Việt Nam sẽ là cầu nối giữa Italy và Đông Nam Á

Việt Nam sẽ là cầu nối giữa Italy và Đông Nam Á

Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với Italy từ lâu, ngay cả trước khi Italy tham gia khối EU. Italy cũng là một trong những nước phương Tây đầu tiên mở ra chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam.

Hợp tác kinh tế - thương mại

Trong những năm gần đây, nhờ kết quả của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng đáng kể. Năm 2002, kim ngạch tăng 32 lần so với 1990 (trong đó xuất khẩu tăng 48 lần, nhập khẩu tăng 21 lần), song kim ngạch này còn rất nhỏ bé so với tiềm năng hai nước, chưa bằng 0,1% so với tổng trị giá ngoại thương của Italy (khoảng 450 tỷ USD/năm). Sau khi bị sụt giảm nhẹ năm 2002 (-3,7%), xuất khẩu của Việt Nam sang Italy năm 2003 tăng mạnh trở lại (25,5%) đạt trên 331 triệu USD, nhập khẩu tăng khoảng 34,3% đạt 372 triệu USD. Số liệu trên cho thấy khả năng tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Italy còn rất lớn, nhất là khả năng thâm nhập của hàng hoá Made in Italy vào thị trường Việt Nam khá mạnh. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Italy đã tăng từ mức 13,24 triệu USD (2002) lên 181,6 triệu USD (2005).

Trao đổi hàng hóa của Italy với Việt Nam năm 2004 có mức tăng trưởng không cao, chủ yếu do tình trạng trì trệ kinh tế của bạn vẫn tồn tại tuy đã có khá hơn năm 2003 và đã tăng khá nhanh trong năm 2005 (đạt 757,8 triệu USD tổng kim ngạch hai chiều, trong đó Việt Nam xuất siêu 181,6 triệu USD). Riêng chín tháng đầu năm 2006, buôn bán hai nước tăng mạnh đạt 660 triệu Euro USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2005 (đạt 361,057 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Italy là giày dép, dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ. Riêng thủy sản và đồ gỗ là hai nhóm mặt hàng Italy có nhu cầu rất lớn. Việt Nam có thế mạnh và cần tăng cường xúc tiến xuất khẩu sang Italy (mỗi năm Italy nhập hơn 1 tỷ USD thủy sản và gần 500 triệu USD đồ gỗ).

Tuy nhiên, quan hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước còn chưa chặt chẽ, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu còn phải qua trung gian do chưa có nhiều quan hệ bạn hàng trực tiếp, ổn định và tin cậy.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Italy

Nhìn chung, diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Italy còn hẹp, chỉ tập trung vào một số mặt hàng như giày dép, dệt may, cà phê và hải sản, còn các mặt hàng khác kim ngạch đều dưới 10 triệu USD/năm.

Chín tháng đầu 2006, Việt Nam xuất khẩu sang Italy 462,758 triệu Euro, so với cùng kì 2005 (347,043) tăng 33,34% và bằng 97,70 % cả năm 2005.

Dự kiến tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Italy – thị trường lớn nhất chiếm gần 90% xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực bốn nước nam Âu cả năm 2006 đạt 600 triệu Euro (tương đương 780 triệu USD) và tăng gần 27%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Nhóm mặt hàng lớn nhất là giày dép giảm ít hơn tám tháng đầu 2006. Tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu khác tăng nên giữ được mức tăng chung. Đáng chú ý là thuỷ sản, cà phê và dệt may có kim ngạch lớn sau giày dép tăng rất mạnh. Đặc biệt sản phẩm chất dẻo tăng gấp nhiều lần và vươn lên đứng trong “top 5” các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Italy. Hàng công nghệ cao tăng hơn hai lần. Cao su thiên nhiên cũng tăng rất mạnh.

Các mặt hàng chính XK vào Italy chín tháng đầu 2006 theo thứ tự tổng trị giá: Giày dép: 149,417 triệu Euro, so với cùng kì 2005 giảm 4,76%; Thủy sản: 56,300 tăng 79,61%; dệt may: 50,781 tăng 88,78%; cà phê: 46,856 tăng 49,22%; sản phẩm chất dẻo: 16,871 tăng 683%; hàng công nghệ cao: 14,573 tăng 234%; sản phẩm gỗ: 11,950 tăng 5,39%.; cao su thiên nhiên: 10,275 tăng 75,43%; đồ du lịch: 6,372 tăng 1,15%; thủ công mỹ nghệ: 3,489 tăng 17,24%.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Italy

Mặt hàng là: máy móc thiết bị phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may da, tân dược, ôtô các loại, sắt thép, linh kiện điện tử và vi tính, chất dẻo nguyên liệu, xe máy, phân bón.

Nhiều mặt hàng của Italy từ máy móc thiết bị, công nghệ đến một số mặt hàng như sản phẩm da, thiết bị nội thất... chất lượng rất tốt, nhưng do giá cả cao và chưa được quảng cáo rộng khắp nên khả năng tiêu thụ tại Việt Nam còn có phần hạn chế. Năm 2004, thống kê cho thấy chỉ có 2 mặt hàng có kim ngạch cao là máy móc thiết bị phụ tùng (26.040.557 USD) và nguyên phụ liệu dệt may da (23.574.931 USD). Các mặt hàng khác đều có kim ngạch thấp (dưới 6 triệu USD).

Chín tháng đầu 2006, nhập khẩu từ Italy đạt 201,294 triệu Euro, so với cùng kì 2005 (155,188) tăng 29,71%.

Các mặt hàng chính NK từ Italy chín tháng đầu 2006 theo thứ tự tổng trị giá:

Máy móc thiết bị cơ khí: 62,048 triệu Euro, so với cùng kì 2005 tăng 20,52%; Da nguyên liệu: 21,515 giảm 12,70%; thiết bị phương tiện vận tải: 17,516 tăng 66,93%; Máy móc thiết bị điện: 14,761 tăng 27,90%; Nguyên liệu nhựa: 5,947 tăng 27,90%; thiết bị cơ khí chính xác: 5,339 tăng 59,41%

Triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại

Chính phủ và các tập đoàn công nghiệp Italy quan tâm nhiều tới các thị trường châu Âu, bắc Mỹ, Nga - đông Âu, bắc Phi. Italy cũng quan tâm phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Ấn Độ ở châu Á. Quan hệ với Việt Nam đến nay còn khiêm tốn cả trong đầu tư cũng như trao đổi thương mại do Nhà nước Italy chưa chú trọng thỏa đáng khuyến khích quan hệ kinh tế với Đông Nam Á và Việt Nam.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Italy tháng 9-2006 của Thứ trưởng Thương mại Nguyễn Thị Kim Ngân, phía Italy cho rằng, Việt Nam là một trong những nước châu Á hấp dẫn phát triển quan hệ kinh tế do các yếu tố: chính trị ổn định, kinh tế phát triển với tốc độ hàng đầu thế giới, sau khi gia nhập WTO, vị trí của Việt Nam ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á... Ngoài ra, Việt Nam còn có một lợi thế: chiếm được cảm tình của hàng triệu người Italy từng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, mà lớp cán bộ hiện nay là lãnh đạo chính quyền các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp của Italy, nhiều người bắt đầu trưởng thành thời kì đó. Italy coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực, thể hiện mong muốn Việt Nam sẽ là cầu nối giữa Italy và Đông Nam Á. Điều này được khẳng định trong Kế họach Phát triển Kinh tế 2007 của Italy, trong đó nêu rõ Việt Nam là một điểm phát triển quan hệ. Chính giới Italy đồng nhất ý kiến về phát triển quan hệ với Việt Nam và hoan ngênh khả năng đòan cấp Bộ trưởng của Việt Nam thăm Italy năm 2007, và cũng có khả năng một đòan cấp Bộ trưởng của Italy thăm Việt Nam trong năm này.

Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ tổ chức ở Hà Nội trong 2 ngày 14 và 15-12-2006, Italy cam kết hỗ trợ vốn ODA năm 2007 cho Việt Nam 42,15 triệu Euro, trong đó viện trợ là 4,05 triệu Euro và vốn vay là 38,1 triệu Euro, đứng hàng thứ 5 trong số các nước EU về tài trợ cho Việt Nam trong năm 2007...

Chuyến thăm Italy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngoài ý nghĩa thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao hai nước lên một tầm cao mới, nhiều nội dung về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại cũng sẽ được đề cập như:

- Đề nghị phía Italy khuyến khích các doanh nhân, nhà đầu tư đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, xây dựng quan hệ bạn hàng và tìm kiếm cơ hội kinh doanh - đầu tư tại Việt Nam.

- Tăng cường trao đổi các đoàn công tác giữa các bộ ngành hai nước để tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển thương mại.

- Tổ chức chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyên môn theo các chủ đề lựa chọn (xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh,…) giữa Bộ Thương mại hai nước với sự tài trợ của phía Italy.

- Đề nghị phía Italy tích cực ủng hộ Việt Nam trong việc vận động EC công nhận Việt Nam là nước có cơ chế thị trường.