Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh: Hướng tới hành tinh khỏe mạnh

NDO -

Năm 2021, Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh (7/9) có chủ đề: “Không khí trong lành, Hành tinh khỏe mạnh”, nhấn mạnh tới tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngày quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh: Hướng tới hành tinh khỏe mạnh

Ngày 7/9 được Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) chọn là Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh, ghi nhận tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy cải thiện chất lượng không khí. 

Ô nhiễm không khí chính là mối đe dọa lớn nhất về môi trường đối với sức khỏe con người và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong, bệnh tật trên toàn cầu mà có thể phòng tránh được.

Và năm 2021, Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh có chủ đề “Healthy Air, Healthy Planet” (Không khí trong lành, Hành tinh khỏe mạnh). Năm nay nhấn mạnh tới tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Cùng nhìn lại tình trạng ô nhiễm không khí và bụi mịn ở Việt Nam để đưa ra giải pháp khắc phục thời gian tới.

Nguy cơ từ ô nhiễm không khí và bụi mịn

Hà Nội đã xây dựng được bản đồ ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 qua đó cho thấy mức ô nhiễm tại các quận huyện và sự biến động ô nhiễm theo thời gian. Trong năm 2019, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,2 đến 40,2 µg/m³, vượt mức quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013 (25 µg/m³). Các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2,5 cao nhất. Các huyện ngoại thành có nồng độ PM2,5 thấp hơn. Và trong năm 2020, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng nồng độ bụi trung bình năm ở đa số các quận/ huyện vẫn vượt mức QCVN 05:2013.

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khu vực có ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2,5 cao nhất không chỉ tại Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí từ bụi PM2,5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Trong đó, báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy, ở Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng.

Để giảm ô nhiễm không khí hiệu quả, cần xác định rõ các nguồn thải. Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường.

Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có 1/3 lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và 2/3 lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.

Các nghiên cứu trên thế giới ban đầu cho thấy người dân sinh sống ở các khu vực ô nhiễm không khí có xu hướng mắc và tử vong do Covid-19 cao hơn. Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với vi rút và gây nhiễm virus nghiêm trọng hơn. Do đó, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng là một cách giảm gánh nặng bệnh tật của đại dịch Covid-19.

Bức tranh ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 đã rõ ràng hơn, nhưng Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố bị ô nhiễm không khí ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều nghiên cứu và dữ liệu quan trọng để có một bức tranh cụ thể về nguyên nhân và giải pháp cho tình hình hiện tại.

Với thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, cần sự đầu tư lâu dài và quyết liệt của cơ quản quản lý cấp trung ương và chính quyền địa phương cho việc nghiên cứu về ô nhiễm không khí để kiểm soát ô nhiễm từ nguồn thải.

Chung tay cải thiện chất lượng không khí

Theo Ngân hàng Thế giới, nồng độ PM2,5 tại Hà Nội được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến năm 2030 với các chính sách về quản lý chất lượng không khí như hiện nay.

Để cải thiện chất lượng không khí, đòi hỏi sự chung tay của nhiều cấp (trung ương và địa phương), nhiều lĩnh vực (môi trường - sức khỏe - các ngành nghề sản xuất) và nhiều bên tham gia (nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng và các tổ chức xã hội).

Kết nối các bên trong việc bảo vệ môi trường không khí, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung quy định về Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí và Trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan; đồng thời Bộ Tài nguyê và Môi trường đã ban hành hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh.

Tại địa phương như Hà Nội, một loạt các chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí đã ra đời và đang là công cụ quản lý để triển khai các giải pháp cụ thể, như Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về loại bỏ than tổ ong, Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về kiểm soát đốt rơm rạ và chất thải.

Kết quả cho thấy, tính đến đầu quý II/2021, Hà Nội còn khoảng 2.166 bếp than tổ ong tại 27/30 quận huyện trên địa bàn thành phố, giảm 96% so với khảo sát năm 2017 và 91% so với khảo sát đầu năm 2019.

Tính đến thời điểm tháng 4/2021, số lượng bếp than tổ ong 10 Quận nội thành đã giảm 56.1% so với khảo sát tháng 12/2020. Trong đó, nhóm 5 Quận nội thành có tỷ lệ giảm cao nhất bao gồm Hoàn Kiếm (78%), Ba Đình (76%), Cầu Giấy (70%), Hai Bà Trưng (56%) và Tây Hồ (53%).

Đối với việc đốt rơm rạ, rác thải, trong năm 2020 - 2021, tại Hà Nội, các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh,...đã lập kế hoạch thúc đẩy các giải pháp truyền thông, xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng.

Để giảm ô nhiễm do phương tiện giao thông, các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng Nẵng đều định hướng tổ chức thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả đo kiểm khí thải cho 10.628 xe mô tô, xe gắn máy cho thấy hơn 50% các xe sử dụng từ 5 năm trở lên không đạt tiêu chuẩn khí thải (TCVN 6438-2018 mức 1 và mức 2). Trong đó, đối với xe mô tô xe gắn máy 5 năm trở lên không đạt tiêu chuẩn khí thải, có 40% xe được cải thiện và đạt tiêu chuẩn sau khi bảo dưỡng xong.

Tại Hà Nội và Đà Nẵng, ở mỗi thành phố, số lượng được đo kiểm dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 xe mô tô, xe gắn máy. Người dân được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí khi chủ động mang xe đến các trạm kiểm định và được các chuyên gia của các hãng tư vấn về tình trạng xe và các giải pháp khác nhằm bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Các giải pháp trên cùng với việc truyền thông về giáo dục, khoa học công dân với bảo vệ môi trường đã vận động nhiều người trong cộng đồng cùng đưa ra những giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí, cải thiện bầu không khí hít thở của chúng ta mỗi ngày.