Vất vả tìm nơi trông giữ trẻ

Một đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ bảo đảm các trường mầm non trên địa bàn thành phố đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trông giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mục tiêu này vẫn còn quá xa so với tình hình thực tế trên địa bàn, nhất là khi thời hạn để đạt mục tiêu của đề án đã gần kề…

Một số trường mầm non tư thục ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.
Một số trường mầm non tư thục ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng thiếu giáo viên.

Có mặt tại các khu nhà trọ công nhân chung quanh Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7), chúng tôi trực tiếp lắng nghe chia sẻ của những gia đình lao động có con dưới 18 tháng tuổi.

Chị Đỗ Thị Ly (27 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết, từ đầu tháng 2 năm nay, khi bà ngoại trở về quê thì hai vợ chồng chị buộc phải chạy vạy nhờ vả hàng xóm ở cùng khu trọ giữ dùm con. Tuy nhiên, gia đình hàng xóm cũng chỉ hứa giúp được đến giữa tháng 4, sau đó có việc gia đình phải ra bắc. Vì vậy, đã mấy ngày nay hai vợ chồng chị Ly như ngồi trên đống lửa vì lo lắng không biết sẽ phải tìm trường ở đâu cho con.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Lê Thị Tươi (31 tuổi, quê Đồng Nai) chọn một trường mầm non trên đường Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, quận 7) để gửi con, do gần nơi làm việc. Theo chị Tươi, khu vực chị ở trọ chỉ có khoảng chưa đến 10 gia đình trông giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi tại nhà, trong khi phần lớn các gia đình còn lại phải gửi con tại các trường mầm non và nhóm trẻ quanh khu vực. “Vợ chồng tôi gửi cháu tại một trường mầm non ở hẻm 118 Bùi Văn Ba. Mỗi tháng, chi phí nộp cho trường là 1,8 triệu đồng, đó là chưa kể tôi đã tự chuẩn bị sữa mang đi cho cháu ăn vào buổi sáng. Bên cạnh đó, lớp học khá đông, khoảng hơn 20 bé nên vợ chồng tôi cũng lo lắng không biết điều kiện chăm sóc các cháu có được bảo đảm hay không”, chị Tươi chia sẻ.

Một số gia đình công nhân lâu năm, có thu nhập tăng thêm được mách đưa con đến các trường mầm non có ca-mê-ra để cha mẹ tiện theo dõi con khi ở công ty. Tuy nhiên, số trường đáp ứng được nhu cầu này cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ghi nhận của chúng tôi tại hẻm 98 và hẻm 118 Bùi Văn Ba của khu phố 2, phường Tân Thuận Đông, dù có khoảng 10 trường mầm non và nhóm trẻ, nhưng cũng chỉ có duy nhất một đến hai trường đáp ứng được điều kiện nêu trên. Tính cả phường Tân Thuận Đông thì cũng chỉ có lác đác một số trường mầm non công lập như Tân Mỹ, Phú Thuận, Bình Thuận đáp ứng được các điều kiện trông giữ, chăm sóc trẻ theo quy định. Trong khi đó, hầu hết các trường chỉ nhận chăm sóc các bé từ 25 tháng tuổi trở lên và yêu cầu các bé phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Chính vì vậy, dù có nhu cầu thật sự nhưng hàng trăm hộ gia đình người lao động, công nhân tại KCX Tân Thuận vẫn phải tự tìm trường cho con.

Có mặt tại đường Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, chúng tôi còn ghi nhận một đoạn đường dài khoảng 3 km, nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài trường mầm non, trong đó phần lớn là các nhóm trẻ và trường do các đơn vị dân lập xây dựng với cơ sở vật chất và điều kiện chăm sóc trẻ chưa bảo đảm. Để tìm hiểu cụ thể hơn, chúng tôi vào khu dân cư Ehome 3 nằm một bên với Công ty Colgate - Palmolive (Việt Nam) có quy mô 2.000 căn hộ, đã lấp đầy khoảng 80%, với nhu cầu rất lớn về nơi trông giữ trẻ nhưng cũng chỉ có duy nhất Trường mầm non Sen Vàng do tư nhân xây dựng. Đáng chú ý, trường này chỉ có diện tích dưới 65 m2, nhưng số lượng trẻ được gửi luôn vượt con số 20 cháu.

Chị Hồng (25 tuổi, quê Long An) chuyển đến sống ở block B1 - Khu dân cư Ehome 3 được hai năm nay cho biết, Trường mầm non Sen Vàng được xây dựng do nhu cầu trông giữ trẻ ở đây là rất lớn. Khoảng một năm trở lại đây luôn trong tình trạng quá tải, các gia đình phải tìm các điểm trông giữ trẻ bên ngoài khu dân cư. Cũng theo chị Hồng, do đa số các hộ gia đình đều chưa được cấp chủ quyền căn hộ, chưa có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên việc gửi con vào các trường mầm non công lập của quận Bình Tân là rất khó khăn.

Một cán bộ tại phường An Lạc, quận Bình Tân cũng nhìn nhận, hiện nay nhu cầu trông giữ trẻ trên địa bàn là rất lớn, tuy nhiên các trường mầm non công lập của phường không đủ chỗ cho các cháu, đành phải nhờ vào phần lớn các nhóm trẻ và trường tư thục bên ngoài.

Thời gian qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi các khu công nghiệp, KCX chủ động đề xuất quỹ đất để xây dựng các trường, nhóm, lớp trông giữ, chăm sóc trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Thậm chí đã có các đề xuất thực hiện trông giữ trẻ theo ca, theo giờ làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp, tuy nhiên cho đến nay nhiều nơi vẫn chưa chủ động quan tâm đến chủ trương nêu trên của thành phố.

Toàn thành phố hiện có khoảng 1.000 trường mầm non các loại, khoảng 1.500 nhóm trẻ và lớp độc lập. Riêng số trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi ước khoảng 100 nghìn cháu. Tuy nhiên, hiện đang thiếu trầm trọng giáo viên để có thể đáp ứng đủ nhu cầu nêu trên. Sở GD-ĐT thành phố cho biết, năm học 2013-2014 còn thiếu đến 5.000 giáo viên, tập trung chủ yếu tại các đơn vị ngoài công lập. Từ năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT thành phố phải giải quyết tổ chức thí điểm cho các trường nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại tám quận, huyện trên địa bàn, gồm các quận 7, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức và ba huyện Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh.

Dù vậy, theo dự báo, nhu cầu trông giữ, chăm sóc trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi sẽ tiếp tục “nóng” đến cuối năm 2016 và dự báo sẽ còn tăng thêm trong những năm tiếp theo. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, bên cạnh đề án cho các trường được giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, TP Hồ Chí Minh cũng cần đa dạng các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các trường mầm non dành riêng cho trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi bằng các ưu đãi cụ thể về thuế, hỗ trợ vay vốn, cũng như quỹ đất để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực này.