Văn hóa và Phát triển

Ðưa tiếng đàn dân tộc ngân vang

Giữa bao huyên náo sôi động của nhịp sống mới, âm nhạc truyền thống vẫn như mạch nước ngầm âm thầm tuôn chảy, lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc qua nhiều thế hệ. Và góp phần lưu giữ di sản văn nghệ quý báu đó có công sức không nhỏ của những người đang ngày đêm "nặng lòng" với âm nhạc cha ông.

NSND Xuân Hoạch trình tấu đàn bầu.
NSND Xuân Hoạch trình tấu đàn bầu.

Lưu giữ cung đàn, tiếng tơ

La liệt những đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn đáy được treo kín tường khiến không gian phòng khách của nhà NSND Xuân Hoạch chật chội. Chọn một góc ngồi thoải mái, ông khẽ khàng đưa tay với chiếc đàn bầu có hình dáng lạ rồi khoanh chân, mắt lim dim, người lắc lư, bàn tay chai sần phiêu diêu tấu lên những điệu đàn ngân nga. Hồi trẻ, chỉ chơi để "lấy gân, lấy ngón là chính" như ông nói, nhưng nhờ mối duyên nợ trời ban với âm nhạc dân tộc mà gắn bó cả đời với những cây đàn gảy. Sinh ra ở làng Ðông Quan, Thái Bình, cái nôi của chiếu chèo đất bắc, ngay từ thuở nhỏ, những làn điệu âm nhạc truyền thống đã ngấm dần vào tâm hồn cậu bé Xuân Hoạch, để rồi yêu, rồi say lúc nào không hay. Giống như người diễn viên xuất chúng biết phân thân, ông có thể cùng lúc vừa hát, vừa chơi tới vài loại nhạc cụ, tay gảy đàn, chân này gõ trống, chân kia giậm nhịp, ấy vậy mà thanh âm cất lên từ loại nhạc cụ nào nghe cũng điệu nghệ sướng tai. Người nghệ sĩ đã ngoại lục tuần tâm sự, với ông, mỗi cây đàn dân tộc giống như một người con gái đẹp. Ðã trót yêu rồi thì phải chung tình cả đời, thế nên biết bao tâm huyết, say mê đều dồn để làm đẹp hơn cho những nhạc cụ dân tộc.

Thật bất ngờ khi biết những cây đàn xuất hiện ở tư gia phần lớn đều do ông tự làm. Từ những nguyên liệu như ống tre, trúc, nứa, bầu nậm... qua bàn tay tài hoa và đôi tai thẩm âm tinh tế của người nghệ sĩ đã trở thành những cây đàn đặc biệt ngân lên "tiếng hồn dân tộc" theo nhiều cung bậc, sắc độ khác nhau. Không bằng lòng với âm điệu phát ra từ đàn bầu hiện đại, ông quyết mày mò làm cho kỳ được đàn bầu mộc truyền thống. Dựa vào những tấm ảnh chụp đàn bầu do người Pháp thực hiện từ đầu thế kỷ 20, có được hình dung, định dạng về kích thước, ông bắt đầu đi tìm nguyên liệu. Ông rong ruổi khắp nơi mới kiếm được cây tre ưng ý. Quả bầu nậm cũng phải kén người mua từ Quảng Trị gửi ra. Người nghệ nhân cẩn trọng, tính toán từng chi tiết nhỏ nhất trong khâu chế tác để khi thành hình, âm thanh đàn cất lên hay nhất. Nghiên cứu mãi, đến năm 1990, ông mới phục chế được chiếc đàn bầu mộc truyền thống đầu tiên. Vất vả, cực nhọc thật nhưng quả là đàn không phụ tình người, ngay khi ông đem "khoe" bạn bè, âm thanh trong, vang với những âm sắc "tích tịch tình tang" lâu nay không xuất hiện đã chinh phục mọi người nghe. Cũng chính tiếng đàn này tạo cảm hứng đặc biệt để nhạc sĩ Thao Giang cho ra đời ca khúc nổi tiếng Du thuyền trên sông Hương.

Là người yêu đến mãnh liệt nhạc cụ truyền thống cho nên cả đời NSND Xuân Hoạch luôn miệt mài theo đuổi thứ âm thanh tinh tế nhất của tiếng đàn dân tộc. Sau khi về hưu, từ năm 2008 đến 2009, ông có cả hành trình để tìm lại "tiếng tơ đàn", thứ âm thanh thất truyền tới nửa thế kỷ. Người nghệ nhân chia sẻ, ngày xưa, tơ, trúc vừa là chất liệu vừa là tinh thần của cổ nhạc Việt Nam. Tiếng đàn dây tơ rất đẹp, vừa có âm sắc, vừa có âm đục, trầm, khè, nghe thật tai. Con tằm phải rút ruột mới nhả được tơ. Ðánh đàn dây tơ đòi hỏi phải miết chặt tay hơn để tạo nên sức nặng, độ căng cho thanh âm, nhờ thế mà người chơi cũng phải tập trung hơn, gửi gắm nhiều tình cảm hơn mới có được tiếng đàn đẹp. Ngày nay, khi tính tiện dụng được ưu tiên, người ta dùng dây cước pha ni-lông làm dây đàn, độ bền cao nhưng thanh âm không thể đạt được độ tinh tế như trước. Nghề trồng dâu nuôi tằm lại dần mai một, tìm được tơ tự nhiên cũng rất khó khăn. Hỏi thăm biết bao người, đi đến biết bao nơi, mãi ông mới tìm được loại tơ sống vừa kéo từ con tằm vẫn còn chất nhựa dính. Mất thời gian thử nghiệm cả năm trời, ông cũng tìm được đúng kích thước phù hợp để se tơ. Bởi nếu se mỏng quá, dây đàn không phát ra tiếng, se dày quá, tiếng đàn lại mất hay. Hàng trăm sợi tơ mỏng tang chập lại mới có được một dây tơ đàn, nên khi đàn ngân vang, những người đầu tiên được nghe thử đều run run vỡ òa: "Quả thật đây mới là tiếng tơ...". Phải kỳ công nhường ấy mà chơi được chưa lâu, dây tơ đã mòn. NSND Xuân Hoạch đành nghĩ ra cách bôi sáp ong lên để tăng độ dai, nhờ vậy mà giờ đây, chỉ một bộ dây tơ đã chơi được dăm bảy bài.

Từ lời kể của những bậc nghệ nhân tiền bối, ông còn tự mày mò làm con suốt tơ đàn để vừa tiện cho việc thay dây, vừa làm thành vật trang trí tạo nên nét đẹp riêng cho cây đàn dân tộc. Ông cho biết: "Ðã trả được tiếng tơ đàn cho các cụ rồi, giờ chỉ mong sao trước khi nhắm mắt xuôi tay sẽ tìm được một cơ sở nhỏ muốn sản xuất dây đàn từ sợi tơ để lưu giữ kỹ thuật làm tơ đàn, để trân trọng âm thanh đích thực của âm nhạc dân tộc". Nghề chơi với ông thật lắm công phu, nhưng mỗi khi nghe bạn bè nói: "Thưởng thức tiếng đàn mà như thấy được gần các cụ hơn", ông lại vui và có thêm động lực. Bằng niềm vui và sự say mê ấy, ông khao khát được truyền tình yêu âm nhạc dân tộc cho những người chung quanh, nhất là thế hệ trẻ.

Ðưa tiếng đàn dân tộc ngân vang ảnh 1

Nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn trong chương trình "Chuyện nhạc phố cổ".

Một hướng đi để bảo tồn vốn cổ

Gìn giữ những cây đàn dân tộc như của báu, NSND Xuân Hoạch đã mang chúng đến nhiều vùng văn hóa khác nhau trên thế giới để quảng bá vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Song ông luôn tâm niệm, muốn âm nhạc dân tộc phát triển, trước tiên phải để công chúng trong nước biết đến và yêu mến. Thế nên, dù đã ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi, NSND Xuân Hoạch vẫn cùng những người bạn trong nhóm Ðông Kinh cổ nhạc thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn âm nhạc dân tộc không thu phí để ai cũng có thể đến xem và thưởng thức. Nhóm nhạc được thành lập cách đây ba năm chỉ với bảy thành viên chính, song là sự gặp gỡ, hội tụ của những nghệ nhân hàng đầu lĩnh vực cổ nhạc. Ngoài NSND Xuân Hoạch, bậc thầy về hát xẩm, còn có: NSND Ngô Thanh Hoài - một trong những chất giọng đẹp nhất của làng chèo Việt Nam; NSƯT Ðoàn Thanh Bình, truyền nhân ca trù của nghệ nhân Phó Kim Ðức, sở hữu kỹ thuật mẫu mực của nhiều thể hát truyền thống Bắc Bộ như chèo, quan họ, ca trù, hát văn; nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hà, người đầu tiên đưa âm thanh đàn tranh vào nghệ thuật hát chầu văn; NSƯT Vũ Ngọc, một nghệ sĩ chèo nòi, bậc thầy trong lối hát hề và sử dụng bộ gõ chèo truyền thống... Dù hầu hết tuổi đã cao, song họ vẫn kết nối nhau lại vì tình yêu lớn lao với âm nhạc dân tộc trong khao khát được nuôi dưỡng, lan tỏa nó đến thế hệ sau.

Phố cổ Hà Nội những năm gần đây đã chứng kiến nỗ lực làm sống dậy các loại hình âm nhạc dân tộc của nhiều đơn vị như: Giáo phường Ca trù Thăng Long, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội... tại chiếu xẩm trước cửa chợ Ðồng Xuân, đình Kim Ngân, phố Mã Mây... Riêng nhóm Ðông Kinh cổ nhạc thường biểu diễn vào tối thứ sáu tuần thứ tư của tháng tại phòng thu nhỏ trên đường Tô Ngọc Vân theo những chuyên đề riêng về âm nhạc cổ. Mới đây nhất, "Chuyện nhạc phố cổ" được trình diễn thành công tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, Hà Nội đã đánh dấu một hướng đi mới của nhóm trên hành trình bảo tồn âm nhạc dân tộc. Ấy là khi một lối hát cổ, một nghi thức thực hành âm nhạc truyền thống được phục dựng gần như nguyên bản. Không gian nghệ thuật không phải sân khấu mà chỉ có những chiếc chiếu nhỏ được xếp ngay ngắn nối liền khoảng cách giữa người diễn và khán giả. Cả nghệ sĩ và người thưởng thức đều trở về với miền quá khứ trong tiếng chiêng, trống cửa đình, tiếng hát chèo sử chúc, tiếng thét nhạc ca trù, tiếng xướng tuồng chiêu ban... Lần lượt, vẻ đẹp của những loại hình nghệ thuật truyền thống, như: Chèo, tuồng, xẩm, ca trù, hát văn... đã được các nghệ nhân tái hiện đầy chân thực mà vẫn lung linh.

NSND Xuân Hoạch chia sẻ, ngày xưa, ở một góc đường, chỉ cần người hát xẩm cất lời thì tiếng hát đã vang xa khắp con phố. Nhưng ngày nay, nhịp sống náo nhiệt hơn, ồn ào hơn cho nên lối hát cổ bị mai một. "Là những người nghệ sĩ của cổ nhạc, chúng tôi chỉ mong được hát bằng tiếng thật, đàn thật, không phóng thanh, không tăng âm, có thế mới tái hiện được vẻ đẹp đích thực của âm nhạc truyền thống". Và vì thế, nhóm Ðông Kinh cổ nhạc đã truyền tải "Chuyện nhạc phố cổ" bằng tiếng hát mộc của người nghệ sĩ, tiếng đàn mộc của các nhạc cụ dân tộc mà không dùng đến bất kỳ một thiết bị điện tử nào. Họ, những người cả đời miệt mài cống hiến cho nghệ thuật truyền thống quyết giữ bằng được tinh thần cổ nhạc để trao truyền cho con cháu. Ðúng như NSƯT Thanh Bình bày tỏ: "Chúng tôi đang làm công việc thuộc về trách nhiệm của những người đi trước, bởi thù lao có được từ những chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc chỉ đủ trang trải cho phần trang phục, luyện tập, thuê phòng. Không thể trách lớp trẻ ngày nay không mặn mà với âm nhạc truyền thống, bởi người trẻ, họ có quyền tiếp cận những cái mới hơn, phù hợp hơn. Ðến với vốn cổ, không nên bắt buộc mà hãy để họ có cơ hội tiếp cận và dần dần cảm nhận".

Ðó cũng chính là lý do mà những người nghệ sĩ chân chính của dòng cổ nhạc vẫn đang âm thầm, lặng lẽ hiến dâng những tiếng đàn đẹp của cha ông. Thành công bước đầu thể hiện hướng đi đúng của họ là sự đồng lòng, ủng hộ của một số người trẻ hoạt động nghệ thuật. Người hỗ trợ địa điểm, người giúp sức tổ chức, người phụ trách kết nối công chúng... Nhạc sĩ trẻ Vũ Nhật Tân, cố vấn nghệ thuật cho chương trình chia sẻ: "Thật sự cảm phục các nghệ nhân. Nếu không có sự nhiệt huyết, tình yêu nghề của họ, chúng ta không thể có những chương trình âm nhạc dân tộc đặc sắc đến vậy. "Chuyện nhạc phố cổ" là một chương trình cổ nhạc thực thụ. Chúng tôi không chỉ phục dựng lại lối hát cổ mà còn tái hiện lại nghi thức thưởng thức nhạc cổ thông qua việc "bỏ thẻ" để tặng thưởng cho những ai hát hay, đàn giỏi như các cụ đã áp dụng trước đây. Những người thực hiện chương trình sẽ cố gắng để "Chuyện nhạc phố cổ" diễn ra thường xuyên vào các tối thứ sáu tuần thứ hai của tháng, với nhiều nội dung chuyên sâu khác nhau về âm nhạc dân tộc"...

Thiết nghĩ, chuyện "con tạo xoay vần" xưa nay đã là quy luật. Khi cái mới sinh ra, cái cũ có thể mất đi. Nhưng tin rằng, những thứ làm nên nghệ thuật đích thực, làm nên di sản văn hóa quý báu của cha ông, làm nên bản sắc dân tộc, trong đó có cổ nhạc sẽ mãi trường tồn và tỏa sáng, nhất là khi nó đang được nuôi dưỡng, trao truyền bởi tình yêu và đam mê của những người luôn đau đáu vì nghệ thuật dân tộc.