Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Uy tín phải là kết quả rèn luyện bền bỉ của bản thân mỗi người

Trong năm 2023, các ngành, địa phương tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu mà đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Uy tín phải là kết quả rèn luyện bền bỉ của bản thân mỗi người

Cùng với đó, các ngành, địa phương thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Theo đó, mức độ tín nhiệm được ghi nhận dựa trên các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ tới thời điểm lấy phiếu).

Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm là một nội dung quan trọng trong công tác đánh giá cán bộ, không chỉ đánh giá toàn diện người cán bộ, mà qua đó có thể thấy được uy tín của người đó trong cơ quan, đơn vị nơi công tác, là điều kiện bảo đảm vai trò và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Đọc bài "Chức vụ và uy tín" trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", chúng ta thêm hiểu sâu sắc hơn về chủ trương lấy phiếu tín nhiệm. Tổng Bí thư mở đầu bài viết bằng những câu ngắn gọn: "bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được. Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Người lãnh đạo không có uy tín thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng nên trò trống gì".

Tuy nhiên, số lượng cán bộ bị kỷ luật đảng thời gian qua cho thấy thực tiễn không hẳn như vậy; qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát hiện không ít cán bộ suy thoái, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, làm mất uy tín cá nhân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành, địa phương, đơn vị. Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh: ...sự đời không đơn giản như vậy. Không phải hễ có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ. Uy tín, theo đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế đã chẳng có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín hoặc uy tín quá thấp đó sao?

Vì vậy, mặc dù quy trình công tác cán bộ rất chặt chẽ và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm lựa chọn những cán bộ thật sự có đức, có tài, đứng vào hàng ngũ lãnh đạo, nhưng Đảng ta cũng thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, nhằm theo sát tình hình, một mặt là để chấn chỉnh, nâng cao ý thức tự rèn luyện và phấn đấu không ngừng của cán bộ, mặt khác kịp thời thay thế cán bộ yếu kém, không đủ uy tín.

Vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn mà còn phải có năng lực hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Có như vậy, những khó khăn, vướng mắc của ngành, địa phương mới được nhanh chóng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Vấn đề đặt ra là việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện sao cho kết quả phải phản ánh đúng thực chất để việc đánh giá cán bộ được sát, từ đó quy hoạch, bố trí cán bộ phù hợp, đúng người, đúng việc. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm còn tạo áp lực để mỗi người cán bộ nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên về mọi mặt để giữ vững vai trò, vị thế và uy tín của mình.

Trong bài viết, Tổng Bí thư chỉ rõ: "Uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người. Một người lãnh đạo, bằng hành động thực tế của mình, chứng tỏ được rằng mình thật sự có phẩm chất và tài năng thì "hữu xạ tự nhiên hương", tự nhiên họ sẽ được quần chúng tin yêu, kính trọng và tín nhiệm". Đây là quan điểm mà mỗi người cán bộ cần phải thấm nhuần, không ngừng nỗ lực để trở thành người thật sự có uy tín, có năng lực lãnh đạo, sức dẫn dắt bằng chính ý chí, nghị lực và tài năng của mình.

Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng trong thực tế vẫn còn không ít những người không xứng đáng nắm giữ những chức vụ khá quan trọng trong các tổ chức đảng, các cơ quan quản lý kinh tế và các tổ chức xã hội khác. Đó chẳng phải vì cái gì khác ngoài sự nể nang và sự bao che, sự thiếu phê bình và tự phê bình. Chính những điều ấy đang là một trở ngại lớn trên con đường củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ của chúng ta.

Bởi vậy, quan điểm nêu trên của Tổng Bí thư cũng cần được quán triệt sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, để mỗi người có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, cụ thể là trách nhiệm tham gia công tác kiểm tra, giám sát, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm.