Vai trò của phụ nữ trong phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội

Thời gian qua, với việc thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 01/TW giữa Bộ Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội (TNXH)” đã khẳng định được vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng trong các công tác phối hợp của hai ngành. Đồng thời, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của phụ nữ trong quản lý, giáo dục, hướng dẫn con em, người thân của mình tham gia cùng cộng đồng trong giáo dục thanh, thiếu niên, phòng ngừa tội phạm và TNXH.

Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5 (TP Hồ Chí Minh) tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5 (TP Hồ Chí Minh) tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống tệ nạn xã hội.

Những hoạt động phối hợp giữa công an và phụ nữ xuất phát từ góc độ gia đình, lấy gia đình là nền tảng bền vững nuôi dưỡng, rèn luyện nhân cách con người và bảo vệ các thành viên trước các loại tội phạm và TNXH. Trong quá trình triển khai Nghị quyết, hai ngành đã bổ sung, điều chỉnh, phát triển, mở rộng cả về đối tượng từ quản lý, giáo dục con em trong giai đoạn trước năm 2012 phát triển thành quản lý, giáo dục người thân; từ phối hợp tuyên truyền trong cộng đồng tới giáo dục nữ phạm nhân đang chấp hành án; cách thức phối hợp ở từng cấp đều có sự đổi mới với nhiều mô hình dựa vào cộng đồng. Từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết đã có nhiều đổi mới về công tác chỉ đạo, nội dung, hình thức triển khai, hướng tới hoạt động thực chất, đi vào chiều sâu, quan tâm trực tiếp các đối tượng đặc thù cần thay đổi hành vi. Các hoạt động từ tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi của các đối tượng nguy cơ cao cho đến công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần hạn chế tội phạm và TNXH trong cộng đồng đều đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
 
 Xác định công tác “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và TNXH” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội, Hội LHPN quận 5 (TP Hồ Chí Minh) đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm nhằm giúp các cơ sở Hội triển khai hiệu quả, trong đó nổi bật là phong trào “Mỗi hội viên phụ nữ là một trợ thủ đắc lực cho công an”. Theo đó, Hội LHPN quận đã phát hành 9.000 móc khóa “An ninh trật tự” và hơn 50 nghìn tờ “thông tin cần thiết” có số điện thoại của UBND, công an phường, công an phụ trách hình sự… để cấp phát cho từng hộ gia đình hội viên phụ nữ, dán tại điện thoại bàn, nơi dễ thấy để kịp thời thông tin những dấu hiệu nghi vấn về hoạt động của tội phạm cho lực lượng công an. Đồng thời, Hội LHPN quận cũng đã phát huy hiệu quả Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phòng, chống TNXH”. Chị Trần Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN quận 5 cho biết: “CLB được thành lập tại 15 phường với hơn 260 gia đình, 835 thành viên, trong đó tất cả các CLB có cơ cấu thành viên ban chủ nhiệm là công an tham gia. Đây được xem là lực lượng nòng cốt cùng với địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống TNXH ngay tại gia đình. Tùy vào tình hình, đặc thù của mỗi phường mà từng CLB có nhiều hoạt động phù hợp, như: Tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và TNXH, kiến thức phòng, chống mua bán người, phòng, chống bạo hành, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em...”.
 
 Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người (nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái), xâm hại trẻ em, bạo lực, bạo hành với phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp. Mặc dù được kiềm chế xong luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát hình sự luôn phối hợp chặt chẽ các cấp hội phụ nữ trong việc xác minh, tiếp nhận và giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về; phối hợp “Ngôi nhà bình yên” của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) và hội phụ nữ các địa phương trong tiếp nhận, hỗ trợ, tạm lánh cho hàng trăm lượt phụ nữ, trẻ em mỗi năm dưới các hình thức trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tâm lý; phối hợp cùng cơ quan điều tra ổn định tâm lý cho nạn nhân, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho họ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Trong đó, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã chỉ đạo, phối hợp phòng cảnh sát hình sự công an địa phương triển khai mô hình phòng điều tra thân thiện tại 18 địa phương, cùng với các cơ quan chức năng, trong đó có các cấp hội phụ nữ áp dụng các biện pháp điều tra thân thiện với các nạn nhân là phụ nữ bị mua bán người và người dưới 18 tuổi là nạn nhân, nhân chứng, người vi phạm pháp luật trong các vụ án, vụ việc.
 
 Trung tá Trần Thị Thanh Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Tội phạm xâm hại phụ nữ và trẻ em sẽ còn diễn biến phức tạp và gia tăng nếu nơi lỏng công tác phòng ngừa và đấu tranh. Do đó, thời gian tới, cần nâng cao sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát hình sự với các cấp Hội phụ nữ, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, tập trung vào các nhà trường, nhóm phụ nữ và trẻ em, địa bàn có nguy cơ cao; luôn đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và các em có kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình và có ý thức, trách nhiệm tố giác tội phạm.
 
 Kết quả đạt được là nhờ công tác phối hợp toàn diện mọi mặt, song nổi bật và hiệu quả hơn cả là đã xây dựng được các mô hình phụ nữ tự quản, tham gia phòng chống tội phạm. Từ những mô hình, CLB, các tổ nhóm giữ gìn an ninh trật tự đến những hoạt động bổ trợ kiến thức cho đối tượng hội viên, phụ nữ và người thân đã được duy trì ở nhiều nơi trong cả nước. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các tỉnh đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ đối tượng sau khi chấp hành án và tù trở về, nhất là đối tượng phụ nữ trở về để họ có thể hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ về sinh kế, hoạt động tư vấn tâm lý. Chị Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng thời gian tới, NQLT 01 sẽ có sức lan tỏa hơn nữa, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trở thành những điểm sáng tích cực, từ chính từng ngôi nhà, mái ấm, thôn xóm, bản làng, ngõ phố và trở thành điểm tựa bình yên vững chắc cho hạnh phúc của nhân dân”.