Thông tư nêu rõ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, làm rõ, xử lý vi phạm pháp luật; kịp thời cung cấp cho nhau các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau khi ban hành và tình hình vi phạm hành chính hoặc tội phạm trong hoạt động xây dựng.
Bộ Xây Dựng giao cho Thanh tra Bộ Xây Dựng; Bộ Công an giao cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ làm đầu mối để phối hợp thực hiện Thông tư này. Tại cấp tỉnh giao cho Thanh tra sở Xây dựng và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Công an cấp tỉnh.
10 loại vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng cần phối hợp xử lý là các vi phạm liên quan đến: quy hoạch xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; khảo sát xây dựng; thiết kế; cấp phép xây dựng; thi công và giám sát thi công, xây dựng công trình; nghiệm thu; sử dụng nguyên vật liệu, thiết bị trong thi công xây dựng công trình; pháp luật đấu thầu trong hoạt động xây dựng; các hành vi vi phạm pháp luật khác ngoài những hành vi nói trên.
Người có hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân tự nguyện, kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại do có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thì được xem xét giảm nhẹ, hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để khắc phục hậu quả trái với quy định của pháp luật.