Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày các tham luận, ý kiến nhằm tập trung làm rõ quá trình hình thành, phát triển đô thị cổ Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ qua các thời kỳ lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, Hội An là một thương cảng lớn, có tính chất quốc tế, có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XVI-XVIII.
Hội thảo lần này đã làm rõ các khái niệm, lý luận về kinh tế biển; hoạt động các trung tâm kinh tế trên các tuyến hải thương khu vực, quốc tế; vị trí đầu mối, chuyển giao kinh tế của Hội An và các thương cảng Nam Trung Bộ.
Đáng nói, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nêu bật những đặc trưng về văn hóa-xã hội của Hội An, xứ Quảng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ; hệ thống tri thức biển, truyền thống văn hóa biển; chiều sâu, tính đa dạng, xu thế phát triển của các không gian văn hóa biển...
Cũng tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá liên quan đến thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng vùng Nam Trung Bộ.
Một số nghiên cứu chỉ ra vai trò của đô thị cảng quốc tế Faifo - Hội An, nơi đây được cho là “Khu kinh tế đặc biệt” thời Chúa Nguyễn, mối quan hệ thương mại của thương cảng Hội An với Bồ Đào Nha (thế kỷ XVI-XVII).
Các chứng cứ khoa học còn cho thấy thương cảng Hội An trong mối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tộc người ở Trường Sơn-Tây Nguyên, thương cảng cổ Cù Mông ở Phú Yên, công xưởng và thuyền truyền thống của vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong hoạt động thương mại cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX, giao lưu văn hóa Việt-Chăm ở miền trung Việt Nam.
Hội thảo lần này đã góp phần nhận diện, làm sáng tỏ và khẳng định tiềm năng kinh tế, văn hóa, vị thế, vai trò của thương cảng Hội An và hệ thống thương cảng Nam Trung Bộ, hướng đến một nhận thức ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn về hoạt động, phạm vi ảnh hưởng của hệ thống thương cảng miền trung Việt Nam trong mối liên hệ vùng, liên vùng và liên Á.