Liêm chính và thân dân
Nguyễn Duy Thì là người làng Yên Lãng (nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Khoa thi năm Mậu Tuất (1598), ông đỗ Hoàng giáp, từng giữ nhiều trọng trách: Thượng thư các bộ Công, bộ Binh, bộ Lại rồi Chưởng quản lục bộ - coi giữ việc cả sáu bộ, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác thuộc lĩnh vực ngoại giao, văn hóa.
Năm 1612, Nguyễn Duy Thì đã dâng bài Khải “Đạo trị nước” lên chúa Trịnh Tùng, trong đó nổi bật tinh thần thân dân: “Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi. Lại nghĩ rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khóa bừa bãi, để cho dân được thỏa sống mà không còn tiếng sầu hận oán thán”. Ông cũng đồng thời tố cáo nạn “tham quan ô lại” ở các địa phương là mối nguy cho xã tắc: “Chỉ vì người thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, chỉ chăm làm hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, phàm những việc nhiễu dân không việc gì là không làm... Vì thế mà cảm động đến trời đất, nên lòng trời mới không thuận. Tai nạn nước lụt dâng lên lạ thường, phải chăng là chính sự lúc này có thiếu sót...” và ông cũng khuyến nghị: “Nếu làm được chính sách giúp dân, thì trên thuận lòng trời, dưới đẹp ý dân, tự khắc đổi tai vạ làm điềm lành, hàng năm được mùa, mọi nhà, mọi người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp nước nhà truyền ức muôn năm từ nay trở đi được lâu dài mãi mãi” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993, Tập 3, tr. 214 - 215; tập 4, tr. 238).
Trong suốt cả cuộc đời, tinh thần Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà thôi đã hiển hiện rõ nét trong con người và sự nghiệp của Nguyễn Duy Thì.
![]() |
Nhiều đóng góp cho giáo dục - khoa cử
Kiêm nhiệm chức Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám trong hơn 30 năm, Nguyễn Duy Thì không chỉ là người thầy đáng kính mà còn là nhà quản lý giáo dục, tham gia trực tiếp tuyển chọn người hiền tài cho đất nước. Ông làm Giám thí khoa thi Quý Sửu 1613 và khoa thi Quý Hợi 1623... Những nỗ lực đóng góp của Nguyễn Duy Thì đã thúc đẩy nền giáo dục khoa cử phát triển mạnh. Số sĩ tử tham gia mỗi khóa thi ngày càng đông. Số người hiền tài được phát hiện và tuyển dụng tăng cao từ 18 - 22 tiến sĩ mỗi khóa thi so với 7 - 9 người trước đó. Những người nổi tiếng nhất trong số này vẫn được nêu danh như Giang Văn Minh, Nguyễn Duy Hiểu, Phạm Công Trứ (khóa thi năm 1628). Hơn thế, môi trường giáo dục - khoa cử được ông củng cố còn tiếp tục phát triển và có nhiều thành tựu, đào tạo, tuyển chọn được nhiều nhân tài trong giai đoạn sau khi ông qua đời như các tiến sĩ: Hồ Sĩ Dương (khóa thi năm 1652), Nguyễn Quý Đức (khóa thi năm 1676), Trương Công Giai (khóa thi năm 1685)... Người đời sau còn hay nhắc đến và tôn vinh Nguyễn Duy Thì và cả con trai là Nguyễn Duy Hiểu (đỗ Tiến sĩ cùng khóa với Giang Văn Minh năm 1628) đều đã đi sứ nhà Minh và hoàn thành nhiệm vụ ngoại giao khó khăn và nguy hiểm.
Hơn nửa thế kỷ tham gia chính sự dưới ba triều vua, hai đời chúa, trong một xã hội nhiều biến loạn, đã nổi rõ bản lĩnh của Nguyễn Duy Thì là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà giáo dục hết lòng phụng sự đất nước và nhân dân. Phan Huy Chú đánh giá ông là “người được đời bấy giờ trông cậy, tôn trọng gần ba mươi năm”, được xếp vào hàng “những người phò tá có công lao, tài đức”. Phạm Đình Hổ thì coi ông “là người suốt đời làm quan luôn giữ mình trong sạch, ngay thẳng, là người nổi tiếng ở đời Trung hưng”.
Nguyễn Duy Thì đã để lại tấm gương tận tụy vì nước, vì dân cho hậu thế.