LHQ vào cuộc xác minh đợt nóng kỷ lục 38 độ C ở Siberia

NDO -

NDĐT - Liên hợp quốc cho biết, hôm thứ ba, 23-6, họ đang làm việc để xác minh các báo cáo về nhiệt độ kỷ lục mới ở Bắc Cực lên đến 38 °C (100,4 °F) tại một thị trấn Siberia cuối tuần qua.

Bản đồ ghi nhận tình trạng nóng lên ở thị trấn Verkoyansk, Siberia. Ảnh: NASA.
Bản đồ ghi nhận tình trạng nóng lên ở thị trấn Verkoyansk, Siberia. Ảnh: NASA.

Tổ chức Khí tượng thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cho biết, nhiệt độ kỷ lục này được đo tại thị trấn Verkoyansk của Nga ngày 20-6 trong một đợt nắng nóng kéo dài làm gia tăng các vụ cháy rừng.

Khu vực phía đông Siberia được biết đến với nhiệt độ khắc nghiệt cả trong mùa đông và mùa hè, phát ngôn viên của WMO Clare Nullis nói với các phóng viên ở Geneva.

"Nhiệt độ trên 30 °C vào tháng 7 không phải là bất thường, nhưng rõ ràng 38 °C là đặc biệt", bà nói. Nhìn mô tả hình ảnh vệ tinh của khu vực này là "chỉ là một khối màu đỏ", bà cho rằng tình hình là "đáng kinh ngạc và đáng lo ngại".

LHQ vào cuộc xác minh đợt nóng kỷ lục 38 độ C ở Siberia ảnh 1

Bức ảnh do Tổ chức Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus chụp vào ngày 19-6 cho thấy nhiệt độ bề mặt đất ở khu vực Siberia của Nga. Ảnh: Copernicus/AP.

Bà Nullis nói rằng, một nhóm đánh giá phản ứng nhanh WMO đã tạm thời chấp nhận việc ghi nhận nhiệt độ kỷ lục ở thị trấn Verkoyansk là "một quan sát hợp pháp". Nhưng bà nhấn mạnh, việc xác minh toàn diện sự nóng lên của Siberia là một quá trình dài mất nhiều thời gian.

Nếu được xác nhận, WMO sẽ chuyển dữ liệu mới này đến bộ phận Lưu trữ thời tiết và khí hậu cực đoan để xác minh xem nó có tạo thành một kỷ lục hay không, bà Nullis nói.

Theo bà Nullis, cho đến nay, kho dữ liệu giống như một cuốn sách kỷ lục Guinness về thời tiết và khí hậu cực đoan, vẫn chưa có một danh mục nào về sức nóng ở phía bắc Vòng Bắc Cực. "Chúng tôi hiện đang tích cực xem xét việc thiết lập kỷ lục mới này", bà nói thêm.

LHQ vào cuộc xác minh đợt nóng kỷ lục 38 độ C ở Siberia ảnh 2

Hoàng hôn bên bờ sông Yana ngoài thị trấn Verkhoyansk trong thời tiết nắng nóng vào ngày 23-6. Ảnh: AP.

Bà Nullis cho biết, nhiệt độ tăng vọt ở Bắc Cực là dấu hiệu cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra, ngay cả khi thế giới đang phải tập trung chống đại dịch Covid-19.

Cơ quan giám sát môi trường và khí tượng thủy văn (Roshydromet) của Nga cho biết nhiệt độ trên 31 °C đã được ghi nhận tại trạm Verkhoyansk kể từ ngày 18-6, đạt cực đại ở mức 38 °C vào ngày 20-6.

"Đây là nhiệt độ cao nhất từng được đo tại trạm này kể từ khi bắt đầu thực hiện đo nhiệt độ" vào cuối thế kỷ 19, bà Marina Makarova thuộc cơ quan Roshydromet cho biết.

LHQ vào cuộc xác minh đợt nóng kỷ lục 38 độ C ở Siberia ảnh 3

Nhiệt kế ở thị trấn Verkhoyansk báo 30 °C (86 °F) vào khoảng 11 giờ ngày 21-6. Một Siberia lạnh giá hàng nghìn năm giờ đây đã có một mùa hè nóng như vùng xích đạo. Ảnh: AP.

Bắc Cực là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên thế giới, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Vùng Siberia, nơi có nhiều băng vĩnh cửu của Trái đất, gần đây đã chứng kiến ​​sự nóng lên một cách đặc biệt. Theo mạng lưới theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S), nhiệt độ ở đó tăng vọt 10 °C so với mức trung bình tháng trước, khiến nhiệt độ toàn cầu trong tháng 5 lên mức cao nhất.

* Thị trấn băng giá Siberia ở Bắc Cực nóng kỷ lục 38 độ C

* Thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng nhất trong lịch sử