Rừng bảo tồn Ea Sô trước áp lực gia tăng tàn phá

Bài 2: Cần tiếp sức cho Khu BTTN Ea Sô

NDO -

NDĐT - Để bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên quý giá còn lại tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền và các lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tỉnh Đắk Lắk đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép với các cấp chính quyền và các lực lượng QLBVR các tỉnh giáp ranh là Gia Lai, Phú Yên nhằm chung tay giữ rừng. Thế nhưng, trên thực tế sự phối hợp giữa các tỉnh vẫn chưa mang lại hiệu quả, tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với các tỉnh vẫn diễn ra, đặc biệt là trong những tháng cuối mùa khô hiện nay.

Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tăng cường công tác QLBVR tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai trong những tháng cuối mùa khô 2020.
Lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tăng cường công tác QLBVR tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai trong những tháng cuối mùa khô 2020.

Bên cạnh đó, công tác QLBVR ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại chưa được quan tâm giải quyết kịp thời. Vì vậy, để bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên quý giá còn lại tại Khu BTTN Ea Sô cần có sự chung tay, đồng lòng và tiếp sức của các cấp, các ngành không chỉ tỉnh Đắk Lắk mà cả những tỉnh lân cận.

“Nóng” nạn phá rừng khu vực giáp ranh

Theo Giám đốc Khu BTTN Ea Sô Lê Đắc Ý, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép với UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh là Gia Lai và Phú Yên; giữa UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai nhằm chung tay giữ rừng.

Thực hiện quy chế phối hợp đó, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đã tăng cường phối hợp chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai và huyện Sông Hinh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, tỉnh Phú Yên nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến nguồn tài nguyên trong Khu BTTN Ea Sô. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt tuần tra truy quét chung giữa Hạt Kiểm lâm Ea Sô với Hạt Kiểm lâm các huyện: Krông Năng, Ea Kar, UBND xã Ea Sô, Đội Kiêm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk tại khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với tỉnh Gia Lai và Phú Yên… Thế nhưng, tình trạng phá rừng, săn bắn thú rừng vẫn tiếp tục xảy ra.

Trong thời điểm cuối mùa khô ở Tây Nguyên hiện nay, tại một số khu vực rừng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với hai xã Krông Năng, Ia Hdreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai có rất đông người dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số tụ tập thành bảy, tám nhóm, mỗi nhóm từ năm đến 10 người sử dụng các loại xe máy độ chế, mang theo súng tự chế và các loại hung khí khác như dao, mã tấu… xâm nhập vào rừng Khu BTTN Ea Sô để khai thác lâm sản trái phép.

Đặc biệt, lợi dụng thời điểm Công ty MDF Vinafor Gia Lai đang khai thác rừng trồng, các đối tượng này trà trộn với công nhân khai thác rừng trồng và dựng lán trại gần rừng để dễ dàng xâm nhập vào Khu BTTN Ea Sô khai thác gỗ rồi dùng xe máy độ chế vận chuyển, tập kết tại khu vực rừng trồng của Công ty MDF Vinafor Gia Lai. Số gỗ này được các đầu nậu mua theo ki-lô-gam sau đó sử dụng xe ô-tô vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Do đó, đã làm gia tăng tình trạng phá rừng ở khu vực này. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô, chỉ tính từ năm 2017 đến năm 2019, tại khu vực này, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện xử lý 78 vụ với 96 đối tượng vi phạm, thu giữ hơn 3,362 m3 gỗ tròn các loại, thu nộp ngân sách trên 286 triệu đồng.

Bài 2: Cần tiếp sức cho Khu BTTN Ea Sô ảnh 1

Lâm tặc sử dụng xe máy độ chế vào rừng khu vực rừng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô và huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai phá rừng bị lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô bắt giữ.

Còn tại khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, các đối tượng là người dân ở buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh thường tụ tập thành nhóm năm đến bảy người rồi dùng xe độ chế thâm nhập vào rừng cắt gỗ, sau đó vận chuyển ra ngoài… Các đối tượng luôn sẵn sàng chống đối lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện và bắt giữ.

Trước tình hình đó, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô đã chỉ đạo các trạm, đội kiểm lâm tăng cường công tác QLBVR, kịp thời nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét các cá nhân, tổ chức xâm hại đến nguồn tài nguyên rừng. Đồng thời, tổ chức cho hộ dân nhận khoán QLBVR tham gia các đợt truy quét với lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn; thành lập và đưa vào hoạt động một lán trại tạm thời tại khu vực rừng trồng Công ty MDF Vinafor Gia Lai, giáp ranh với tiểu khu 617, Khu BTTN Ea Sô gồm bốn kiểm lâm viên và bốn người dân nhận khoán bám trụ để giữ rừng.

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty MDF Vinafor Gia Lai Khổng Thu Bửu, Công ty đang quản lý 866 ha tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, hiện công ty đang đầu tư trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy MDF sản xuất. Hiện nay, khu vực giáp ranh với rừng trồng của công ty tại khoảnh 10, tiểu khu 1441 Khu BTTN Ea Sô đã lập một trạm bảo vệ rừng với sáu, bảy nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên, trực 24/24 giờ. Ngoài ra, còn có lực lượng của các đơn vị chủ rừng khác thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhưng không hiểu vì sao lâm tặc vẫn lọt vào Khu BTTN Ea Sô để khai thác trái phép rừng tự nhiên. Thời điểm vận chuyển lâm sản diễn ra cả ngày lẫn đêm, đặc biệt là vào ban đêm, lâm tặc thường đi từng tốp từ ba đến bảy chiếc xe máy và có cả ô-tô tham gia vận chuyển lâm sản trái phép. Việc lâm tặc vận chuyển gỗ khai thác trái phép từ rừng tự nhiên đi qua khu vực rừng trồng của công ty quản lý đã gây thiệt hại đến rừng trồng. Tuy nhiên, với chức năng, quyền hạn của công ty, không thể tổ chức ngăn chặn, vây bắt các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản là gỗ rừng tự nhiên đi qua khu vực rừng trồng được.

Nhằm tăng cường công tác QLBVR ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai trong thời điểm cuối mùa khô này, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng, chủ rừng tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm lâm luật, kết hợp với tuyên truyền vận động người dân tuân thủ những quy định của pháp luật về QLBVR. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh với Khu BTTN Ea Sô, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk để mở các đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng; điều tra xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đang xảy ra ngày càng phức tạp tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Giám đốc Khu BTTN Ea Sô Lê Đắc Ý cho biết: Cùng với những khó khăn chung trong công tác QLBVR ở Tây Nguyên hiện nay thì tại Khu BTTN Ea Sô có những khó khăn, đặc thù riêng. Đó là tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra tại đơn vị chưa được giải quyết. Theo thống kê, từ khi Khu BTTN Ea Sô được thành lập vào năm 1999 đến nay đã xảy ra 12 vụ chống người thi hành công vụ, nhưng chỉ mới có một trường hợp được hưởng chính sách thương binh, các trường hợp còn lại thì có ba người hưởng tai nạn lao động, tám người kết luận không có căn cứ để xác định. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần cũng như tư tưởng công tác của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

Bên cạnh đó, tình trạng các đối tượng thường sử dụng xe bán tải, xe taxi, xe khách... để vận chuyển gỗ và lâm sản trên tuyến đường Quốc lộ 29 đoạn đi qua Khu BTTN Ea Sô đi nơi khác tiêu thụ, các loại gỗ bị khai thác chủ yếu là các loại nguy cấp quý hiếm như: giáng hương, cà te… nhưng do không có trạm kiểm soát nên rất khó kiểm tra xe lưu thông trên đường. Thêm vào đó là tình trạng khai thác cát lậu tại ngã ba sông Krông H’Năng và sông Ea Đah, khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với thôn 1, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk và thôn 4, xã Ea Sô, huyện Ea Kar vừa phá hủy môi trường tự nhiên, thay đổi dòng chảy, vừa làm mất an ninh trật tự, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng lâm tặc tiếp cận vào Khu BTTN Ea Sô khai thác lâm sản trái phép diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được ngăn chặn. Tại khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Krông Năng, tình trạng các đối tượng đầu nậu thuê và trang bị cho người dân các phương tiện như xe máy độ chế, cưa máy, cưa tay… để vào rừng Khu BTTN Ea Sô khai thác gỗ rồi gùi ra khỏi rừng bán cho các đầu nậu nhưng chưa được xử lý.

Đặc biệt, tại Tiểu khu 632 thuộc phân khu phục hồi sinh thái Khu BTTN Ea Sô, trước khi thành lập khu bảo tồn năm 1999 đã có 12 hộ dân canh tác hoa màu với diện tích 5,3 ha, khi khu bảo tồn được thành lập do chưa có quỹ đất nên các hộ dân trên vẫn chưa được di rời ra khỏi khu bảo tồn. Mặc dù các hộ dân trên đã có cam kết không lấn chiếm mở rộng diện tích sản xuất và không trồng cây lâu năm, nhưng hiện nay các hộ trên và một số hộ dân tộc H’Mông đã xâm lấn mở rộng diện tích lên 13,03 ha khiến cho việc ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Bài 2: Cần tiếp sức cho Khu BTTN Ea Sô ảnh 2

Các phóng viên tham gia đưa tin về các vụ phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô và tỉnh Gia Lai.

Vì vậy, để quản lý, bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên quý giá còn lại tại đây, Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô kiến nghị cần có sự quan tâm về mọi mặt của các cấp, các ngành của tỉnh Đắk Lắk và các địa phương giáp ranh, nhất là đầu tư các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ QLBVR; bố trí kinh phí xây dựng các trạm QLBVR và đường vào các trạm ở khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Trong đó, dự án xây dựng trạm 10 và đường vào trạm 10 đã được phê duyệt nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí để thực hiện. Công an tỉnh xây dựng phương án tuần tra, kiểm tra phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 29 đoạn đi qua Khu BTTN Ea Sô để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết tình trạng khai thác cát lậu và lợi dụng khai thác cát lậu để khai thác gỗ tại khu vực giáp ranh giữa khu BTTN Ea Sô với huyện Ea Kar và huyện M’Đrắk… nhằm chung tay, tiếp sức cùng với Ban Quản lý Khu BTTN Ea Sô bảo vệ, gìn giữ những diện tích rừng quý giá còn lại tại đây được ví như lá phổi của Tây Nguyên và cả nước.

* Bài 1: “Miếng mồi béo bở’’ giữa đại ngàn