Về nơi xuất phát Tây Sơn tam kiệt

Bến Trường Trầu là một di tích liên quan mật thiết với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Mỗi độ xuân về, nơi đây cùng với lễ hội Đống Đa lại gợi nhớ những năm tháng hào hùng của Tây Sơn tam kiệt.
0:00 / 0:00
0:00
Cây me trong Bảo tàng Quang Trung vẫn bền bỉ sức sống qua bao thăng trầm của lịch sử.
Cây me trong Bảo tàng Quang Trung vẫn bền bỉ sức sống qua bao thăng trầm của lịch sử.

Địa thế đặc biệt

Nằm bên bờ sông Kôn, bến Trường Trầu xưa thuộc xóm Trầu, thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Ngày nay, từ thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) qua cầu Kiên Mỹ theo tả ngạn sông Kôn về phía đông khoảng 300m là tới bến Trường Trầu.

Sở dĩ có tên Trường Trầu là do nơi đây từng là địa điểm của các thương lái tập trung trao đổi các mặt hàng của hai miền Tây Sơn thượng-hạ, trong đó nổi tiếng nhất là trầu.

Theo sử sách chép lại, trầu và cau là những sản phẩm nổi tiếng của hai vùng Tây Sơn Thượng và Hạ đạo.

Trầu có hai loại: trầu nguồn là loại ngon nhất được đồng bào Thượng trồng trên Tây Nguyên, còn trầu hương trồng ở miền xuôi kém ngon hơn.

Cau cũng có hai loại: cau chuột trồng ở Tây Nguyên quả nhỏ nhưng ngon, còn cau nước trồng trong vườn miền xuôi, quả to nhưng vị không ngon bằng.

Trầu và cau từ Tây Sơn Thượng đạo được những đoàn người Thượng chuyển xuống theo đường bộ hoặc chở bằng thuyền nan nhỏ (còn gọi là sõng) tập kết tại bến Trường Trầu bán rồi đổi lấy muối, đồ sắt và các sản phẩm khác. Người ta tính trầu theo cách cứ 10 lá là một xếp, 10 xếp là một trăm, 10 trăm là một thiên, 10 thiên là một giàng.

Nằm dưới chân đèo An Khê, bến Trường Trầu là đầu mối giao thông thủy bộ thuận tiện, vừa có thể đi đường bộ qua đèo An Khê - không hoàn toàn trùng với Quốc lộ 19 ngày nay, vừa có thể đi dọc sông Kôn lên tận miền ngược đến các làng, bản của người dân tộc thiểu số hoặc xuống miền xuôi như chợ An Thái, Cửa Giã, Đập Đá, An Nhơn... để buôn bán.

Vì thế, sông Kôn được coi là con đường giao thông chính giữa hai vùng đất mà phía trên thượng nguồn có nhiều đặc sản quý như trầm hương, trầu nguồn, mật ong, ngà voi... Phía dưới là đồng bằng trù phú, đầy ắp lúa gạo, những ruộng dâu xanh ngát, những vườn bông nguyên liệu dùng để sản xuất lụa là gấm vóc.

Ngoài ra, từ vùng xuôi lại có thể kéo dài ra biển, là vùng của cá, muối, tôm, cua, hải sản... cực kỳ phong phú. Với địa thế đặc biệt như vậy, nơi này trở thành điểm trung chuyển trong quan hệ trao đổi buôn bán giữa miền núi rừng cao nguyên và vùng đồng bằng, miền biển.

Chỉ có điều, ngày trước, bến Trường Trầu sầm uất bao nhiêu thì ngày nay bến chỉ còn lại một bãi bồi vắng lặng, nằm nép mình dưới chân cây cầu Kiên Mỹ. Chẳng còn cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, chẳng còn những xấp trầu biêng biếc, buồng cau rịt quả...

Cảnh thuyền ghe nhộn nhịp ra vào cùng không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn đã lùi sâu vào dĩ vãng. Vậy nhưng, “cây me cũ, bến Trầu xưa...” thì đã đi vào lịch sử, để mãi ghi dấu về một thời oanh liệt.

Vang vọng dấu tích xưa

Bến Trường Trầu là nơi gắn bó với tuổi thơ của anh em nhà Tây Sơn trước khi phất cờ khởi nghĩa. Bảo tàng Quang Trung ngày nay được xác định là khu vực trung tâm của Tây Sơn Hạ đạo trước đây.

Tương truyền, ông Hồ Phi Phúc, thân sinh của ba anh em Tây Sơn làm nghề buôn trầu, ngày ngày qua lại vùng Tây Sơn Hạ đạo đã gặp gỡ kết duyên với bà Nguyễn Thị Đồng.

Sau đó, ông Hồ Phi Phúc từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) sang định cư tại làng Kiên Mỹ gần bến Trường Trầu (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), đã trồng trong sân nhà một cây me bên trái và đào một giếng nước bên phải, ba anh em nhà Tây Sơn đã chào đời trong ngôi nhà này.

Hơn 250 năm trôi qua với bao thăng trầm nhưng cây me cổ thụ trong vườn nhà Tây Sơn vẫn mạnh mẽ sống, hiên ngang vươn cao giữa đất trời.

Theo tài liệu lịch sử ghi lại, sau khi khởi nghĩa Tây Sơn bước đầu giành được thắng lợi vẻ vang, người anh cả Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở thành Đồ Bàn, nhân dân huyện Tuy Viễn đã góp công xây dựng ngôi nhà của ông bà Hồ Phi Phúc ngay trên nền nhà cũ để thờ ông bà và gọi đó là từ đường của họ Hồ.

Sau này, khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Phú Xuân đã tìm mọi thủ đoạn để trả thù những người theo phong trào Tây Sơn và từ đường họ Hồ này cũng bị phá hủy.

Để tưởng niệm những vị anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương lập nên ở đó một ngôi đình, gọi là đình làng Kiên Mỹ. Đình mượn cớ thờ Thành Hoàng, nhưng những sắc phong Thành Hoàng của các Vua Nguyễn ban cho lại bị người dân đem ra thờ ở một ngôi miếu khác.

Còn tại đình Kiên Mỹ, họ bí mật ngụy trang để thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Câu ca: Ai cho miếu lớn hơn đình/Bậu có chồng mặc bậu vẫn gọi mình bằng anh là vậy.

Năm 1946, đình Kiên Mỹ bị thực dân Pháp đốt cháy, đến năm 1958, nhân dân huyện Bình Khê đóng góp công của xây dựng lại ngôi đình, lấy tên Điện thờ “Tây Sơn tam kiệt”.

Khu điện thờ nằm trong quần thể của Bảo tàng Quang Trung - mảnh đất long bàn hổ cứ, địa linh nhân kiệt. Năm 1979, Điện thờ Tây Sơn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Năm 2014, Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (gồm Điện thờ Tây Sơn và bến Trường Trầu) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2021, Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh đã thi công xây dựng công trình đầu tư cơ sở hạ tầng khu C, và đặc biệt là phục dựng cảnh quan bến Trường Trầu tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).

Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, vị trí ngôi nhà của ông Hồ Phi Phúc hiện là nơi xây Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và các vị văn thần, nghĩa sĩ nhà Tây Sơn (trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung).

Sau khi phong trào Tây Sơn thoái trào, triều đình nhà Nguyễn đàn áp những người theo nhà Tây Sơn và tàn phá tất cả những di tích của triều đại này để lại.

Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn một lòng sùng kính những người anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn cho nên đã góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn.

Hằng năm, đến ngày 15/11 âm lịch, dân làng lại tổ chức cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn” để tưởng nhớ công lao của những anh hùng dân tộc.

Ngày nay, nhịp sống bên dòng sông Kôn dù đã có nhiều biến đổi theo thời gian, nhưng vùng đất này vẫn từng ngày phát triển trong sự đa dạng, phong phú bởi nét văn hóa độc đáo cùng tiềm năng về phát triển du lịch chưa được khơi dậy. Hy vọng trong tương lai, nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương.