Từ một phần của tỉnh Quảng Trị, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền. Vĩnh Linh được tổ chức thành một đơn vị hành chính đặc biệt đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Những ngày đó quân và dân Vĩnh Linh kiên cường bất khuất, anh dũng chiến đấu và đã lập nên những chiến công hiển hách, tám lần vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen đánh giặc giỏi, thắng lớn.
Anh hùng Lao động Đinh Như Gia, ở đường Huyền Trân Công Chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, những ngày này có cảm xúc đặc biệt. Ông nâng niu tấm bằng cao quý Anh hùng Lao động do chính tay Bác Hồ ký phong tặng như nâng niu kỷ vật quý báu nhất của cuộc đời. Ít người vinh dự năm lần được gặp Bác Hồ báo công trạng như ông để được nghe những lời dặn dò đau đáu từ trái tim vĩ đại của Người gửi về đất thép Vĩnh Linh.
Ông Đinh Như Gia lúc ấy là Trung đội trưởng dân quân du kích xã Vĩnh Nam kiêm Đội trưởng Đội sản xuất số 5, Hợp tác xã sản xuất Nam Hồ. Để tránh bom đạn, người dân Vĩnh Linh đào địa đạo Vịnh Mốc sống và chiến đấu. Đối với trẻ em mới sinh thì không thể sống suốt ngày dưới địa đạo cho nên mỗi khi không có máy bay ném bom các cô phải đưa các cháu lên mặt đất để trông giữ, nhưng khi máy bay quân đội Mỹ bất ngờ ném bom thì không trở về kịp lòng địa đạo để trú ẩn. Quyết tâm nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em Vĩnh Linh một cách an toàn nhất để ba mẹ các cháu yên tâm sản xuất, chiến đấu ngoài mặt trận, ông Đinh Như Gia đã sáng tạo ra hệ thống trục nôi quay tự động trong đường hầm nhằm tránh thương vong cho trẻ em một cách hữu hiệu nhất. Mỗi khi máy bay quân đội Mỹ ào đến ném bom, tiếng báo hiệu reo lên, cô nuôi giữ trẻ chỉ cần kéo ròng rọc là cả hệ thống nôi đang có trẻ em nằm tự động chạy xuống đường hầm địa đạo Vịnh Mốc tránh đạn. Nhờ sáng kiến độc đáo này, trẻ em Vĩnh Linh được bảo vệ tuyệt đối trong bom đạn. Với việc làm sáng tạo, ý nghĩa này, ông Đinh Như Gia được Bác Hồ tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động vào ngày 1-1-1967. Bác trao gửi thành tích này cho ông như muốn gửi gắm cả niềm tin với nhân dân Vĩnh Linh, cố gắng sản xuất, chiến đấu giỏi hơn nữa để luôn xứng đáng Vĩnh Linh đất thép, thành đồng của Tổ quốc.
Phát huy truyền thống anh dũng của cha ông và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhân dân Vĩnh Linh hôm nay luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Trị. Huyện được xác định là cực kinh tế trọng điểm phía bắc của tỉnh với ba thế mạnh phát triển chính là nông nghiệp, du lịch và thương mại. Thực hiện cơ cấu lại kinh tế, Vĩnh Linh có hàng trăm mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành điểm tham quan, học tập cho các địa phương. Tiêu biểu là mô hình phát triển lúa hữu cơ, hồ tiêu hữu cơ, trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình trồng cây bơ 034 và trồng sầu riêng giống Thái-lan... tất cả đều là những mô hình đầu tiên trên đất Quảng Trị. Huyện Vĩnh Linh xác định trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chú ý phát triển theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên cùng diện tích đất. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ một số cây trồng, con nuôi, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh năm 2017 - 2020, định hướng đến 2025. Hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung với quy mô lớn như cao-su, hồ tiêu hữu cơ, lúa hữu cơ và sầu riêng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, hỗ trợ hơn nữa cho nông dân và doanh nghiệp trong việc liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Trong phát triển và xây dựng quê hương hôm nay, Vĩnh Giang là một trong những xã nổi tiếng nhất của huyện Vĩnh Linh. Vĩnh Giang ba lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân vào các năm 1967, 1970 và 1973. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn An đưa chúng tôi đi qua từng ngõ xóm của vùng quê cách mạng. Nhân dân Vĩnh Giang chủ yếu sống bằng nông nghiệp với trồng cây hồ tiêu, còn lúa chỉ làm được một vụ vì khô hạn, thiếu nước tưới. Đất đai cũng không đủ rộng để con người thỏa sức khai hoang, phát triển. Từ trong khó khăn, người dân Vĩnh Giang có nhiều sáng kiến trong phát triển kinh tế, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng giá trị sản phẩm trên diện tích đất. Nông dân lập ra tổ sản xuất liên gia, từng nhóm hộ gia đình cùng nhau sản xuất trên một diện tích đất do một người làm trưởng nhóm, theo phương thức canh tác nối vụ. Sau khi thu hoạch lúa để sản xuất gạo đỏ, người nông dân liền trồng đậu xanh; thu hoạch xong đậu xanh rồi chuyển qua trồng rau an toàn và cuối cùng là trồng nếp, trở thành sản xuất bốn vụ trong một năm, một cách làm sáng tạo, thu nhập cao, ít nơi có được.
Khi hỏi điều gì khiến người dân Vĩnh Giang có nhiều sáng tạo trong sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết, nhờ địa phương luôn phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, định vị lại vị trí của mình để chọn mục tiêu, phương hướng phát triển phù hợp. Cuối năm 2020, Vĩnh Giang sẽ trở thành xã ven biển đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết: Điểm nhấn quan trọng nhất của Vĩnh Linh là tinh thần đoàn kết và công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ hợp lý, sáng tạo nên khuyến khích được khả năng của cán bộ đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Một chủ trương lớn khác, Vĩnh Linh còn chú trọng khai thác và phát triển du lịch các di tích nổi tiếng như cụm di tích đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cửa Tùng, Vĩnh Thái cùng với du lịch lưu trú nghỉ dưỡng để góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 51 triệu đồng (năm 2020) lên gần 80 triệu đồng vào năm 2025.