Kể từ khi xuất hiện, vấn đề Biển Đông (ở đây chỉ xét trên phương diện tranh chấp chủ quyền giữa một số thành viên ASEAN với Trung Quốc) luôn khiến các thành viên ASEAN khó xử. Trong phạm vi nội khối, do chỉ có 4/10 thành viên của ASEAN, gồm: Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam là có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, số thành viên còn lại, nhất là những quốc gia có rất ít lợi ích liên quan tới Biển Đông, dĩ nhiên không muốn bị ràng buộc vào vấn đề hết sức phức tạp này, nên hiếm khi các thành viên đạt được sự đồng thuận, cho dù chỉ là về việc đưa một thông tin nào đó về thực trạng tranh chấp trên Biển Đông vào một văn kiện chính thức.Thậm chí, nhiều lúc vấn đề Biển Đông còn là trở ngại đối với tiến trình gắn kết nội khối.
Đơn cử như vào năm 2012, sự khác biệt quan điểm về vấn đề Biển Đông đã khiến AMM 45 (tổ chức tại Phnompenh, Campuchia), lần đầu tiên sau 45 năm, đã không đưa ra được thông cáo chung. Vấn đề Biển Đông còn khiến ASEAN gặp khó hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Xét về tương quan lực lượng cũng như mức độ gắn kết lợi ích khác nhau giữa các thành viên ASEAN với Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc luôn chỉ chấp nhận đàm phán song phương, trực tiếp với từng bên liên quan, thì trong ASEAN, việc tồn tại tâm lý e ngại va chạm với Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Có lẽ, vì thế mà với những nội dung liên quan tới Trung Quốc, ASEAN luôn sử dụng những ngôn từ ngoại giao, tránh đề cập trực tiếp.
Ngay như chính trong thông cáo chung của AMM 48, khi đề cập tới những thay đổi của tình hình hiện tại trên Biển Đông có liên quan rất rõ ràng tới Trung Quốc, bản thông cáo cũng chỉ ghi: “Chúng tôi thảo luận sâu rộng các vấn đề về Biển Đông và tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các diễn biến gần đây và đang diễn ra ở khu vực này. Chúng tôi ghi nhận quan ngại sâu sắc của một số bộ trưởng đối với việc tôn tạo, bồi đắp ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng và có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
Chính cái sự "khó xử" này đã khiến cho quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông hầu như chưa đem đến một kết quả khả quan nào. Thực tế bi quan tới mức, chỉ cần vấn đề Biển Đông được đưa vào chương trình nghị sự của các Hội nghị ASEAN cũng đã được coi là thành công. Chính vì thế, cho đến nay, việc ký được với Trung Quốc "Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC được ký vào năm 2002) vẫn là thành công đáng kể nhất của ASEAN. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc như từ việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông đến đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động tôn tạo, bồi đắp các đảo đá chìm đang làm biến dạng nguyên trạng của Biển Đông…cho thấy, DOC vẫn chỉ là một văn bản mang tính tượng trưng cho chủ trương của ASEAN muốn thông qua đối thoại để giải quyết tranh chấp. Trong hơn thập kỷ qua, những nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), văn kiện có tính ràng buộc pháp lý cao hơn DOC, thì mãi vẫn chỉ đang dừng lại ở mức tham vấn.
Hệ quả khó tránh là tính đến thời điểm hiện tại, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã trượt dài tới giới hạn buộc ASEAN không thể né tránh.
Trước hết, khi quá trình bồi đắp, tôn tạo các đảo đá chìm hoàn tất, không những không gian triển khai lệnh cấm đánh bắt cá sẽ mở rộng, mà hoạt động của ngư dân Trung Quốc chắc cũng sẽ theo đó mà tràn ngập ngư trường truyền thống không chỉ của bốn thành viên có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc. Hơn thế, để khẳng định chủ quyền, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) như đã làm tại biển Hoa Đông.Vụ máy bay QV916 của Hãng hàng không Lào bị chặn (ngày 25-7-2015) khi bay vào vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập hồi tháng 11-2013 thực sự là tín hiệu SOS đối với ASEAN. Điều đáng quan ngại hơn cả, liệu Trung Quốc có dừng sau khi “dự án đường chín đoạn” thành công?
Hơn nữa, giờ đây, vấn đề Biển Đông đã trở nên quá phổ biến trong cộng đồng quốc tế.Trong thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo quốc tế đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới khiến Biển Đông bỗng trở thành một trong những điểm nóng cần được ưu tiên giải quyết. Đơn giản bởi nhiều nước lo ngại, vấn đề Biển Đông đe dọa tới an ninh, an toàn hàng hải, hàng không quốc tế. Tất nhiên, sức ép của cộng đồng quốc tế không chỉ đối với riêng ASEAN mà cả với Trung Quốc.
Cuối cùng, nếu ASEAN vẫn cứ tiếp tục hành động như cũ thì sự trì trệ trong tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ đến Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào cuối năm 2015 này. Vấn đề Biển Đông giờ thực sự trở thành liều thuốc thử đối với sự gắn kết của ASEAN.
Như vậy, việc ASEAN cần phải đi tìm một hướng giải quyết mới cho vấn đề Biển Đông đã trở nên rõ ràng và cấp thiết. Điều này còn được thúc đẩy bởi chính từ phía Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế đang sa sút, Trung Quốc cũng khó có thể làm ngơ trước sức ép của cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, chính Trung Quốc cũng đang rất cần thị trường ASEAN cho quá trình “phục hưng Trung Hoa”.
Thực tế của tình hình Biển Đông trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân cốt lõi của sự bế tắc trong quá trình đối thoại ASEAN - Trung Quốc chính là vấn đề chủ quyền. Đơn cử như khi tiến hành việc cải tạo các đảo đá ngầm trên Biển Đông, dường như phía Trung Quốc không quá bận tâm phản ứng của bên ngoài, bởi ngang nhiên cho rằng những đảo đá ngầm này nằm trên phạm vi đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Ngược lại, ASEAN cho rằng, đường chín đoạn là thiếu tính pháp lý và vì thế hành động bồi đắp các đảo đá ngầm làm thay đổi nguyên trạng của vùng tranh chấp là vi phạm Công ước luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982), đương nhiên cũng đi ngược lại tinh thần DOC.
Như vậy, để có được lời giải cho vấn đề Biển Đông, việc làm đầu tiên của ASEAN phải là yêu cầu Trung Quốc minh chứng chủ quyền của họ trên Biển Đông. Đây không phải là điều các thành viên ASEAN chưa nghĩ đến. Khi cơ chế song phương rõ ràng đã thất bại, đã đến lúc ASEAN cần thuyết phục Trung Quốc chấp nhận một cơ chế quốc tế để bảo đảm tính khách quan, thí dụ như trọng tài quốc tế hoặc một cơ chế phối hợp ASEAN - Trung Quốc.
Dù biết là khó, nhưng việc làm này cũng là dịp để kiểm chứng sự chân thành của các bên về mong muốn giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình, mong muốn có sự an toàn và thịnh vượng tại khu vực.