Ứng phó thời kỳ cao điểm mùa mưa bão trong bối cảnh dịch Covid-19

Mùa mưa bão năm 2021 đã bước vào thời kỳ cao điểm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Mới đây nhất, cơn bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, nơi đang có hơn 2.000 ca bệnh F0 và hàng nghìn ca F1.

Công nhân ngành điện Quảng Ngãi khắc phục sự cố lưới điện sau bão số 5. Ảnh: HIỂN CỪ.
Công nhân ngành điện Quảng Ngãi khắc phục sự cố lưới điện sau bão số 5. Ảnh: HIỂN CỪ.

Nhiều khu vực đang là "vùng đỏ", cho nên việc di dời dân là một thách thức lớn, phải được tính toán chi tiết, nhiều phương án khác nhau, nhưng có nguyên tắc chung là hạn chế tối đa việc di dân khi chưa thật sự cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc phải di dời nhân dân thì cần di dân tại chỗ "thôn nào ở thôn ấy, xã nào ở xã ấy" và hạn chế tối đa di dân đi nơi khác, nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1100/TTg-NN về việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án đối với từng tình huống thiên tai cụ thể, nhất là trong bối cảnh vừa phải phòng, chống dịch Covid-19, vừa phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố có đê cần tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn cho dân cư vùng bãi sông trong trường hợp xảy ra lũ lớn theo phương châm "bốn tại chỗ" và bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Người dân vùng thiên tai cần lưu ý chuẩn bị trước những vật dụng cần thiết như khẩu trang, nước rửa tay, đồ ăn, khăn lau khử trùng, nhiệt kế…; theo dõi chặt chẽ thời tiết và nắm rõ các địa điểm tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra theo chỉ đạo của chính quyền các cấp. Bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng khi thiên tai xảy ra mà trong khu vực cách ly có ca lây nhiễm Covid-19. Dọn dẹp vệ sinh môi trường trước và sau khi thiên tai xảy ra tránh bùng phát dịch bệnh khác. Luôn chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của ngành y tế lúc di chuyển và tại nơi sơ tán.

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở theo phương châm "bốn tại chỗ" cần được tập huấn thuần thục các phương án ứng phó, các tình huống rủi ro trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh cùng xảy ra. Trong tình huống phải tập trung đông người, công tác chuẩn bị khu sơ tán cần xác định cụ thể số hộ, số người để bố trí diện tích phù hợp. Đặc biệt, cần lựa chọn các công trình có sức chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch Covid-19… thuận tiện cho việc chăm sóc y tế cho các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế. Mặt khác, để những khu sơ tán đông người đi tránh thiên tai không tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, cần xét nghiệm nhanh cho nhân dân trước khi triển khai phương án sơ tán tập trung.