Vĩnh Long chú trọng tìm giá trị thực để phát triển văn hóa-du lịch thành điểm nhấn

NDO -

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, Vĩnh Long cần tìm ra được giá trị thực sự của văn hóa, của tự nhiên để xây dựng gia đình, con người văn hóa. Chú trọng phát triển văn hóa-du lịch thành điểm nhấn, môi trường đầu tư du lịch lành mạnh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: BÁ DŨNG)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: BÁ DŨNG)

Ngày 7/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long về công tác văn hóa và giáo dục. Cùng đi có Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn… Tiếp đoàn có đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, năm qua, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, song với quyết tâm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội quý I/2022 của tỉnh đạt được một số kết quả khá tích cực.

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập đề án và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch. Nhất là đề án Dự án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng dồng bằng sông Cửu Long và Đề án Di sản đương đại Mang Thít.

Dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và triển khai các giải pháp bảo đảm hài hòa với mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh và trong vùng.

Toàn tỉnh đã có 65 di tích được xếp hạng, gồm 11 di tích quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh. Công tác phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa-thể thao trên địa bàn tỉnh được quan tâm xây dựng. Đến năm 2021, toàn tỉnh có trên 70% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa-thể thao.

Thể thao thành tích cao được quan tâm đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên, xác định các môn thể thao mũi nhọn có thế mạnh của tỉnh để ưu tiên đầu tư. Đến nay, thể thao thành tích cao tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 4/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xếp hạng 16/65 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.

Về giáo dục, hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như bảo đảm được chất lượng và sự an toàn cho giáo viên và học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Tỷ lệ phòng học kiên cố là 90,91 %. Tính đến tháng 2/2022, toàn tỉnh có 257/412 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 62,38%... Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình thi Vĩnh Long xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao công tác giáo dục và chăm lo đời sống văn hóa cho người dân của tỉnh Vĩnh Long. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy các đặc trưng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó chúng ta tìm ra được giá trị thực sự của văn hóa, của tự nhiên để xây dựng gia đình, con người văn hóa. Chú trọng phát triển văn hóa-du lịch thành điểm nhấn, môi trường đầu tư du lịch lành mạnh…

“Về công tác giáo dục, tỉnh Vĩnh Long cần quản lý giáo dục thống nhất toàn quốc, giải quyết căn cơ vấn đề biên chế. Vĩnh Long cần có những mô hình đào tạo sáng tạo, phục vụ nguồn nhân lực cho cả vùng. Đặc biệt là thúc đẩy chương trình trao đổi sinh viên giữa các vùng trong khu vực và cả nước để tạo mối giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các vùng miền với nhau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.