Diễn viên, NSƯT Trung Anh:

“Tôi yêu vai lính”

Ông Thập - đội trưởng du kích năm xưa, giờ đã là một già làng ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn giữ thái độ cực đoan đến mức gàn dở, khi ôm ấp mãi mối hận thù quá khứ. Đó cũng là vai diễn cực kỳ ấn tượng, tới mức gây ám ảnh của NSƯT Trung Anh, trong bộ phim mới “Những đứa con của làng”. Không thể đưa ra một con số, dù chỉ là ước lượng, những nhân vật người lính anh từng hóa thân trên cả màn ảnh lớn lẫn nhỏ, người diễn viên sở hữu gương mặt khắc khổ trầm ngâm: “Dường như tôi rất có duyên đóng lính!”.

Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ông Thập đã để lại cho tôi những cảm xúc rất mạnh, từ tạo hình gương mặt đầy biểu cảm, dáng đi khập khiễng của một cựu chiến binh mang chân giả đến đa chiều những cung bậc cảm xúc dồn nén, bung phá được thể hiện vô cùng thuyết phục theo suốt mạch phim. Có cảm giác, nhân vật này được “đo ni đóng giày” cho riêng anh vậy?

Lần đầu đọc kịch bản, tôi đã thấy mê. Một nhân vật quá nhiều đất diễn, với đời sống tâm lý phức tạp, luôn chịu sự giằng xé trong những mâu thuẫn nội tâm tưởng như không thể giải quyết. Tôi vốn người miền trung, sinh ra ở miền quê Đức Thọ (Hà Tĩnh). Nhưng sau một trận bom thảm khốc cướp đi cùng lúc ba người thân yêu nhất (mẹ, dì và chị ruột), tôi - thằng bé loắt choắt đang phải gánh chịu nỗi đau quá lớn đã đi bộ, vượt quãng đường 400 km ra Hà Nội với bố và hai anh trai. Từ ngày đó, mảnh đất quê hương chỉ còn là ký ức xa mờ. Vì thế, hóa thân một ông già, vốn hơn tôi ngoài đời xấp xỉ hai chục tuổi, cả quãng đời dằng dặc được nắng lửa, gió cát miền Trung trui rèn, tôi luyện đến sắt lại là một thử thách lớn, không chỉ ở khâu định trang, tạo hình nhân vật bên ngoài. Ba tháng trời trước khi bấm máy, tôi chỉ tập trung vào việc cuốn thuốc lá để hút, mua bao chân bịt lại để tạo dáng đi khập khiễng, sao cho động tác vấn thuốc, kiểu di chuyển đặc trưng ấy trở thành một phần không thể thiếu của bản thân, để khi đóng phim không còn bị phân tâm vào những tiểu tiết bên ngoài. Rảnh rỗi lúc nào là tôi dành cho việc ngẫm nghĩ, mổ xẻ tâm lý nhân vật để tìm hướng thể hiện trong từng cú máy, trường đoạn.

Những đứa con của làng là bộ phim kinh phí thấp, lại phải ghi hình tại Quảng Trị đúng thời gian nắng nóng nhất của năm nên cả ê kíp phải làm việc trong điều kiện gian khổ. Thế nhưng, tôi vẫn yêu cầu đạo diễn cho mình được vào trước một tuần, được hóa trang mỗi ngày ngay tại bối cảnh sắp quay để có thể cảm nhận trọn vẹn và chuyển tải chính xác từng nhịp đập dữ dội, khắc nghiệt của mảnh đất ấy. Gương mặt tôi vốn dĩ đã luôn khắc khổ, xương xẩu. Vậy mà tôi còn ép mình giảm thêm hai cân, nói “không” tuyệt đối với những bữa ăn bồi dưỡng ban đêm của đoàn phim để “ông Thập” có được vóc dáng gầy guộc như ý. Bạn có thể nghĩ tôi may mắn, vì sở hữu ngoại hình tương đồng với nhân vật. Nhưng trong thực tế, như bạn vừa nghe đấy, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều.

Chúng tôi đã có mấy năm trời hít thở không khí thời chiến nơi địa đầu Móng Cái nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đã từng trải qua cảm giác sợ hãi khi lần đầu lên chốt, khi lần đầu nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết sao quá đỗi mong manh.

Nhiều đạo diễn từng cộng tác với Trung Anh đều có chung một nhận xét: chuyên nghiệp, kỷ luật, không nề hà khó khăn, gian khổ, luôn làm hết sức mình để đạt được kết quả cao nhất cho vai diễn. Những phẩm chất ấy có vẻ gần với một người lính hơn một diễn viên, anh có đồng ý với tôi?

Công chúng biết đến và yêu thương tôi qua những vai diễn lành hiền, cơ cực, những người tốt nhưng phải chịu bất hạnh, thiệt thòi. Nhưng rất ít khán giả biết, tôi cũng đã từng có thời gian nhập ngũ và làm một người lính thật sự. Bạn biết đấy, tôi từng là học viên khóa một của lớp đào tạo diễn viên do Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức. Tôi cùng ba bạn đồng khóa: Trọng Trinh, Quốc Khánh, Đỗ Kỷ nhận được giấy gọi nhập ngũ khi còn đang làm bài thi tốt nghiệp. Vậy là bộ tứ chúng tôi lên đường, khi vừa nhận tấm bằng diễn viên. Hụt hẫng, lo lắng, không biết có thể vượt qua khó khăn được không là những cảm xúc lẫn lộn của tôi, khi khoác lên mình mầu xanh áo lính. Nhưng sau này nhìn lại, tôi luôn trân trọng, biết ơn những trải nghiệm vô giá ấy. Đó chính là hành trang vô cùng cần thiết cho công việc diễn xuất, để có được hình tượng người lính chân thực nhất. Đến giờ này, tôi vẫn có cảm giác gờn gợn, khi gặp phải một anh bộ đội trên phim không biết cầm khẩu súng cho đúng cách.

Đời bộ đội của chúng tôi có chút đặc biệt hơn đồng đội ngày ấy, khi chưa một lần trực tiếp chiến đấu, chưa một lần mặt đối mặt với kẻ thù. Bởi sau thời gian huấn luyện, chúng tôi được phân về lực lượng vệ binh sư đoàn, rồi tham gia hội diễn các cấp, rồi đóng phim. Nhưng chúng tôi đã có mấy năm trời hít thở không khí thời chiến nơi địa đầu Móng Cái nóng bỏng của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, đã từng trải qua cảm giác sợ hãi khi lần đầu lên chốt, khi lần đầu nhận ra ranh giới giữa sự sống và cái chết sao quá đỗi mong manh. Tôi luôn nhớ khẩu hiệu xuất hiện ở mọi nơi trong doanh trại: “Kỷ luật là sức mạnh quân đội”. Nghe rất đỗi đơn giản mà tận tới lúc ra quân, tôi mới thật sự hiểu thấu đáo.

“Tôi yêu vai lính” ảnh 1

Diễn viên Trung Anh trong vai ông Thập, phim Những đứa con của làng.

Ngay từ đầu cuộc trò chuyện, anh bảo không thể nhớ đã hóa thân làm người lính bao nhiêu lần trên sàn diễn và trước ống kính. Nhưng chắc phải có những ký ức không thể quên, thí dụ như vai diễn đầu tiên chẳng hạn?

Nhập ngũ được một thời gian, cả bốn chúng tôi nhận được lời mời đóng phim Trừng phạt của nữ đạo diễn Bạch Diệp. Lần đầu, phía quân đội từ chối trợ lý đạo diễn Lân Bích, anh phải lặn lội lên biên giới lần nữa, các cấp chỉ huy mới đồng ý cho bốn chàng tân binh ra Huế “đóng đô” ba tháng làm phim. Vai thứ chính, chỉ dừng ở mức tròn vai nhưng đó là một khởi đầu tốt đẹp cho mối duyên đóng lính sau này của tôi.

Vậy vai diễn nào để lại cho anh nhiều ấn tượng khó quên nhất?

Tôi thích nhân vật chỉ huy phó của đơn vị, trong trận chiến cam go giành giật một cây cầu tại thành phố Nha Trang ở bộ phim Đồng đội. Để có được chiến thắng cuối cùng, anh ấy phải chứng kiến người bạn thân nhất cùng cô gái mình yêu tha thiết lần lượt hy sinh. Tôi đã đưa vào phim cảm xúc run rẩy, sợ hãi khi lần đầu lên chốt mà mình từng trải qua. Bởi tôi nghĩ bộ đội cũng chỉ là những con người rất đỗi bình thường, họ không thể lao vào chỗ bom đạn như thể những cỗ máy không cảm xúc. Đạo diễn Hà Sơn thích cách xử lý ấy, vì chính anh cũng từng nhiều năm là lính đặc công. Nhưng khi phim công chiếu, đây cũng là trường đoạn gây khá nhiều tranh cãi, bởi nếp nghĩ phim về người lính phải đặt nặng âm hưởng anh hùng ca, anh bộ đội không thể tồn tại một phút giây yếu đuối.

Nhiều khán giả vẫn gọi Trung Anh là Chữ “điên”, dù vai diễn trong phim truyền hình hai tập Mê lộ ấy chỉ phát sóng duy nhất một lần. Có vẻ trong trí nhớ công chúng, đó là vai diễn thành công nhất của anh?

Tôi nghĩ, họ nhớ lâu vì nhân vật ấy khá lạ. Một người lính bước ra khỏi cuộc chiến với căn bệnh thần kinh vì sang chấn tâm lý. Một người đàn ông đã nhiều tuổi vẫn đeo ống bơ, vác gậy, hô xung phong suốt ngày trong ánh mắt xót xa của bà mẹ già nua, đau khổ. Tôi nhớ tạo hình khủng khiếp của mình đã khiến một người điên ở chợ Sét, Sơn Tây (nơi đoàn làm phim nghỉ chân) còn lân la ngồi cạnh, làm quen và xin điếu thuốc hút cùng. Đóng vai người tâm thần mà được một người trong số họ chấp nhận, hạnh phúc vô cùng, bạn ạ.

Trân trọng cảm ơn anh về cuộc chuyện trò thú vị này. Mong và chúc anh tiếp tục gặt hái thành công trong những nhân vật người lính kế tiếp.

NSƯT Trung Anh đã gắn bó với Nhà hát kịch Việt Nam 30 năm nay, trong vai trò diễn viên.

Từng tham gia diễn xuất và lồng tiếng cho rất nhiều bộ phim điện ảnh, phim truyền hình.

Anh được đánh giá là diễn viên “gạo cội” của làng nghệ thuật phía bắc, là gương mặt đầu tiên mà các đạo diễn luôn nhớ tới khi kịch bản có một nhân vật khắc khổ, giàu đức hy sinh, phải trải qua những diễn biến nội tâm phức tạp.