Thế nhưng, sau gần ba tháng kể từ ngày chính thức được cấp phép tiến hành nạo vét chỉnh trị dòng chảy, phía đơn vị thi công tiến hành thực hiện công trình thì một số đối tượng quá khích lợi dụng để gây rối trật tự công cộng, cản trở thi công.
Vì sao người dân phản ứng?
Mốc cắm khu vực thi công đi gần bờ sạt lở phía Châu Phong.
Trong hai ngày 20, 21-4, phóng viên đến khu vực triển khai dự án chỉnh trị dòng chảy, chống sạt lở đoạn dài 1,4km tuyến nhánh sông Hậu giáp ranh hai xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) và Châu Phong (thị xã Tân Châu), hai chiếc xáng để múc chất thải đáy sông cho dự án chỉnh trị dòng chảy vẫn im ắng. Công trình đang tạm ngưng lần nữa do một số người dân khu vực xã Vĩnh Trường đã có những phản ứng cho rằng dự án có thể gây ảnh hưởng đến sạt lở về sau.
Ông Trần Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản Minh Thư, đơn vị trúng thầu dự án, cho biết: “Chúng tôi bỏ ra hơn 24 tỷ đồng để thực hiện dự án theo đúng yêu cầu của tỉnh, huyện. Vậy nhưng, từ tháng 1-2018 đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể thi công công trình theo đúng tiến độ. Hai lần khởi công đều gặp phải sự phản ứng từ một vài hộ dân xã Vĩnh Trường. Mới nhất là từ ngày 16 đến 18-4, có vài đối tượng say xỉn dùng cây chuối bơi ra sông để cản trở nên chúng tôi buộc dừng thi công. Phía công ty rất mong chính quyền các cấp hỗ trợ để dự án hoàn thành đúng tiến độ”.
Được sự hỗ trợ của UBND xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, chúng tôi đã tiếp xúc trực tiếp với các hộ dân phản ứng gay gắt với dự án. Chỉ trong vòng chưa đầy năm phút khi phóng viên đến, có khoảng chục hộ đã tập trung về nhà của ông Trương Bửu Thọ (tự Hữu), một trong những người dùng ghe chở các đối tượng gây cản trở thi công và tổ chức cho các đối tượng quá khích ăn nhậu rồi bơi ra sông gây hấn.
Khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khang (ngụ ấp Vĩnh Nghĩa, Vĩnh Trường), tự xưng là người đại diện bà con buộc phóng viên phải xuất trình thẻ nhà báo mới chịu trao đổi, dù trước đó, chính đồng chí Nguyễn Văn On, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường giới thiệu và dẫn chúng tôi đến làm việc. Theo ông Nguyễn Văn Khang, được biết là một giáo viên tại địa phương, nói: “Công trình thi công khi chưa có sự đồng thuận của chúng tôi. Họp dân có vài người, không công khai minh bạch. Đưa gàu múc lớn múc như vậy thì 5 đến 10 năm nữa sạt lở, ai chịu trách nhiệm. Khu vực này nhiều nhà dân, lở sạt bãi bồi nếu lỡ ai chịu trách nhiệm. Yêu cầu của chúng tôi là nếu múc phải có người chịu trách nhiệm. Nhà nước hoặc doanh nghiệp phải bỏ số tiền tương ứng tài sản chúng tôi vô ngân hàng để bồi thường nếu lỡ có sạt lở. Dự án cũng phải minh bạch”.
Theo ông Khang, gia đình ông có đến 6.000 mét vuông đất nằm trong khu vực bãi bồi, trong đó chỉ có 2.000 mét vuông có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang trồng ổi, phần còn lại là bãi bồi tự lấn chiếm.
Bà Phạm Thị Thu Giang, một hộ khác xen ngang gây gắt nói “Ngày 26-10-2017, mấy ông xã có họp dân nhưng chúng tôi không tham gia. Gia đình tôi cha mẹ mới cho diện tích nhỏ đất bãi bồi ra riêng, không có giấy đỏ. Nếu dự án làm tụi tui mất đất thì ai chịu?”.
Bà Nguyễn Thị Nhanh (65 tuổi) nói: “Nhà tui chỉ có cái nền nhà 15x75 m2 thôi. Sống chủ yếu là buôn bán bên thành phố Châu Đốc. Từ bữa triển khai dự án tới giờ xã có mời họp nhưng không dự. Bữa 16-4 nghe múc cát nên tui với con về có phản đối, trong đó con tui quay clip lên mạng xã hội về dự án”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về thông tin dự án, bà Nhanh cũng như nhiều hộ khác không hề nắm được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tổng (sinh năm 1946) người tham gia đầy đủ các buổi họp dân về dự án khẳng định: “Nhà chúng tôi ở sát bờ sông. Nếu múc có nguy cơ sạt lở đất. Với lại múc cát hay chỉnh trị dòng chảy gì đó tụi tui dốt, đâu biết đọc chữ mà thấy lấy cát đi chỗ khác tức là múc cát đem bán. Nếu nói bờ Châu Phong sạt lở thì múc cát bên này đổ luôn bên kia đi. Làm vậy chúng tôi không cản nữa”. Còn bà Nguyễn Thị Thúy trình bày “Chúng tôi ra sông năn nỉ đừng lấy cát. Lấy đâu thì sạt lở đó, trên tivi người ta nói rõ ràng là vậy”. Xen ngang, ông Trương Bửu Thọ, chủ nhà nơi chúng tôi tiếp xúc bà con cho chúng tôi nghe đoạn ghi âm có người ở UBND xã Vĩnh Trường hâm dọa ông với hàm ý có muốn yên ổn làm ăn hay không khi dám cản trở công trình. Tuy nhiên, sau khi phát đoạn ghi âm thì ông Hữu không xác nhận người này đang công tác tại xã, xưng hô với ông Hữu là chú - cháu và cũng không có hành vi đe dọa cá nhân ông trước, sau khi gọi điện thoại.
Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đề nghị bà con giúp phóng viên đi ghi hình, chụp ảnh những khu vực nhà bà con thì tất cả những người phản ứng gay gắt nhất như bà Thu Giang, bà Nguyễn Thị Thúy, bà Nguyễn Thị Biết đều bỏ đi và không dẫn chúng tôi xuống thực địa.
Có minh bạch trước dân?
Sau khi tiếp xúc với người dân phản ứng dự án, hơn 20 phút sau, chúng tôi mới được ông Nguyễn Văn Tổng cùng ông Nguyễn Văn Khang, người tham gia tích cực và cho rằng mình đại diện bà con cũng như có đất, nhà sát mép sông chịu dẫn đi. Theo ông, dự án có họp dân bốn năm cuộc. Trong đó, các cuộc có nói dự án, phía các nhà khoa học (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) có trình bày dự án nhưng theo ông là trình bày khó hiểu và nói dài quá. Khi chúng tôi hỏi, chính quyền địa phương có công khai dự án tại địa phương không, ông Tổng dẫn chúng tôi đến bảng cắm gần nhà ông toàn bộ thông tin về quyết định thực hiện dự án do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi ký đã phai màu. Ông Tổng cho biết, bảng này cắm sau lần họp dân đầu tiên tức 26-10-2017. Gần đó là hai bảng hộp dán đầy đủ thông tin về dự án đều là bản chính mộc đỏ với tất cả các quyết định, nghiên cứu khoa học... về dự án để người dân giám sát. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ông Tổng lẫn ông Nhanh (người yêu cầu chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo) lại quay quắt bảo: “Mấy ổng dán tùm lum mà chúng tôi có biết đọc đâu mà hiểu!”
Trở lại buổi đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân khu vực thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trường, huyện An Phú ngày 25-1-2018, mà phóng viên tham gia, bà Nguyễn Thị Thúy, nói “Sông sâu bên lở bên bồi, nên bên nào được bồi thì được hưởng. Nếu lấy cát bên này thì mất đất, sạt lở ai chịu nên không cho thực hiện dự án hút cát. Mấy ông nói cái của mình còn chúng tôi bảo vệ cái của chúng tôi”. Ông Nguyễn Văn Nhà, có đất bãi bồi, cho rằng “Mấy ông trình bày, dán thông tin gì thì chuyện mấy ông, ai có thể đo được độ sâu mà đơn vị hút cát lấy. Lấy sâu cả 11m để hút cát thì sẽ khiến mất đất là chắc chắn. Do đó, chúng tôi cương quyết không cho hút cát”.
Cấp bách triển khai thi công
Sau khi trao đổi với bà con và chính quyền xã Vĩnh Trường, chúng tôi trở lại khu vực sạt lở tức bờ phía Châu Phong, gia đình cụ Đỗ Văn Nghĩa, 85 tuổi, và cụ Võ Thị Thạnh, 80 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong nói “Gia đình tôi đã ở đây từ đời ông cố tôi đến giờ cả trăm mấy năm, thì chỉ trong vòng hai mấy năm qua, sạt lở rất nghiêm trọng. Nhà dời bốn lần, con đường mấy chú đang chạy xe là đường thét (đường trong ruộng để chuyển nông sản) cách bờ sông trước đây cả năm công đất chiều dài (tức 500m), giờ tất cả đã xuống sông hết trơn. Trong khi đó, phía bên kia cồn Vĩnh Trường đâu có nhà cửa gì đâu, mấy hộ mà ôm cây chuối, chạy xuồng ra phản đối việc chỉnh trị dòng chảy đâu có nhà cửa. Xóm dừa là mấy hộ sống trên sông mua bán dừa chợ nổi Châu Đốc, chiếm đất cồn rồi cất nhà, sinh sống chứ đâu phải dân cố cựu. Sông sâu lở bồi nhưng đâu thể lở hoài mà không xử lý. Phải hài hòa hai bên mới được”.
Ông Vương Văn Bạc (61 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lợi 2), dẫn chúng tôi xuống phía bờ đang sạt lở cũng chính vị trí hai chiếc xáng của dự án chỉnh trị dòng chảy đang dừng thi công, bức xúc: “Đây chính là nền nhà thứ 3 của tui mới lở năm rồi phải chạy sạt vô tuốt trong ruộng cất cái thứ tư. Tất cả bà con ở đây chạy từ bến phà Châu Giang lên năm, sáu cây số sạt hết trơn. Còn bên kia sông thì bồi ra hằng trăm mét. Gia đình vợ tui ở bên kia cũng có nhà nên tui biết rất rõ. Năm 1998, khi đất bồi ra quá lớn, Nhà nước mới cắm mốc để xác định đất trước và sau bồi lắng, nhưng giờ cột còn mà mấy hộ cứ lấn ra đất bồi rồi nói đất mình. Đất bồi ngay sau nhà vợ tui đã dài hơn trăm mét kể từ mé nước tới cột mốc nhà nước cắm. Vậy nói sợ lở sau này mà không cho công trình người ta thi công có đúng không? Là người dân với nhau, bên này đang khốn đốn từng ngày, từng giờ do sạt lở mấy chục năm qua, bà con bên đó có hiểu cho chúng tôi. Chúng tôi bức xúc lắm rồi, bà con ở bên Châu Phong thống nhất nếu mấy người bên Vĩnh Trường còn ngăn cản, chúng tôi sẽ chạy ghe ra bảo vệ ngược lại cho mấy chú công trình luôn”.
Theo ông Phạm Văn Mạnh, Trưởng ấp Vĩnh Lợi 2 cho biết, “Ấp Vĩnh Lợi hiện quản lý gần 500 hộ sạt lở di dời vô khu cụm tuyến dân cư mới, còn hằng trăm hộ khác tự di dời hoặc ở tạm do chưa thể bố trí nền. Nhà ở đây có cả Bí thư Thị xã Tân Châu trước cách mé sông cả 300 mét giờ cũng rớt luôn xuống sông phải di dời vô cụm tuyến nên bức xúc lắm khi có vài hộ xóm dừa cứ ngăn cản công trình”.
Được biết, tất cả các hộ chống đối dự án đều nằm khu vực Xóm dừa, phần lớn là lấn chiếm đất bãi bồi, chưa, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng các hộ dân có đầy đủ giấy tờ sở hữu quyền sử dụng đất đều đồng thuận cao với dự án và ký với chính quyền địa phương thống nhất về chủ trương chỉnh trị dòng chảy.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Vũ, đơn vị thi công công trình cho biết “Theo thiết kế, chúng tôi cắm mốc cột tiêu cách mép nước phía Vĩnh Trường 60 đến 80 mét, nhưng để bảo đảm an toàn, chúng tôi xin ý kiến Sở Tài nguyên - Môi trường và đơn vị giám sát cho đã cắm cộc lên đến 100 -150m cách bờ. Tuy vậy, người dân phía Vĩnh Trường không chịu đo mà cứ phỏng đoán chỉ vài chục mét nói chúng tôi ăn gian, thi công đúng thời gian cũng không chịu. Chúng tôi tha thiết mong các ngành hữu quan sớm triển khai các biện pháp giúp chúng tôi thực hiện dự án đúng tiến độ”.
Ông Nguyễn Văn On, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường nói “Chúng tôi với vai trò cấp xã đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện và ngành chức năng trình bày đầy đủ dự án từ lúc đầu tới giờ, nhưng bà con không chịu nghe, chủ yếu thuộc khu vực xóm dừa chỉ chưa đầy chục hộ. Dự án dài 1,4km chạy từ giữa đến cuối đuôi cồn nhưng chỉ khoảng trăm mét khu vực xóm dừa làm có vài ba hộ kích động chống đối. Căng thẳng nhất là hai ngày 16, 17-4 vừa qua. Thông tin rà soát về các đối tượng trên cũng được lực lượng chức năng nắm danh sách và tiếp tục vận động, thuyết phục nhằm giúp bà con hiểu chứ chưa xử dụng biện pháp hành chính xử lý”.
Còn theo lãnh đạo Công an huyện An Phú, lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở hỗ trợ đơn vị thi công và nắm danh sách các đối tượng, hạn chế các hành động quá khích. UBND tỉnh An Giang cũng sẽ tiến hành xem xét toàn thể vụ việc để chỉ đạo tiến hành các biện pháp tiếp theo nhằm sớm thi công trở lại dự án.
Một công trình thủy lợi có ý nghĩa vô cùng cấp bách không thể chỉ vì vài cá nhân chống đối, kích động mà chậm triển khai. Trong khi đó, chủ trương cũng như thủ tục dự án và phần diện tích đất lan bồi có thể ảnh hưởng nếu có khi thực hiện dự án là thuộc phạm vi nhà nước quản lý thì không thể nào phải trì trệ vì vài hộ tự cho mình quyền chủ sở hữu. Không chỉ thế, bờ phía đối diện đã đang phải gồng mình chống sạt lở diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, nhất là thời điểm hiện tại đang vào cao điểm sạt lở đất ven sông hằng năm. Rất mong, với sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ tỉnh đến cơ sở phải sớm khắc chế được các đối tượng chống đối, đồng thời triển khai dự án và phòng tránh nguy cơ xung đột của chính bà con hai bờ tả hữu dự án nhằm bảo vệ lợi ích của mình.