Tuy nhiên, thực tế đâu đó vẫn còn những quy định thiếu nhất quán và khá cứng nhắc, tạo cảm giác một số địa phương còn dè dặt với quá trình “mở cửa”, cho dù đây là đòi hỏi bức thiết…
Vận tải khách liên tỉnh… đìu hiu
Bắt đầu từ ngày 13/10, vận tải khách liên tỉnh chính thức thí điểm hoạt động trở lại theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhu cầu đi lại liên tỉnh đang cấp thiết, cả người dân và doanh nghiệp đều rất mong mỏi vận tải khách tuyến cố định được hoạt động trở lại. Các sở GTVT cần chủ động đề xuất với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương, lập phương án để sớm triển khai hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, trước mắt thí điểm một số tuyến dễ đi từ “vùng xanh” đến “vùng xanh” làm trước, sau đó mở dần vận tải.
Có thể nói, sau gần nửa năm tạm dừng, doanh nghiệp vận tải đang mong ngóng từng ngày để hoạt động trở lại và đã sẵn sàng cả về nhân lực, phương tiện. Dù đã có hướng dẫn, song điều doanh nghiệp lo lắng nhất là ở mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau. Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, quan trọng nhất là tính ổn định của các biện pháp phòng, chống dịch. Doanh nghiệp phải chuẩn bị rất công phu nhưng nếu vài hôm có địa phương xuất hiện ca nhiễm, lại “đóng băng” thì doanh nghiệp càng lâm vào cảnh khó khăn.
Đến sáng 13/10, mới có bảy sở GTVT triển khai kế hoạch khôi phục vận tải hành khách cố định liên tỉnh, trong số này, không có TP Hà Nội - trung tâm kết nối vận tải liên tỉnh ở phía bắc. Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất kế hoạch chạy tuyến liên tỉnh đến tám địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên), các địa phương đối lưu đã chấp thuận và đang chờ quyết định chính thức từ TP Hà Nội. Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý mở hết các tuyến trên cơ sở tần suất theo hướng dẫn và hành khách đến TP Hồ Chí Minh phải xét nghiệm, từ TP Hồ Chí Minh đi phải tiêm hai mũi vắc-xin. Các sở GTVT còn lại đang chờ UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch khôi phục các tuyến vận tải hành khách. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhận định, các địa phương cần tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để không còn tình trạng mỗi nơi yêu cầu một khác.
Hiện tại, các quy định của Bộ GTVT đưa ra cơ bản phù hợp, các tỉnh có thể thực hiện được. Các địa phương muốn an toàn trước dịch bệnh nhưng cứ tiếp tục đóng cửa vận tải là trái chỉ đạo của Chính phủ. Hà Nội là trung tâm kết nối vận tải nhưng việc chưa mở cửa đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp cũng như nhu cầu đi lại của người dân. Hà Nội không khôi phục vận tải khách liên tỉnh đồng nghĩa với 70% số tuyến vận tải khách liên tỉnh khu vực phía bắc “đóng băng”, các tuyến hoạt động được đều không phải là tuyến chủ đạo. Vì thế, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động trở lại.
Thực tế ngày đầu hoạt động trở lại, vận tải khách nhiều nơi vẫn đìu hiu, vắng khách. Các bến xe ở Hà Nội như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm vẫn “cửa đóng then cài”. Nhiều hành khách tay xách nách mang ra bến xe thấy đóng cửa đành lủi thủi quay về. Trong khi đó, Bến xe trung tâm Đà Nẵng vào sáng 13/10 vắng tanh. Quầy bán vé cũng thưa vắng khách, cả bến xe chỉ có vài chục đầu xe nằm chờ, khung cảnh không khác gì lúc phong tỏa. Còn tại Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), hiện đã có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động trở lại nhưng đang chờ các địa phương khác chấp thuận, do vậy các quầy bán vé đều đóng cửa.
Đường sắt, hàng không “đắt khách”
Chỉ trong buổi sáng 12/10 mở bán vé trở lại, tàu khách SE7/8 Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đã bán gần hết vé, đường sắt phải lập thêm đôi tàu SE5/6. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, do giãn cách chỗ trên toa ghế ngồi nên lượng vé trên tàu không đầy chỗ, trong khi nhu cầu hành khách vẫn còn, nên VNR quyết định chạy thêm đôi tàu SE5/6 trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.
Tàu SE8 xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 13/10 bán được 240 trên tổng số 302 vé (tương đương 79,4%); tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội ngày 15/10 bán được 247 trên tổng số 302 vé (tương đương 81,78%). Nhiều hành khách đã đăng ký mua vé tàu trong các ngày từ 14 đến 20/10. VNR đã chỉ đạo các đơn vị vận tải đường sắt làm việc với địa phương có ga tàu dừng, đón trả khách để phối hợp đón hành khách và thực hiện các biện pháp phòng dịch của địa phương theo quy định.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh cho biết, trong giai đoạn chạy thí điểm, chi phí chạy tàu tăng cao so bình thường, giá vé không được tăng và chỉ bán 50% số chỗ, ngành đường sắt không đủ bù chi phí. Tuy nhiên, việc khôi phục vận tải là nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, sau giai đoạn thí điểm sẽ điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với hàng không, Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trực tiếp thị sát sân bay Nội Bài chiều 12/10, khi chuyến bay duy nhất trong ngày từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội hạ cánh. Theo Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Tô Tử Hà, các doanh nghiệp hàng không đã thiết lập một “hành lang xanh”, bắt đầu từ “con người xanh” (nhân viên hàng không, hành khách), “phương tiện, hạ tầng xanh” (sân bay, máy bay, các phương tiện chuyên chở) và “quy trình xanh” (hạn chế tối đa tiếp xúc, tuân thủ nghiêm quy trình phòng dịch) trong bối cảnh dịch bệnh.
Đã có gần 99% số lao động ở sân bay được tiêm đủ hai mũi vắc-xin, Nội Bài đã xây dựng cơ sở dữ liệu tiêm chủng của toàn bộ 15.800 nhân viên, mỗi khu vực đều có mã QR đã đồng bộ của ứng dụng PC-Covid. Bên ngoài nhà ga cũng lắp đặt hệ thống kiểm soát nhiệt độ và đeo khẩu trang của hành khách. Sân bay tổ chức trung tâm điều hành tập trung có 2.000 camera giám sát liên tục gửi dữ liệu về, trường hợp hành khách là F0, sẽ nhanh chóng truy vết được các đối tượng liên quan.