Vị Thủy - “vương quốc” trầu không

Làng trồng trầu không ở ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đã được chính thức công nhận là “Làng nghề truyền thống” vào năm 2020. Với gần 40ha đất chuyên trồng trầu không để cung cấp cho những người còn giữ thói quen ăn trầu “đỏ môi, thắm lợi” và những lễ cưới hỏi dựng vợ gả chồng với “trầu têm cánh phượng” cho cư dân khắp vùng, và cả xuất khẩu cho Đài Loan (Trung Quốc) - nơi đây đã trở thành làng nghề truyền thống độc đáo duy nhất còn ở lại miệt vườn vùng châu thổ sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lá trầu góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn ở làng nghề trồng trầu không ở Vị Thủy (Hậu Giang).
Thu hoạch lá trầu góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn ở làng nghề trồng trầu không ở Vị Thủy (Hậu Giang).

Từ trung tâm thành phố Vị Thanh - thủ phủ của tỉnh Hậu Giang, đi chưa đầy 10km đường bộ là đến làng nghề trồng trầu không ở ấp 5, xã Vị Thủy. Nơi đây không chỉ lưu giữ, bảo tồn những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc gắn liền với “sự tích trầu cau và vôi” mà còn giúp người dân bản địa ổn định việc làm, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo từ lá trầu…

Ngỡ ngàng trước những giá trị truyền thống!

Đi dọc con lộ giao thông nông thôn mới vào ấp 5, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến một mầu xanh ánh vàng của lá trầu không phủ dài trên những vườn trầu san sát. Từng nhóm năm, bảy phụ nữ miệng nói cười rộn ràng, tay thoăn thoắt hái trầu, làm sống động hẳn một khoảng không gian yên bình vốn có của vùng quê này.

Ghé thăm nhà bà Bảy Én, 75 tuổi, một trong số ít người còn giữ thói quen ăn trầu trong ấp, cảm xúc của chúng tôi được “đẩy” lên hơn nữa. Phết lên lá trầu một ít vôi, rồi bỏ kèm miếng cau tươi vào chiếc cối giã trầu nho nhỏ xinh xinh, tay bà Bảy Én nhoay nhoáy ngoáy, giã liên hồi, móm mém chia sẻ: “Hồi trước răng tui còn chắc khỏe, nhai cái gì cũng được, bây giờ già, phải dùng tới chiếc cối trầu này. Có người nghiện ăn trầu còn giữ thói quen dùng sợi thuốc lào để xỉa cùng nhằm tăng thêm vị của trầu cau vôi và vỏ mấu, cũng là giữ cho răng chắc, khỏe; nhưng tôi thì không”.

Trầu cau không chỉ đơn thuần là món tiêu khiển, mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. “Miếng trầu làm đầu câu chuyện” trong những ngày lễ hội, là nền cho những cuộc hôn nhân đơm hoa, kết trái. Trầu hương vị cay, thơm đặc biệt, không đâu so sánh nổi. Ngoài nguồn lợi kinh tế, cây trầu còn được xem là loại cây cảnh tao nhã mang nét đẹp truyền thống.

Theo bà Bảy Én, từ thời ông bà đến thời cha mẹ của bà, cư dân ở đây hầu hết đều có thói quen ăn trầu. Vì thế, hầu như vườn nhà nào cũng trồng một ít nọc trầu không và vài cây cau để thỏa mãn sở thích, và khi nhà có hỷ sự thì trầu cau luôn là thứ không thể thiếu trong lễ cưới hỏi dựng vợ gả chồng cho con cái. Có khách đến chơi nhà, chủ nhân đều mang trầu ra mời; chủ khách vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa trao đổi mọi thứ, từ chuyện làm ăn, chuyện tình cảm xóm giềng, đến chuyện mai mối, cưới, gả… Qua “miếng trầu là đầu câu chuyện”, tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Trầu cau không chỉ đơn thuần là món tiêu khiển, mà còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. “Miếng trầu làm đầu câu chuyện” trong những ngày lễ hội, là nền cho những cuộc hôn nhân đơm hoa, kết trái. Trầu hương vị cay, thơm đặc biệt, không đâu so sánh nổi. Ngoài nguồn lợi kinh tế, cây trầu còn được xem là loại cây cảnh tao nhã mang nét đẹp truyền thống. Trồng trầu còn để cho đẹp, cho vui, vì trồng trầu là truyền thống là niềm tự hào của người dân Bà Điểm, thời chống giặc, những vườn trầu xanh đã che chở cán bộ cách mạng. Từ khi trồng trầu đến khi thu hái trầu là cả một quá trình khó nhọc, vừa phải trông trời trông đất trông mây, nhưng cũng phải năng nhổ cỏ, tưới nước thường xuyên để cây trầu không bị héo úa.

Sở dĩ nghề trồng trầu cau vẫn tồn tại là bởi trong lễ cưới truyền thống của người Việt lúc nào cũng cần có buồng cau, xấp trầu trong số những lễ vật của nhà trai mang đến nhà gái. Đối với các lễ cúng và một số lễ hội truyền thống khác cũng không thể thiếu trầu cau trong mâm lễ cầu may mắn. Theo phong tục truyền thống Việt Nam, miếng trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm ý nghĩa, người giàu kẻ nghèo ai cũng có thể có, vùng miền nào cũng có. Miếng trầu đi đôi với lời chào, người lịch thiệp không ăn trầu cách mặt nghĩa là đã tiếp thì tiếp cho khắp: Tiện đây ăn một miếng trầu/Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là! Nhất là ở những tình huống giao duyên giữa các đôi trai gái, miếng trầu cũng mặc nhiên trở thành “đầu câu chuyện” để mà: Lân la điếu thuốc miếng trầu/ Đường ăn nết ở chiều lòng lứa đôi. Và đến khi lứa đôi đã thành gia thất thì: Trầu này trầu tính, trầu tình/Trầu loan, trầu phụng, trầu mình lấy ta…

Không những thế, lá trầu còn được dùng trong các bài thuốc dân gian trị một số chứng bệnh ở trẻ em, như: dùng đuôi lá trầu dán ở thái dương trị chứng nấc cục; dùng lá trầu hơ lửa than cho ấm đắp lên rốn để giữ ấm bụng, trị đau bụng, nhiễm trùng cuống rốn ở trẻ sơ sinh; dùng cuống của lá trầu vẽ chân mày trẻ sơ sinh để sau này lớn lên sẽ có “mày ngài, mắt phượng”… Có thể nói, phong tục ăn trầu của người Việt đã kết tinh thành một thứ “văn hóa trầu cau” với bao nhiêu giá trị sâu xa.

Theo những bậc trưởng lão ở Vị Thủy, dù truyền thống trồng trầu đã có hơn nửa thế kỷ, nhưng giai đoạn làng nghề trồng trầu không phát triển mạnh nhất là những năm 80 của thế kỷ trước. Ai cũng tận dụng những mảnh vườn nhỏ trước nhà, bên hông hay phía sau nhà để trồng trầu, kiếm thêm thu nhập. Từng có một giai đoạn những người trẻ ở Vị Thủy không muốn tiếp nối nghề trồng trầu cau của cha ông nữa. Bởi đất đai lên giá, các gia đình đua nhau chuyển đổi nghề, bán đất hoặc xin chuyển đổi đất vườn thành đất thổ cư để xây nhà trọ cho thuê hay làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Chỉ còn những người già vẫn còn lưu luyến với trầu cau và giữ nét truyền thống của cha ông để lại là còn gắn bó với nghề này. Song, đến nay, diện tích trồng trầu ở huyện Vị Thủy đã lên đến 40ha, trong đó, riêng xã Vị Thủy có gần 200 vườn trầu với tổng diện tích hơn 32,5ha, chủ yếu tập trung ở ấp 5…

Làng nghề gắn với khai thác du lịch

Theo ông Nguyễn Văn Đời, một trong số ít người có thâm niên trồng trầu ở làng nghề này, chia sẻ, dây trầu có đặc tính sinh trưởng nhanh, dễ trồng. Trầu chỉ ưa các loại phân hữu cơ, phân rơm, phân chuồng… Lá trầu được chăm sóc tốt có mầu xanh óng ánh vàng bắt mắt, vị cay nồng tự nhiên. Giờ đây, nhiều gia đình ở Vị Thủy đều có từ 500m2 đến 5.000m2 đất vườn trầu. Bình quân một công đất (1.000m2) trồng được khoảng 1.000 nọc trầu không. Nọc trầu thường cao khoảng 2,5m đến 3m, bằng cây tràm.

“Thường thì thương lái thu mua với giá 3.000 đến 4.000 đồng/ốp (mỗi ốp 40 lá trầu) để chuyển đi Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, xuất khẩu qua Đài Loan (Trung Quốc). Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá trầu tăng lên khoảng 10.000-12.000 đồng/ốp. Tính ra, mỗi công đất trồng trầu cho thu nhập ổn định không dưới 100 triệu đồng/năm. Cứ cách khoảng 10 ngày người dân lại thu hoạch một lứa lá trầu không, nhờ đó giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ ở đây (công việc hái và sắp lá trầu thành từng ốp) với thu nhập từ 120.000-140.000 đồng/ngày công”, ông Đời cho biết thêm.

Từ những giá trị mà cây trầu mang lại, đầu năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã công nhận nghề truyền thống vườn trầu đạt chuẩn nghề truyền thống.

Thời gian qua, những vườn trầu ở Vị Thủy đã giúp rất nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giả; nhiều hộ dân có của ăn của để, tích cóp mua được đất đai, xây dựng nhà cửa khang trang, cho con cái ăn học thành tài. Như vợ chồng ông Hồ Văn Quang, trước đây chỉ có một công đất vườn tạp, thuộc diện hộ nghèo, phải đi làm thuê để nuôi hai con ăn học. Sau bảy năm chuyển sang trồng trầu, gia đình ông Quang đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, chẳng những lo được cho con cái ăn học, có việc làm ổn định mà còn xây được căn nhà kiên cố, khang trang… Từ những giá trị mà cây trầu mang lại, đầu năm 2020, tỉnh Hậu Giang đã công nhận nghề truyền thống vườn trầu đạt chuẩn nghề truyền thống. Và tháng 2/2020, Hợp tác xã Trầu Vàng gồm 22 thành viên ở ấp 5, xã Vị Thủy chính thức được thành lập với tổng diện tích canh tác 4ha trầu.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy, Trương Trần Trọng Hiếu, để bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề trồng trầu, huyện đã có đề án phát triển làng nghề gắn với khai thác du lịch. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạ tầng còn hạn chế, bước đầu, huyện chỉ mới đầu tư 350 triệu đồng để làm đường nội bộ vào các khu vườn trầu của các thành viên Hợp tác xã Trầu Vàng, đồng thời khảo sát, phục dựng lại một giếng nước có từ thời Pháp thuộc để khách du lịch đến tham quan.

Mới đây, Công ty Mỹ phẩm Lan Hảo ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đến làm việc với huyện, tìm hiểu và lấy mẫu tinh dầu từ trầu để làm dược liệu sản xuất các sản phẩm như: dầu gió, dầu gội đầu, kẹo ngậm thông họng, si-rô trầu trị bệnh ho… Nếu việc nghiên cứu này thành công, làng nghề trồng trầu Vị Thủy sẽ là vùng nguyên liệu cung cấp tinh dầu trầu cho công ty, tạo thêm đầu ra ổn định cho cây trầu và gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Vị Thủy - “vương quốc” trầu không ảnh 1

Chọn lựa và sắp ốp trầu trước khi giao bán cho thương lái.

Ông Dương Văn Thiện, người có thâm niên trong nghề trồng trầu ở Vị Thủy cho biết, hiện nay giá thu mua lá trầu của thương lái gần như áp đặt, độc quyền, nếu có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, vừa bảo đảm đầu ra ổn định, vừa tận dụng số lượng lớn lá trầu mà thương lái lâu nay vẫn loại bỏ (như: lá nhỏ, bị đốm vàng, đen, lá lươn…) sẽ giúp bà con ở đây tăng thêm thu nhập.

“Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật, phục hồi quy cách trồng trầu vừa có năng suất cao, vừa tạo cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch. Khuyến khích người dân thực hiện các dịch vụ để phục vụ du khách như mở quán giải khát, làm các loại bánh truyền thống, tổ chức phục vụ cho đoàn du khách đến tham quan dừng chân ăn cơm với những món đồng quê. Một khi các sản phẩm sản xuất từ tinh dầu trầu được lưu hành sẽ là sản phẩm lưu niệm rất có ý nghĩa cho du khách khi đến đây trải nghiệm và trở thành điểm đến thú vị, góp phần gia tăng tính hấp dẫn, phong phú cho các tour, tuyến du lịch của tỉnh”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vị Thủy, Trương Trần Trọng Hiếu cho biết thêm.