Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện rõ vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội bằng những cách làm sáng tạo, trúng, đúng, hiệu quả, đã khơi dậy và phát huy vai trò nông dân; lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt chung tay cùng tỉnh xây dựng nông thôn mới và người nông dân đã khẳng định vai trò chủ thể trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nông dân là chủ thể
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được các phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua các phong trào, hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được người dân hiến tặng để làm các công trình giao thông, nhà văn hóa; hàng trăm nghìn ngày công được các lực lượng quân đội, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp; hàng trăm tỷ đồng được huy động để hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, xây mới nhà vệ sinh, đường bê-tông liên thôn, kênh mương nội đồng, tu sửa nhà văn hóa, trạm y tế.
Huyện Tiên Yên xác định lấy mục tiêu phát triển khai về lượng làm trọng tâm và lấy phát triển về chất làm then chốt thông qua nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn được triển khai rất bài bản, sáng tạo. Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, người dân là nội lực và là chủ thể xuyên suốt, hướng đến mục tiêu mọi người dân phải được hưởng những thành quả, trái ngọt từ chương trình nông thôn mới.
Bài học kinh nghiệm lớn nhất mà huyện Tiên Yên có được trong xây dựng nông thôn mới là, đã hội tụ sức mạnh đoàn kết, ý Đảng và lòng dân chung tay xây dựng nông thôn mới; từ đó huy động hiệu quả mọi nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện.
Anh Lý Văn Thắng ở thôn Hợp Thành, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên chia sẻ: Năm 2022, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình chăn nuôi gà. Với sự quan tâm và hỗ trợ về kỹ thuật, đàn gà của gia đình phát triển tốt và mang lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Đến nay, tôi đã hoàn trả vốn vay cho Quỹ và đang có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi thêm khoảng 2.000 đến 3.000 con gà thương phẩm.
Là một trong nhiều hộ dân đã thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nhỏ lẻ sang tập trung, ông Triệu Đức Sinh ở thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Gia đình tôi đã cải tạo lại gần một ha đất rừng để trồng cây dược liệu cát sâm. Đây là loại cây rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng cho nên sinh trưởng tốt, khi thu hoạch mỗi gốc sẽ đạt từ năm đến sáu kg. Như vậy, sau bốn đến năm năm tính theo giá thị trường như hiện nay là 180 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu hoạch được hơn 1,5 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đỗ Ngọc Nam cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, việc làm cụ thể, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, làm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc. Cán bộ, hội viên nông dân đã nhận thức rõ vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Tinh thần và ý thức trách nhiệm làm chủ của nông dân được nâng cao, là tiền đề cho sự tham gia đóng góp của hội viên nông dân và cộng đồng dân cư, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về xây dựng nông thôn mới.
Khẳng định vai trò cầu nối
Để giúp nông dân phát triển sản xuất, tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp liên kết với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học thực hiện kết nối thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, tình hình dịch, bệnh cây trồng, vật nuôi; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân khai thác thông tin về thị trường, giá cả, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy; tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; hướng dẫn cách thức lập kế hoạch kinh doanh, marketing, kỹ năng đàm phán, thương lượng, ký kết hợp đồng thương mại; hỗ trợ nông dân tham gia các hội chợ OCOP, Festival nông nghiệp, triển lãm vật tư nông nghiệp, với hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ.
Anh Triệu Quay Phúc, ở thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết: Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã mạnh dạn thay đổi mô hình kinh tế, đồng thời được hội nông dân tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay 100 triệu đồng để chuyển đổi 15 ha trồng keo sang trồng quế, nâng cao thu nhập. Nhà nước cũng đầu tư đường giao thông thuận lợi, cho nên thương lái đến tận rừng thu mua, vận chuyển quế; trung bình mỗi vụ quế, gia đình tôi thu về 300 triệu đồng.
Kinh tế và tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn được đổi mới, phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 80 triệu đồng/năm/người, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2015; công tác môi trường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn đã được chú trọng triển khai thực hiện, nhiều vùng nông thôn đã trở thành miền quê đáng sống.
Bài học lấy dân làm gốc, lấy nông dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh Quảng Ninh vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất cho đến xây dựng chuỗi liên kết các vùng, miền, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng công nghệ cao ở các địa phương.
Những thành quả có được từ xây dựng nông thôn mới hôm nay đều được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của người dân và họ chính là cầu nối quan trọng góp phần làm nên thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh.