Ứng phó sạt lở bờ sông, ven biển tại Tây Nam Bộ

Từ đầu năm đến nay, dù chưa vào cao điểm mùa mưa bão, nhưng hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển đã xảy ra tại hầu hết các địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại về tài sản của người dân cùng nhiều công trình do Nhà nước đầu tư. Hạn chế và khắc phục tình trạng sạt lở một cách bền vững là vấn đề lớn, cấp thiết đang đặt ra ở vùng châu thổ trù phú này.
0:00 / 0:00
0:00
Điểm sạt lở sát vào nhà dân tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)
Điểm sạt lở sát vào nhà dân tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Bài 1: Sạt lở diện rộng

Từ đầu nguồn các dòng sông nằm trên lãnh thổ Việt Nam cho đến tận cửa biển ở đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch và bờ biển diễn biến khá phức tạp với quy mô, mức độ lớn hơn so với các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.

Hầu hết các địa phương đều có dự báo tình hình, biết được các tác nhân gây sạt lở nhưng việc phòng tránh, ứng phó không hề dễ dàng. Trước mắt, các địa phương cố gắng bảo đảm an toàn cho người dân ở những nơi bị sạt lở đe dọa...

Hiểm nguy rình rập

Khoảng 14 giờ ngày 30/5 vừa qua, đang ngon giấc trưa, ông Trần Thanh Kiểng ở ấp Tân An Ninh A, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bất ngờ bị “đánh thức” bởi tiếng đất chuyển động. Vừa chạy khỏi nhà, ông Kiểng nhận thấy con lộ bê-tông tuyến Kênh Lô trước nhà bị sạt lở xuống sông một đoạn khoảng 25m.

Tiếp đó, vào khoảng 16 giờ ngày 31/5, đoạn lộ bê-tông hơn 30m ở ấp Cầu Ván, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bị sạt xuống tuyến Kênh Tư Trứ. Đây là con lộ độc đạo giúp người dân trong ấp này đi lại bằng xe gắn máy…

Tại Cà Mau, sạt lở đất ven sông tập trung nhiều tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Ngọc Hiển. Từ đầu năm 2023 tới nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 70 vụ sạt lở đất tại 72 vị trí khác nhau với tổng chiều dài hơn 2km làm thiệt hại, hư hỏng 47 nhà dân, bốn lò hầm than, bảy cống xổ tôm cùng nhiều đoạn đường giao thông nông thôn... Ước tổng thiệt hại về tài sản hơn 7,3 tỷ đồng.

Trước đó, vào lúc 2 giờ 50 phút ngày 25/5, trên địa bàn ấp Mỹ Huề, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, tại khu vực xây dựng cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ nam sông Hậu, đã xảy ra vụ sạt lở dài khoảng 30m và sâu vào trong khoảng 10m. Tại vị trí này cũng đã xảy ra sạt lở trước đó không lâu, người dân phải gia cố bờ, chống sạt bằng kè bê-tông.

Ông Trần Văn Khuyến có căn nhà bị nhấm chìm xuống sông cho biết, đêm xảy ra sự cố, gia đình ông và mọi người chung quanh nhờ được cảnh báo nguy hiểm đã chủ động đến nhà người thân trú tạm nên thoát nạn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm 2023 đến nay, sạt lở đã cuốn bảy căn nhà xuống sông trên địa bàn các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Kế Sách và thị xã Ngã Năm; gây thiệt hại 10ha lúa trên địa bàn huyện Mỹ Tú. Sạt lở cũng đã ảnh hưởng đến bờ bao, đường bê-tông, đê biển 50 đoạn, dài 650m trên địa bàn các huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu.

Tại thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 19 đợt sạt lở ở bảy quận, huyện với tổng chiều dài 688m, làm bị thương hai người, sạt lở hoàn toàn ba căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 18 căn nhà khác, ước tổng thiệt hại hơn 17 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tình hình sạt lở trên địa bàn Cần Thơ tăng cả về số vụ, chiều dài, số người bị thương và tài sản thiệt hại.

Khu vực bờ biển Cồn Ngoài ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre dài khoảng 12km, hiện có ba điểm sạt lở với chiều dài khoảng 5km, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bảo Thuận, Khổng Minh Tặng cho biết, toàn ấp Thạnh Hải có 68 hộ dân, trong đó 31 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ biển, nhiều nhà dân phải di dời vào đất liền. Trung bình hằng năm biển xâm thực vào đất liền khoảng 100m. Đến nay, người dân đã mất 21ha đất sản xuất.

Tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài hơn 250km trong tổng chiều dài bờ biển 740km của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau cũng là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở bờ biển. Trong 10 năm gần đây (2011-2021), sạt lở làm mất rừng ven biển ở Cà Mau với diện tích hơn 5.200ha, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188/254km…

Cả năm lo khắc phục hậu quả

Chỉ trong 10 ngày, tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra hai đợt sạt lở với tổng chiều dài 237m, diện tích 978m2, khiến nhà của hai hộ dân ở xã Nhị Mỹ bị sụp xuống kênh Cần Lố. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên những hộ dân bị ảnh hưởng; huy động các lực lượng đến hỗ trợ người dân tháo dỡ, di dời vật dụng đến nơi an toàn.

Tỉnh Long An đang khẩn trương khắc phục vụ sạt lở đoạn đường bê-tông dài khoảng 45m và hàng rào xây dựng kiên cố của người dân nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây chìm xuống sông vào ngày 9/5 vừa qua. Vụ sạt lở này đã chia cắt lưu thông của người dân sinh sống trong ba ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình thuộc xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra gần 60 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với chiều dài hơn 9,4km, ước kinh phí xử lý khoảng 64 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh này cho chủ trương xử lý 13 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 4,6km, kinh phí xử lý hơn 36 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nguyễn Văn Mẫn cho biết thêm, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở tại các khu vực sạt lở bờ sông, kênh, rạch; huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý. Tỉnh ưu tiên thực hiện di dời nhà ở, công trình để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Nhà nước.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Nguyễn Văn Điền cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 140km. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai làm kè mềm, kè cứng khắc phục khá hiệu quả tình trạng sạt lở tại các địa phương ven biển. Tuy nhiên, nhiều vị trí vẫn đang tiếp tục bị sạt lở mạnh đe dọa đến tính mạng và đời sống của nhân dân trong khu vực nhưng vẫn chưa có kinh phí để khắc phục.

Nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với các hoạt động phòng chống thiên tai nói chung và phòng chống sạt lở nói riêng.

Các ngành chức năng thường xuyên tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở trên các tuyến đê để tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời, cắm biển báo tại những nơi thường xuyên bị sạt lở và những nơi có nguy cơ sạt lở để người dân đề phòng. Cùng với đó, hướng dẫn người dân phòng chống sạt lở theo cách truyền thống như trồng cỏ, thả lục bình ven sông; dựng cọc tre, cừ tràm, bao tải cát dọc theo bờ để bảo vệ bờ sông.

Để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, hai phương án đã được Cà Mau triển khai thực hiện là “vừa cố thủ, vừa thoái lui”. Theo đó, tại những nơi sạt lở nguy hiểm nhưng chưa có hạ tầng trọng yếu, dân cư thưa thớt, chọn phương án “thoái lui” bằng cách vận động, di dời dân vào những nơi an toàn, bố trí cấp nền tái định cư.

Ngược lại, tại những nơi đã đầu tư hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển và đông dân cư, chọn cách “cố thủ” bằng việc khắc phục tạm để giảm sạt lở lan rộng, sau đó sẽ triển khai công trình kè ứng phó.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Tô Quốc Nam, tuyến ven biển ở Cà Mau còn khoảng 100km tiếp tục bị sạt lở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, mức độ đặc biệt nguy hiểm có chiều dài khoảng 35km, tốc độ sạt lở hằng năm trung bình có nơi từ 50-80m về phía bờ. Nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì Cà Mau không chỉ mất thêm nhiều diện tích đất và rừng phòng hộ ven biển mà nguy cơ sạt lở sẽ còn tiến sâu vào đất liền uy hiếp nhiều công trình đã xây dựng bên trong.

(Còn nữa)