Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026

NDO -

Chiều 20/4, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2014-2021 và ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp đồng chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp. (Ảnh: V.T)
Quang cảnh lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp. (Ảnh: V.T)

Báo cáo tổng kết Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp giai đoạn 2014-2021 nêu rõ, sau 7 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa hai cơ quan được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Hai cơ quan đã hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiến độ và chất lượng văn bản do hai bên phối hợp xây dựng đều được bảo đảm, không có văn bản nợ đọng.

Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật luôn được quan tâm, chú trọng; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở đi vào chiều sâu, không ngừng đẩy mạnh và ngày càng có hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của ngành dân tộc ngày càng được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.

Trong giai đoạn 2014-2021, tổng số văn bản pháp luật có quy định liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc được rà soát là 324 văn bản, trong đó phát hiện 10 văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; 19 văn bản có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; 19 chính sách chưa được ghi nhận hoặc chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp, đặc biệt đơn vị đầu mối là Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp luôn chủ động, tích cực trao đổi, phối hợp trong công tác chuyên môn bằng nhiều hình thức linh hoạt.

Ở địa phương, Chương trình phối hợp giữa hai bên cũng được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Ban Dân tộc và Sở Tư pháp các tỉnh, thành chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, nghiệp vụ công tác thường xuyên, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

Với những kết quả đạt được, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp tiếp tục ký kết và thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026, trong đó tập trung vào một số nội dung chính: nghiên cứu xây dựng dự án Luật về lĩnh vực công tác dân tộc; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nghiên cứu, đưa các nội dung liên quan về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số để pháp luật hóa nhằm bảo tồn, phát huy, phát triển.

Ủy ban Dân tộc sẽ chủ trì phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát định kỳ, thường xuyên các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chính sách dân tộc, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Hai đơn vị cũng sẽ phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành về công tác dân tộc giai đoạn 2022-2026; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên Cổng thông tin điện tử, báo chuyên ngành thuộc hệ thống của hai cơ quan và phương tiện thông tin đại chúng khác.

Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp đã phối hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, trong 5 năm tính từ 1/1/2016 đến 3/10/2020, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện trợ giúp pháp lý 304.050 vụ việc cho 283.437 lượt người, trong đó có 78.903 người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện nghèo, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thôn, bản đặc biệt khó khăn; thực hiện các nội dung, chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành dân tộc; cung cấp thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của hai cơ quan.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc.

Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 -0
 Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: V.T)

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được giai đoạn trước, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu các đơn vị chuyên môn của hai ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ; tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở đối cho đồng bào ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về phía Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị Bộ Tư pháp hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ làm công tác pháp chế của Ủy ban và các cơ quan trong lĩnh vực công tác dân tộc, đồng thời chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với Ban dân tộc ở địa phương.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở, đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng cần tận dụng và phát huy vai trò đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cũng như người biết tiếng dân tộc thiểu số và am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống chính sách, pháp luật đa dạng, bao gồm nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và ở cấp độ khác nhau. Do vậy, để tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số, cần biên soạn, biên tập cho phù hợp với trình độ, nhận thức, tập quán, văn hóa của từng dân tộc, từng cộng đồng nhằm bảo đảm tiếp cận pháp lý bình đẳng về mặt nhận thức.

Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 -0
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: V.T)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng đề nghị, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban Dân tộc tăng cường công tác tuyên truyền trên các nền tảng, ứng dụng khác nhau để bảo đảm đưa thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất đến đồng bào dân tộc thiểu số, và tiếp nhận ý kiến phản hồi nhanh nhất, kịp thời nhất từ bà con.

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với báo cáo kết quả phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp trong giai đoạn 2014-2021, cũng như phương hướng, nhiệm vụ phối hợp giữa hai bên trong giai đoạn 2022-2026.

Đại diện hai cơ quan đã nêu một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp công tác trong thời gian tới, bao gồm xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình cho từng năm; tăng cường chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các hình thức phù hợp cho từng địa bàn; bổ sung tài liệu liên quan công tác tuyên truyền, chủ trương của Đảng vào tủ sách pháp luật ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người uy tín, già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.