Trong tám ngày đầu liên tiếp, bữa tiệc bóng đá mang tên World Cup đã diễn ra đều đặn. Thời gian bắt đầu mỗi trận đấu đều so le để mang lại sự chú ý tối đa cho mỗi trận đấu - trọn vẹn 90 phút cộng thêm khoảng thời gian bù giờ - trên sân khấu toàn cầu mà không bị bất kỳ sự gián đoạn hay xao nhãng nào từ các trận đấu khác.
Tuy nhiên, kể từ hôm 30/11 (theo giờ Việt Nam), trật tự nói trên đã gián đoạn. Các cặp đấu tại mỗi bảng được diễn ra đồng thời trong lượt cuối của vòng bảng.
Bắt đầu với các trận đấu của bảng A lúc 22 giờ, ngày 30/11, Pháp đã đấu với Tunisia cùng lúc Australia đối đầu với Đan Mạch. Sau 4 giờ đồng hồ, Argentina đấu với Ba Lan ở bảng C lúc 2 giờ, ngày 1/12 cũng chính là khi trận đấu giữa A-Rập Xê-út và Mexico bắt đầu.
Tại bảng A, cuộc đối đầu giữa Pháp và Tunisia diễn ra cùng lúc với trận đấu giữa Australia và Đan Mạch, ngày 30/11 (giờ Việt Nam). (Ảnh: Reuters) |
Tương tự trong loạt trận đêm qua (1/12) và rạng sáng nay (2/12), tại bảng F, Croatia đối đầu với Bỉ cùng lúc Canada chạm trán Maroc. Trong khi tại bảng E, Nhật Bản đối đầu với Tây Ban Nha cùng lúc Costa Rica đấu với Đức.
Các cặp đấu còn lại của các bảng E, G, H trong hôm nay (2/12) và ngày mai (3/12) cũng sẽ diễn ra cùng giờ.
Sự thay đổi trong lịch thi đấu tạo điều kiện tốt nhất để cân bằng sự cạnh tranh và công bằng trong mỗi trận đấu, bảo đảm rằng các đội bóng không biết kết quả cần thiết để lọt vào vòng loại trực tiếp trước khi họ rời sân. Quy định này ngăn các đội cải thiện lộ trình trong bảng đấu bằng cách tác động đến kết quả thông qua các hành động phi thể thao như: thao túng hiệu số bàn thắng, bại hoặc không thi đấu để giành chiến thắng. Quy định này cũng ngăn việc dàn xếp trận đấu.
Loạt trận cuối vòng bảng World Cup thi đấu cùng giờ từ khi nào?
Đội tuyển Tây Đức và Áo tại World Cup 1982, tổ chức ở Tây Ban Nha. (Ảnh: Getty Images) |
Quy định này được FIFA áp dụng sau “một sự cố” mà được cho là “sự hổ thẹn của bóng đá quốc tế” xảy ra tại World Cup 1982, tổ chức ở Tây Ban Nha, trong trận đấu giữa Tây Đức và Áo trên sân vận động El Molinón, thành phố Gijón.
Tại kỳ World Cup này, bước vào trận đấu cuối cùng trong vòng bảng, Tây Đức và Áo nhận ra rằng một chiến thắng cho Tây Đức với cách biệt 1 hoặc 2 bàn sẽ giúp cả hai đội đi tiếp - và do đó có thể loại bỏ đội tuyển mới nổi Algeria, đội bóng đã hoàn thành các trận đấu của bảng sớm hơn một ngày, cần một trận thắng hoặc hòa của Áo để đi tiếp.
Vào phút thứ 11m, Horst Hrubesch ghi bàn cho Tây Đức. Và sau đó, hai đội thi đấu cầm chừng cho đến hết trận đấu. Trong phần còn lại của trận đấu, George Vecsey đã viết trên tờ The New York Times rằng, "Tây Đức thực hiện nhiều cú đá về phía sau hơn là về phía trước". Kết quả trận đấu bảo đảm quyền đi tiếp của cả Tây Đức và Áo. Và trận đấu này sau đó đã được gọi với cái tên "sự hổ thẹn ở Gijón".
Algeria đã khiếu nại lên FIFA nhưng không có hình phạt nào được áp dụng. Thay vào đó, FIFA phản ứng bằng cách sửa đổi các quy định của mình: Bắt đầu từ World Cup 1986, tất cả các trận đấu cuối cùng trong một bảng sẽ được tổ chức đồng thời. Và quy định này duy trì kể từ đó đến nay.