Về với dân để giúp dân hiệu quả hơn

Ba năm qua, Binh đoàn 15 tổ chức đưa cán bộ về với nhân dân để biết bà con đang cần, đang thiếu gì, cũng như tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó xác định những cách làm phù hợp giúp người dân hiệu quả. Đây là cách làm mới, làm hay cho nên được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ủng hộ, đánh giá cao và nhân rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Công ty 72 (Binh đoàn 15) hướng dẫn người dân thu hoạch nông sản.
Cán bộ Công ty 72 (Binh đoàn 15) hướng dẫn người dân thu hoạch nông sản.

Gặp chúng tôi trong chuyến công tác kiểm tra cơ sở, đồng chí Vũ Mạnh Định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết: Mặc dù thời gian gần đây giá mủ cao su xuống thấp, doanh thu gặp khó khăn, nhưng Công ty 72, Công ty 74 và Công ty 75 của Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn vẫn luôn hướng về nhân dân địa phương và người lao động. Ngoài hỗ trợ cây giống, phân bón, hỗ trợ gạo lúc giáp hạt, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, đào tạo “tay nghề” thợ cạo mủ, ba công ty nêu trên còn triển khai cán bộ bám nắm thôn làng, về với dân để biết nhân dân đang thiếu, đang cần gì để lên kế hoạch giúp đỡ và thực hiện nhanh chóng. Mô hình “Cây lúa trên đất cao su tái canh”, “Trao bò sinh sản tặng hộ nghèo” và “Nâng bước em đến trường”... được triển khai rất hiệu quả. Hàng nghìn lao động, học sinh nghèo được hưởng lợi từ các mô hình nêu trên, là dịp để quân và dân thắt chặt hơn tình đoàn kết, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Kinh tế phát triển, tình làng nghĩa xóm được củng cố, nhiều hủ tục được bà con xóa bỏ, thay vào đó là văn hóa thôn làng, cộng đồng phát triển...

Đến các đơn vị của Binh đoàn 15 đứng chân trên vùng biên giới huyện Đức Cơ trong những ngày giữa tháng ba, có thể cảm nhận những chuyển biến rõ nét về trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù công việc đầu năm rất bận rộn, nhưng tại trụ sở các công ty chỉ có một số cán bộ trực để giải quyết các công việc, còn lại được tăng cường về các tổ, đội sản xuất và thôn làng. Với bà con dân tộc thiểu số thì việc “cầm tay chỉ việc” là chưa đủ, mà “nói phải đi đôi với làm”, đội ngũ cán bộ đã tích cực hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón, khai thác cao su, hồ tiêu, cà-phê; mô hình trồng lúa nước, lúa xen canh; phối hợp tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiệm vụ “kết hợp kinh tế với quốc phòng”...

Thượng tá Hà Trọng Bảo, Giám đốc Công ty 72 cho biết: Vượt lên khó khăn, đơn vị đã tập trung chăm lo cuộc sống cho công nhân, người lao động và bà con dân tộc thiểu số, giúp nhân dân từ những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất. Về với bà con, gần dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, cho nên nhiều việc tưởng khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh đã sớm được tháo gỡ, giải quyết thành công, tình cảm quân dân gắn bó, nhiều gia đình giàu lên có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm, như gia đình Brao, Kpui Chel, Rơ Ma Doah... Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, được cán bộ, công nhân, người lao động và bà con địa phương đồng tình hưởng ứng đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng vùng biên giới phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh”.

Đã gần 11 giờ nhưng quang cảnh trong các làng ở xã Ia Din, huyện Đức Cơ thanh vắng lạ, hỏi ra mới biết “đây là giờ cao điểm để công nhân, người lao động đi bón phân chăm sóc cây cao su và cà-phê. Gặp chúng tôi, ông Rơ Mah Pen, già làng Nerl cho biết: “Cái mới nhất và thành công nhất của người Gia Rai mình là, bà con không những biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, cà-phê, hồ tiêu... mà còn biết và thay đổi phương thức canh tác sản xuất, thời gian lao động. Từ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, du canh, du cư, họ đã chuyển sang nhận khoán vườn cây, cày xới đất làm vườn, chọn cây giống, bón phân, để tăng năng suất, tăng thu nhập. Ngày trước, bà con dân tộc mình sinh đẻ nhiều lắm, nhưng nuôi con rất khó, nay một cặp vợ chồng chỉ sinh hai đứa thôi, nhưng các cháu được chăm sóc, học hành chu đáo. Trước đây bà con đi làm khi mặt trời đã lên cao, về khi mặt trời chưa trốn núi, sợ “con ma rừng” không ai dám ra đường vào ban đêm, có bao nhiêu tiền tụ tập ăn uống hết, con cái thất học; nay bà con đi làm từ 3-4 giờ sáng, có tiền đem gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất và cho con đi học. Đây là cái làm được và thành công nhất của người dân vùng biên giới nói chung, bà con dân tộc thiểu số Gia Rai mình nói riêng mà ngày trước chưa có ai nghỉ tới”. Không những trao cho nhân dân chiếc “cần câu” là những vườn cao su, cà-phê đang tuổi khai thác, thu hoạch, mà Công ty 72, Công 74 và Công ty 75 còn tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng nghìn người lao động. Từ tay không, đói nghèo, lạc hậu nay bà con ai cũng có cao su, cà-phê, hồ tiêu... thu nhập cao, đây là kết quả khi cán bộ các công ty nêu trên về với dân làng, giúp dân làng mà trước đó chưa ai làm được.

Không chỉ đầu tư phát triển sản xuất, các công ty nêu trên còn đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, an sinh xã hội, tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh. Từ năm 2022 đến nay, các công ty đã đào tạo cho hơn 3.000 lượt thợ cạo là con em đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ gần 200 con bò giống sinh sản; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho chương trình “Nâng bước em đến trường”; đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, làm nhà tình nghĩa, đại đoàn kết, tổ chức ăn Tết với nhân dân; trao quà tặng gia đình chính sách, người nghèo... Cùng với đó, các đơn vị còn tích cực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức một số lễ hội như: bỏ mả, đâm trâu, mừng lúa mới..., góp phần phục hồi, bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với đơn vị, với Binh đoàn 15 ■