Ngậm ngùi với lương hưu
Mấy ngày nay, cộng đồng xã hội đang rất quan tâm tới câu chuyện cô Trương Thị Lan, giáo viên Trường Mầm non Lê Duẩn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, vừa nghỉ hưu tháng 9 năm 2017, phải nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng sau gần 37 năm công tác với 22 năm 8 tháng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Mức lương này quá thấp, không đủ sống cho cô giáo và gia đình.
Nhưng cô Lan không phải trường hợp cá biệt. Cả nước có 3.228 người hưu trí thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau nhưng cũng giống như cô giáo Lan nhận mức lương hưu bằng hoặc thấp hơn 1,3 triệu đồng. Đây là thông tin đưa ra từ Hội nghị trực tuyến thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế tháng 10 của BHXH Việt Nam diễn ra chiều ngày 31-10.
Báo cáo của BHXH Hà Tĩnh về việc tính lương hưu hằng tháng đối với bà Trương Thị Lan, cho hay, bà Lan có quá trình công tác có đóng BHXH từ tháng 1 năm 1995 đến tháng 8 năm 2017, với tổng thời gian tham gia BHXH là 22 năm 8 tháng.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH, bà Lan vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, nên khi tính lương bình quân tháng đóng BHXH chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại khoản 1, Điều 62 Luật BHXH.
Về tỷ lệ lương hưu, cô Lan đóng BHXH 22 năm 8 tháng được tính như sau: 15 năm tính bằng 45%, thêm bảy năm tính bằng 21%, tám tháng được tính bằng một năm bằng 3%. Mức lương hưu hằng tháng là 45+21+3= 69%, tương đương 1.262.158 đồng ,được bù bằng mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng/ tháng.
Căn cứ các quy định của Nhà nước, BHXH tỉnh Hà Tĩnh tính mức tiền lương hưu hằng tháng đối với bà Trương Thị Lan đúng quy định.
Lý giải vì sao giáo viên mầm non đều có lương hưu thấp, cơ quan BHXH cho hay, tiền lương hưu phụ thuộc vào hai yếu tố: Mức tiền lương tham gia BHXH và thời gian tham gia BHXH.
Trước năm 1999, giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia BHXH. Từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong thực tế, phải vài năm sau đó, giáo viên mầm non ngoài công lập mới chính thức đăng ký tham gia và đóng BHXH cho cơ quan BHXH. Để tạo điều kiện cho những giáo viên mầm non nói trên có đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, ngày 22-3-2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2150 về thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế đối với người lao động thuộc các cơ sở giáo dục mầm non.
Do đó, những giáo viên mầm non hết tuổi lao động vào giai đoạn 2011-2014 thực tế chỉ từ 10-15 năm đóng BHXH. Lúc này, họ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần chứ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Với những giáo viên nghỉ hưu vào giai đoạn 2011-2014, họ sẽ có từ 16-20 năm đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn không đủ điều kiện để hưởng lương hưu hằng tháng.
Đến năm 2011, Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho giáo viên mầm non chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 18-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2011; đến hết năm 2014, họ có vừa đủ 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Như vậy, với các chính sách và việc tạo nguồn hỗ trợ của Nhà nước cũng như quá trình tham gia đóng góp của bản thân người lao động, giáo viên mầm non ngoài công lập từ chỗ không thuộc đối tượng tham gia BHXH đã thuộc diện tham gia BHXH, từ chỗ chỉ đủ điều kiện hưởng BHXH một lần đã tích lũy đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng.
Nguyên nhân khiến mức lương hưu của nhóm giáo viên mầm non thấp đến mức chỉ tương đương lương cơ sở là do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của giáo viên mầm non thấp, dẫn đến lương hưu được tính trên nền tiền lương này cũng bị kéo theo ở mức không cao.
Ngoài ra, do thời gian đóng BHXH của giáo viên mầm non ngắn, khiến tỷ lệ hưởng lương hưu thấp.
Trên thực tế, điều kiện về kinh tế của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở nông thôn chỉ bảo đảm trả lương cho giáo viên ở mức ngang hoặc trên một chút so với mức lương tối thiểu. Còn đối với thời gian truy đóng BHXH, theo hướng dẫn, mức truy đóng là 15% mức lương tối thiểu tại thời điểm truy đóng.
Đóng ít sẽ hưởng ít
Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Đinh Thị Thu Hiền cho hay, theo số liệu của BHXH Việt Nam, nhóm đối tượng hơn 3.200 người nhận mức lương hưu thấp trên gồm các đối tượng như cán bộ xã không chuyên trách, người nghỉ hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ, giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập trước ngày 1-1-1995 có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Nhận định về vấn đề số lượng người nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng (tương đương mức lương cơ sở hiện nay) sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới, bà Đinh Thị Thu Hiền đánh giá, với mức đóng BHXH tự nguyện thấp như hiện nay, nếu nhóm hộ nghèo hoặc cận nghèo tham gia với đóng như mức sàn lương tối thiểu thì lương hưu sau này sẽ thấp, vì chỉ được hưởng tối đa 75% mức trung bình đóng. Do quy định của Luật BHXH năm 2014, từ thời điểm 1-1-2016, mức đóng thấp nhất chỉ bằng chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn (tương đương khoảng 700 nghìn đồng). Do đó, mức lương hưu của đối tượng này cũng sẽ thấp theo, chỉ đạt trung bình 55-65% mức đóng.
Được biết, từ ngày 1-1-2018, Chính phủ sẽ áp dụng hỗ trợ một phần kinh phí cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Cụ thể, mức 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; mức 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; mức 10% đối với các đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá mười năm (120 tháng).
Nhìn rộng ra, dễ thấy nguyên nhân trực tiếp khiến mức lương hưu của người lao động thấp chủ yếu là do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp. Do đó, từ ngày 1-1-2018, quy định của Luật BHXH năm 2014 là tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Như vậy, với mức đóng BHXH cao hơn, không chỉ là đóng theo mức lương tối thiểu như hiện nay, người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị khi hết tuổi lao động sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn.
Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH lấy thí dụ về trường hợp một lao động nam ở TP Hồ Chí Minh. Người này có thời gian đóng BHXH gần bằng cô giáo Lan, 23 năm ba tháng, nhưng mức đóng BHXH cao hơn khoảng 66 triệu đồng/tháng do làm việc ở đơn vị nước ngoài. Sau đó, người lao động tiếp tục đóng BHXH tự nguyện khoảng 18 triệu/tháng, nên khi nghỉ hưu vào tháng 4-2015, với tỷ lệ nhận lương hưu là 62%, người lao động nhận mức lương hưu 87 triệu đồng hằng tháng. Qua hai lần điều chỉnh, mức lương hưu của người này hiện đã đạt hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.