều giải pháp, cho nên đã giảm bớt thiệt hại, giúp người dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng tại chỗ xã Ðồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long gia cố lại điểm sạt lở xảy ra vào đêm 5/10/2024.
Lực lượng tại chỗ xã Ðồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long gia cố lại điểm sạt lở xảy ra vào đêm 5/10/2024.

Hơn một tháng sau vụ sạt lở đê bao trong đêm 5/10 tại ấp Phú Mỹ 1, xã Ðồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, người dân ở khu vực này thở phào vì cây trái vườn nhà vẫn xanh tốt. Ðó là nhờ lực lượng tại chỗ đã kịp thời gia cố đê bao ngay trong đêm, hạn chế đến mức thấp nhất nước tràn vào vườn cây.

Ông Phạm Văn Vũ, người dân ấp Phú Mỹ 1, xã Ðồng Phú, huyện Long Hồ, cho biết: “Gia đình tôi có vài công vườn cây ăn trái, trong đó có khoảng 100 gốc sầu riêng đang cho trái nghịch mùa. Sự cố sạt lở đê bao gần nhà làm tôi hết sức lo lắng. Rất may là các lực lượng của xã đã kịp thời có mặt hỗ trợ chúng tôi gia cố đoạn đê bao bị sạt lở. Chúng tôi rất cảm kích, trân quý lực lượng cứu hộ”.

Dân quân Phan Tâm Em, Ban Chỉ huy Quân sự xã Ðồng Phú, huyện Long Hồ, cho biết: “Lực lượng dân quân của xã luôn túc trực 24/24 giờ khi có sự cố xảy ra trên địa bàn. Lãnh đạo điều động là chúng tôi sẵn sàng đến nơi giúp người dân khắc phục ngay, bất kể lúc nào”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðồng Phú Nguyễn Thanh Tâm, nhờ chú trọng kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai cũng như đội xung kích nên khi xảy ra sạt lở trong đêm 5/10 vừa qua, địa phương đã huy động ngay hơn 30 người khắc phục ngay trong đêm, giúp người dân hạn chế được thiệt hại.

Trung tá Nguyễn Ðại Nghĩa, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Hồ cho biết thêm, thời gian qua, huyện Long Hồ luôn quan tâm thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ bà con phòng, chống thiên tai. Dự báo, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, Ðảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Hồ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm giúp dân đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang toàn huyện. Xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, lực lượng vũ trang toàn huyện quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ...

Với hơn 5.000 tuyến sông, kênh, rạch có tổng chiều dài gần 5.600 km, hiện, tình trạng sạt lở ở Vĩnh Long xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Những năm trước, thường ghi nhận sạt lở nhiều trên các sông chính, nhưng gần đây thì vùng nội đồng xảy ra sạt lở nhiều hơn, đã “nuốt” nhiều đất đai, hủy hoại nhiều công trình, nhà cửa.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương ở Vĩnh Long luôn duy trì nghiêm trạng thái sẵn sàng, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời diễn biến của khí hậu, thời tiết, các sự cố thiên tai xảy ra; qua đó, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính. Ðây được xem là giải pháp kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 431 điểm/vị trí sạt lở; trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 110 điểm/vị trí sạt lở làm mất hơn 14.918m bờ sông cùng các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân (trong đó có 42 hộ phải di dời nhà). Ước tổng thiệt hại do sạt lở và sụt lún hơn 65 tỷ đồng.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết thêm, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng phòng, chống sạt lở bằng cả giải pháp công trình và phi công trình. Tại nhiều điểm sạt lở đê bao, bờ bao nhỏ lẻ, nhờ sự góp sức của lực lượng tại chỗ, thiệt hại của người dân đã giảm bớt.

Hiện, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Về lực lượng, ngoài nòng cốt là dân quân tự vệ, công an, thì hầu hết các đoàn thể cũng đều tham gia. Nhờ tích cực, chủ động phòng tránh, 10 tháng năm 2024, thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra trong toàn tỉnh ước tính chỉ khoảng 16,8 tỷ đồng, giảm gần 42,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở bờ sông, từ năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã vận động Công ty Manglub Việt Nam triển khai trồng 5.000/7.000 cây bần trên diện tích 2 ha bãi bồi ven sông Cổ Chiên, thuộc hai ấp Ðại Nghĩa, Phú An, xã Trung Thành Ðông, huyện Vũng Liêm. Trong tám tháng năm 2024, tiếp tục vận động Công ty Manglub Việt Nam trồng 1.500 cây bần trên bãi bồi sông Cổ Chiên, đoạn thuộc xã Trung Thành Ðông, huyện Vũng Liêm...

Từ năm 2021 đến nay, được sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư 10 tuyến kè kiên cố có kết cấu bằng bê-tông cốt thép (đang triển khai thực hiện 7 tuyến, chuẩn bị thực hiện 3 tuyến); gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố lòng sông, gia cố tạm bằng cừ tràm, cừ dừa với khoảng 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao.