Vẻ đẹp hoang sơ, bản sắc độc đáo của mảnh đất này luôn níu chân du khách. Từ những hộ dân hằng ngày lên nương rẫy, bán nông sản ở thác Dải Yếm, bà con bản Vặt đã thử sức, xây dựng nên mô hình lưu trú cộng đồng (homestay), đưa Mường Sang trở thành điểm sáng du lịch. Hai năm qua, tuy ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, địa phương vẫn bền bỉ bảo tồn văn hóa, tập trung lao động sản xuất, hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát.
Phát triển từ gốc rễ
Mường Sang là xã nằm ở phía nam thị trấn Mộc Châu, có độ cao trung bình khoảng 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, rất phù hợp để phát triển du lịch. Sinh sống nơi đây chủ yếu là người Thái và người Kinh; nhiều bản người Thái vẫn giữ được nét nguyên sơ với những nếp nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán lâu đời. Từ bản Vặt, du khách có thể kết nối với rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng lân cận, như: thác Dải Yếm, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, cửa khẩu Lóng Sập, rừng thông Bản Áng… Bản Vặt là điểm đầu tiên của Mường Sang làm du lịch. Câu chuyện bắt đầu từ cách đây mấy năm, thỉnh thoảng bà con bản Thái lại thấy có khách du lịch vào hỏi chỗ ăn, ở. Vốn hiếu khách, người dân thường mời khách nghỉ ngay tại nhà sàn rồi phục vụ các món ăn truyền thống. Cứ như vậy, du khách truyền tai nhau, ngày càng thêm nhiều đoàn lên bản. Bà con thấy không yên tâm bởi họ vốn là những gia đình thuần nông, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, kỹ năng làm du lịch chưa có. Bỡ ngỡ, lo âu, nhưng chính những người phụ nữ Thái đã quyết tâm vượt khó, ngày làm nương rẫy, bán hàng ở khu du lịch, tối cùng nhau họp nhóm, tìm hiểu qua internet cách làm du lịch.
Khi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi hộ kinh doanh homestay thu về khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng. Bản Vặt xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có đội văn nghệ với những điệu múa xòe, múa sạp cùng cách thức lan tỏa bản sắc văn hóa lâu đời của cộng đồng người Thái qua từng cử chỉ, câu nói, tục ngữ cha ông. Năm 2020, ở những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, bà con rất linh hoạt trong cách thức quảng bá, kết nối khách du lịch trong nước. Tính trong năm 2020, doanh thu từ du lịch cộng đồng của người dân bản Vặt đạt hơn 1,2 tỷ đồng, cao hơn tổng doanh thu năm 2019, khi chưa có dịch. Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế thông qua du lịch, người dân bản Vặt còn chăm chút tới diện mạo của bản làng nhỏ bé với môi trường cảnh quan sạch sẽ, trong lành, từng hàng rào hoa nở bốn mùa, những vườn rau xanh mướt, thảo dược quý hiếm cũng được ươm trồng… Nếp sống mới tạo nên những người Thái năng động, tự tin mà cũng rất mộc mạc và ấm áp.
Bà Hà Thị Chiên, chủ homestay Hà Chiên chia sẻ, nhiều thành viên trong gia đình trước đây vốn chưa tin vào mô hình phát triển du lịch, nhưng sau khi đón những đoàn khách đầu tiên, có doanh thu, có cảm xúc của du khách gửi lại qua từng trang viết trong cuốn sổ ghi chép thì mọi người vững tâm hơn. Bà con bản Vặt cùng nhau cải tạo nhà sàn, tham gia nhiều lớp tập huấn có sự hướng dẫn của chuyên gia. Tinh thần ở bản Vặt cho thấy, du lịch cộng đồng không đơn giản là sự thành công của một vài cá nhân, hộ dân mà đó nhất thiết phải là tinh thần đoàn kết của tất cả thành viên trong cộng đồng. Ðó là gốc rễ cho con đường phát triển du lịch bền vững. Với sự hỗ trợ từ dự án của tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam, các tổ nhóm dịch vụ, như: homestay, ẩm thực, văn nghệ, thổ cẩm… tại bản Vặt được thành lập với quy chế hoạt động rõ ràng; mục đích bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch và phân chia lợi ích công bằng trong cộng đồng. Nhờ đó, các tổ nhóm luôn thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân. Bà Chiên kể: "Vui nhất là mỗi lần họp nhóm, bà con dân bản thật thà chia sẻ với nhau những vui buồn, khó khăn hay tình huống khó xử. Việc đón khách không còn là của riêng một hộ nào mà đó trở thành câu chuyện chung của cả bản, người dân bản Vặt cùng nhau giải quyết một cách hợp lý nhất".
Khôn nguôi hy vọng
Hiện nay, tỷ lệ các hộ dân tham gia vào chuỗi du lịch tại bản Vặt chiếm tới 60% tổng số hộ trong bản. Diện mạo mới về một bản làng sạch đẹp, thân thiện và giàu có về bản sắc đã được xây dựng. Tuy nhiên, đúng lúc đời sống bà con bắt đầu có sự thay đổi tích cực, tinh thần phấn chấn tươi vui thì dịch bệnh bùng phát. Ðể giúp bản Vặt vững tâm vượt qua thách thức, dự án duy trì tư vấn cho người dân về kỹ năng phòng, chống dịch; phát triển các mô hình nông nghiệp; cập nhật thông tin văn hóa, du lịch… để sẵn sàng mọi điều kiện tốt nhất phục vụ du khách khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra, dự án cũng trang bị thêm cho các thành viên du lịch cộng đồng những trang thiết bị phòng, chống dịch như: máy đo nhiệt độ, nước rửa tay… Là bản vùng cao, song hầu hết người dân địa phương đều sử dụng điện thoại thông minh, biết tự chụp ảnh, quay video quảng bá vẻ đẹp quê hương mình. Ðặc biệt, các video mang đậm bản sắc văn hóa như những tiết mục hát bằng tiếng Thái, nghe người già kể chuyện thuở xưa, trẻ em đọc thuộc lòng tục ngữ… luôn thu hút sự tương tác lớn từ du khách, trong đó có nhiều du khách nước ngoài. Cùng với việc tự học ngoại ngữ, khi dân bản tương tác với khách nước ngoài qua mạng xã hội, vốn ngôn ngữ cũng phong phú hơn, bà con thêm tự tin vào khả năng giao tiếp được bồi đắp mỗi ngày.
Lường Thị Hồng Tươi, cô gái người Thái, sinh năm 1992, chủ homestay Hoa Mộc Miên cho biết, thời gian qua là giai đoạn vô cùng khó khăn với hoạt động du lịch cộng đồng tại bản, nhất là khi nhiều hộ gia đình đã bỏ ra khoản kinh phí lớn hoặc phải vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất. Dù vậy, xác định đây là tình trạng chung nên bà con không ai có suy nghĩ tiêu cực. Ngay cả khi du lịch thất thu, mùa màng thất bát, cả bản vẫn động viên nhau: Yếu tố con người là quan trọng nhất, nên càng khó khăn càng phải đoàn kết, đùm bọc nhau hơn.
Những người già ở bản Vặt được con cháu hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, đã lập tài khoản mạng xã hội Facebook, thời gian này các cụ có nhiều thời gian tìm lại khách du lịch từng ghé bản mình. Ngắm những bức ảnh có nụ cười rạng rỡ, những bữa cơm sum vầy, đêm văn nghệ rộn ràng ca hát… mắt người già, người trẻ thêm rưng rưng, lấp lánh niềm nhớ mong, hy vọng. Người dân bản Vặt đang cố gắng hết sức trong sản xuất nông nghiệp. Cả bản cùng nhau lên nương, cấy lúa xanh khắp những cánh đồng. Nhiều hộ gia đình trồng dâu tây, thảo dược, rau, củ, quả… và cũng nhờ mạng xã hội mà việc rao bán, chào mời các đầu mối thu mua thuận lợi hơn. Thời gian qua, dâu tây bản Vặt trở thành quà đặc sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, hương vị tự nhiên, thơm ngon được đóng thùng, gửi theo những chuyến xe về Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Các cô gái Thái cần cù, khéo tay còn làm mứt, si-rô, hoa quả sấy… từ nguồn nguyên liệu tại chỗ của bản, đưa sản phẩm "nhà làm" vươn xa tới các vùng miền.
Thiếu vắng dấu chân du khách, nhưng mỗi tháng vài lần, người dân bản Vặt lại cùng nhau tổng vệ sinh môi trường để đường làng ngõ xóm sạch đẹp, từng hàng hoa, cây cảnh và cây cối trong vườn vẫn được chăm sóc, cắt tỉa cẩn thận. Chính người dân Mộc Châu mỗi dịp đi lễ chùa Vạt Hồng, thấy bản Vặt lúc nào cũng sạch đẹp như sẵn sàng chào đón khách không khỏi xúc động trước ý thức, trách nhiệm cộng đồng mỗi ngày được nâng cao ở mảnh đất còn nhiều gian khó.