Từ bao đời nay người Xơ Đăng đã biết tận dụng những nguyên liệu, sản vật của núi rừng để phục vụ cho cuộc sống, từ nguyên vật liệu để làm nhà đến thức ăn, nước uống. Chuối rừng mọc khắp nơi ở núi rừng Kon Plông, từ lâu đã trở thành món ăn thân thuộc với bà con sinh sống nơi đây. Theo chị Y Rương ở xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, cây chuối rừng là "cứu tinh" của bà con Xơ Đăng thời kỳ không có cơm ăn bởi mọi phần của cây chuối đều có thể sử dụng được. Quả chuối chín để ăn hoặc dùng để ngâm rượu, bắp chuối được thái nhỏ ngâm nước muối và trộn với các loại rau rừng làm món nộm. Nõn chuối có thể làm nhiều món khác nhau, trong đó đặc biệt nhất chính là món "hơ gọ". Để chế biến các món ăn với nõn chuối, bà con thường chọn cây chuối trưởng thành, không quá già và không quá non. Tiếp theo, dùng rựa chặt từng nhát dứt khoát để hạ cây chuối xuống. Chuối mang về được bóc bớt phần bẹ già để lấy phần lõi non bên trong. Lõi chuối non được bẻ thành từng khúc nhỏ, ở mỗi đoạn người ta đều cẩn thận tước bỏ phần tơ chuối để tránh người ăn không bị mắc tơ.
Trong gian bếp của mình, chị Y Rương thoăn thoắt nhóm lửa. Khi than đã hừng, lửa đã đỏ, chị cho đổ nước vào nồi rồi bắc lên bếp. Chờ khi nước sôi, chị mới cho lõi chuối non vào nồi và tiếp tục đun lửa. Nấu chung với nõn chuối là thịt lợn được ướp các loại gia vị như tiêu rừng, sả, nghệ… rồi gác lên bếp tầm hai ngày. Chị cho biết, trong món "hơ gọ", ngoài nguyên liệu nõn chuối là bắt buộc thì có thể thay thịt lợn bằng các loại thịt khác như: thịt dúi, thịt bò… bởi nõn chuối rất lành, khi chế biến kết hợp với nhiều loại thịt khác nhau đều mang lại hương vị thơm ngon, ngọt nước. Thịt được xé nhỏ nấu chung với nõn chuối. Khi thịt đã nhừ, nõn chuối mềm là món ăn đạt yêu cầu. Món ăn mang đến hương vị đặc biệt, hòa quyện giữa vị ngọt của nõn chuối, vị bùi của thịt kèm theo hương vị đặc trưng của tiêu rừng, hương thơm của sả và phảng phất mùi khói. Điểm đặc sắc nhất của món ăn là phần nước dùng. Được đun sôi lâu trên lửa cho nên phần nước từ thịt và nõn chuối tạo nên vị ngọt thanh, đậm đà. Bà con thường ăn "hơ gọ" kèm theo cơm lam hoặc các loại bánh nếp.
"Hơ gọ" đã trở thành nét ẩm thực độc đáo tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị, luôn được yêu thích trong các mâm cơm thường ngày, và là món ăn không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống như mừng máng nước, mừng lúa mới… của người Xơ Đăng trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.