Việt Nam phấn đấu tăng chiều cao trung bình từ 4 đến 5 cm trong 10 năm


Thực hiện lời Bác  Hồ dạy và thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IX, Ủy ban Thể dục - Thể thao cùng các ngành hữu quan chuẩn bị chương trình quốc gia "Nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam, góp phần phát triển giống nòi và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chương trình này với kinh phí dự kiến gần 600 tỷ đồng, đạt mục tiêu phấn đấu tăng chiều cao trung bình của người Việt Nam từ 4 đến 5 cm sau 10 năm. Chương trình này sẽ sớm được trình Ban Bí thư, Chính phủ để thực hiện trong giai đoạn đầu từ năm 2005 đến 2010.

Sau chiến tranh, nhờ thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, tầm vóc và thể trạng người Việt Nam phát triển khá hơn trước. So với năm 1975, tức là sau 26 năm, hiện nay nam thanh niên 20 tuổi cao hơn 6,1 cm, nữ thanh niên 20 tuổi cao hơn 4,8 cm. Ðây là sự phát triển tự nhiên, còn thiếu sự tác động đồng bộ, nên nhịp độ phát triển này còn chậm so với các nước trong khu vực.

Chúng ta thử so sánh với Nhật Bản. Trẻ em Việt Nam cho tới 11 tuổi có chiều cao đứng không thua kém người Nhật. Qua số liệu điều tra thể chất người Việt Nam vào năm 2001 ở 52.200 người thuộc tám vùng kinh tế - xã hội, chúng ta thấy nam 11 tuổi cao trung bình 140 cm, nữ 143 cm. Vào thời điểm năm 1998, nam Nhật Bản 11 tuổi cao 140,9 cm, nữ 11 tuổi cao 143,3 cm. Cần nói thêm rằng, so với Thái-lan, trẻ em Việt Nam tính tới 11 tuổi có chiều cao thân thể tốt hơn. Như vậy, xét về chiều cao thân thể, nòi giống người Việt Nam không bị thoái hóa sau 30 năm chiến tranh, có thể yên tâm (ngoại trừ các trường hợp nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh).

Tuy nhiên, sự chăm sóc và tác động một cách đồng bộ, khoa học để phát triển giống nòi thì ta thua kém Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác một cách rõ rệt. Vì vậy, khi 18 tuổi, nam Nhật Bản cao trung bình

172 cm, nam Việt Nam chỉ cao 164,8 cm; nữ Nhật Bản cao trung bình 157 cm, còn nữ Việt Nam chỉ cao 153,3 cm. Ở lứa tuổi 18, chiều cao thân thể người Việt Nam cũng thua kém người Thái-lan 3-4 cm. Về tố chất thể lực, người Việt Nam hiện nay thua kém các nước trong khu vực rất nhiều, chủ yếu về sức bền, sức mạnh.

Theo kết quả nghiên cứu của Nhật Bản, sự phát triển chiều cao thân thể con người phụ thuộc dinh dưỡng (31%), di truyền (23%), thể dục - thể thao (20%), môi trường và tâm lý - xã hội (gần 16% và 10%). Căn cứ vào kết quả nghiên cứu này, chúng ta thấy nhiều việc cần phải làm để tác động một cách đồng bộ phát triển giống nòi. Các chuyên gia về dinh dưỡng, thể dục - thể thao, di truyền đang thảo luận đưa vào chương trình quốc gia những vấn đề quan trọng nhất để sớm tiến hành điều tra, thử nghiệm và sớm phổ biến ứng dụng trong các gia đình. Ðối tượng phục vụ của chương trình này là thanh thiếu niên, nhi đồng từ 6 đến 18 tuổi. Trong đó, trọng tâm dành cho các lứa tuổi thuận lợi để phát triển chiều cao thân thể, tố chất thể lực (nam từ 13 đến 16 tuổi, nữ từ 12 đến 15 tuổi). Các giải pháp về môi trường, tâm lý - xã hội do chiếm tỷ trọng ảnh hưởng không nhiều tới chiều cao thân thể, cho nên ít được quan tâm trong chương trình quốc gia. Về môi trường, quan trọng nhất là cần tạo giấc ngủ sâu, đầy đủ cho con người, bởi vì kích tố tăng trưởng GH tiết ra chủ yếu trong giấc ngủ. Về tâm lý - xã hội, chúng ta cần tạo sự hòa thuận, vui vẻ trong gia đình để chiều cao thân thể thanh, thiếu niên không bị ảnh hưởng xấu.

Sau 18 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Các chương trình xóa đói, giảm nghèo, Chương trình 135, kế hoạch hành động chống suy dinh dưỡng ở trẻ em đang phát huy tác dụng tốt. Hiện nay, chỉ còn khoảng 20% số dân đói nghèo, 30% số trẻ em suy dinh dưỡng. Vậy 70-80% số dân đã thoát cảnh đói nghèo, không bị suy dinh dưỡng, nên chăng cần được tác động đồng bộ bởi các chương trình quốc gia trọng điểm để phát triển về nhân cách, đạo đức, về trí tuệ, về chiều cao thân thể và tố chất thể lực sao cho đạt nhịp độ phát triển ngang bằng các nước trong khu vực.