Vi mạch bán dẫn - nền móng xây dựng công nghiệp công nghệ cao

NDO -

“Một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đang phải đối mặt đó là thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, cả về số lượng lẫn chất lượng. Về lâu dài, nó có thể cản trở tốc độ phát triển của toàn ngành bán dẫn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam”. 

Vi mạch bán dẫn được trưng bày tại Phòng Trưng bày sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Công nghệ cao (SHTP).
Vi mạch bán dẫn được trưng bày tại Phòng Trưng bày sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Công nghệ cao (SHTP).

Đây là nhận định của các nhà khoa học tại Hội thảo “Bài toán phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) tổ chức ngày 2-4.

Các nhà chuyên môn khẳng định, vi mạch bán dẫn được xem là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, đóng vai trò cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tại TP Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được định hướng trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã hết sức quan tâm và ưu tiên phát triển lĩnh vực này thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu.

Vi mạch bán dẫn - nền móng xây dựng công nghiệp công nghệ cao -0
Cắt băng khánh thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam- Hàn Quốc. 

Hiện, nhiều công ty vi mạch bán dẫn nổi tiếng thế giới đã tiến hành đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ vi mạch bán dẫn, chủ yếu đặt tại SHTP. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho sự phát triển bền vững của các công ty này là chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Duy Mạnh Thi, Giám đốc Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Hàn Quốc - Việt Nam thuộc SHTP nhận định: Tình trạng thiếu hụt nhân lực đang gia tăng trên khắp thế giới, với mức tăng lớn nhất qua từng năm ở Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary và Slovenia. Chỉ 18% quốc gia không báo cáo tình trạng thiếu nhân lực. Việt Nam hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu cho các công ty. Đó không chỉ là vấn đề về số lượng mà còn là vấn đề về chất lượng.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Mạnh Thi, một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp vi mạch ngày nay ở nước ta phải đối mặt là các kỹ sư về vi mạch cấp độ đầu vào không thể được tuyển dụng làm ngay, mà các doanh nghiệp phải đào tạo lại từ 6 đến 12 tháng để được sử dụng làm việc. Sự thiếu hụt nhân tài bắt đầu từ những sinh viên tốt nghiệp đại học và các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Mặc dù sự thiếu hụt kỹ sư STEM sẽ không ngăn cản hoạt động hằng ngày của các công ty vi mạch, nhưng nó ảnh hưởng đến khả năng lấp đầy các vị trí chủ chốt, kế thừa, bổ sung lực lượng lao động già cỗi và phát triển các sản phẩm, công nghệ mới. Về lâu dài nó có thể cản trở tốc độ phát triển của toàn ngành bán dẫn và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả nước Việt Nam.

PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL SHTP cho biết: Ngành công nghiệp vi mạch là một trong những ngành công nghiệp nền tảng của CMCN 4.0 mà chúng ta đặc biệt ưu tiên đầu tư phát triển trong giai đoạn thời gian tới để xây dựng nền móng cho phát triển công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh riêng và cả nước nói chung. Trong phát triển công nghiệp vi mạch và các ngành công nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định và chúng ta phải tập trung đầu tư phát triển. Để phát triển nguồn nhân lực này, chúng ta phải đẩy mạnh kết hợp của tất cả các bên liên quan để thực hiện.

Các trường đại học chỉ đào tạo những kiến thức căn bản cho các bạn sinh viên. Còn đào tạo những kiến thức chuyên sâu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì cần sự tham gia của doanh nghiệp. Do đó, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa đại học và doanh nghiệp. Cùng với đó, để phát triển nguồn nhân lực đón đầu sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thì sự tham gia của Nhà nước rất quan trọng. Nhà nước cũng phải có những chương trình đào tạo và nghiên cứu gắn với đó là mục tiêu phát triển nguồn nhân lực…

Để đào tạo chuyên sâu đáp ứng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn cho doanh nghiệp, cùng ngày, SHTP chính thức ra mắt Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn viên AI Innovation Hub (Trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo). Hoạt động chủ yếu của trung tâm là triển khai hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật thiết kế vi mạch, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo kế hoạch, trong năm 2021 trung tâm sẽ đào tạo 100 học viên trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.