Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế

NDO -

Chiều 11/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc thù cho 3 địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Báo cáo tóm tắt các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 3 địa phương này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các dự thảo nghị quyết được xây dựng trên quan điểm bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp, tính hệ thống của pháp luật; phù hợp chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 3 địa phương; phù hợp các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã k‎ý kết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế -0
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Động lực mới phát triển kinh tế, xã hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các dự thảo nghị quyết chỉ tập trung quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của ba địa phương thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có quy định hoặc khác quy định hiện hành; phù hợp bối cảnh thực tiễn của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố khác trong cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đánh giá việc triển khai, thực hiện sẽ giúp “đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND địa phương”. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của ba địa phương, không ảnh hưởng lớn môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trình bày báo cáo thẩm tra các dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhất trí ban hành các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương này.

Về hồ sơ trình, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, hồ sơ các dự thảo nghị quyết cơ bản bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai. Về các đề xuất cơ chế đặc thù đối với ba địa phương, cơ bản các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các đề xuất trong các dự thảo nghị quyết.

Phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình cao với việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương này. Cụ thể, về mức dư nợ vay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; Hải Phòng được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hải Phòng không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

 Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa so dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế -0
 Quang cảnh phiên họp Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Duy Linh)

Công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát

Tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ % số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường ngân sách nhà nước năm 2022, ổn định đến năm 2025.

Về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất cho phép HĐND tỉnh Nghệ An được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha; đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường dưới 500ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000ha. HĐND tỉnh Nghệ An và HĐND TP Hải Phòng được quyết định chuyển đổi đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc chuyển đổi phải bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng an ninh, trật tự, môi trường và phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định cuộc sống người dân.

Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với các đề xuất khác theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra.

Riêng đề xuất thành lập Khu thương mại tự do, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần trình Bộ Chính trị cho ý kiến về một số định hướng lớn. Sau khi Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương thì sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định vào thời điểm phù hợp.

Tham gia ý kiến thảo luận về nội dung nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế, chính sách đặc thù tại TP Hải Phòng, vì đây là vấn đề rất lớn và rất mới, chưa từng được quy định trong nghị quyết của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc kỹ hơn đề xuất này vì việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật phạm vi ảnh hưởng rộng.

Theo đại biểu, Tờ trình của Chính phủ tuy có đề cập tới kinh nghiệm quốc tế trong việc hình thành Khu kinh tế tự do, nhưng thực tế cho thấy, đã có những trường hợp không thành công…

Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020; 2 năm (2019-2020) thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.