Nghề lưới chụp du nhập vào nước ta khoảng đầu năm 1990, đến nay nghề này phát triển mạnh cả về số lượng, công suất máy. Đây là kiểu khai thác dùng nhiều bóng đèn rọi xuống biển để dụ đối tượng khai thác, khi đối tượng khai thác đã tập trung ở vùng tác dụng của lưới thì tiến hành thả lưới bằng bốn gọng từ trên tàu bung ra bốn phía, sau đó đèn được tắt dần, ngư dân rút lưới, dồn hải sản vào túi lưới và kéo lên tàu. Nghề lưới chụp phát triển tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ và miền trung. Các đội tàu này hằng năm đóng góp một phần không nhỏ trong tổng giá trị đạt được của ngành khai thác hải sản.
Hiện nay, ngư dân thường sử dụng ba dạng đèn gồm đèn tìm cá, đèn dẫn dụ cá và đèn gom cá, các loại đèn sử dụng chủ yếu là đèn cao áp và đèn huỳnh quang. Để phục vụ khai thác, mỗi tàu thường trang bị từ 150 đến 500 bóng đèn cao áp, công suất 1.000-1.500W/bóng. Thực tế cho thấy, việc sử dụng bóng đèn cao áp có nhược điểm như: Tuổi thọ bóng đèn thấp; tiêu tốn nhiều nhiên liệu; làm tăng chi phí sản xuất và thải nhiều khí CO2, gây ô nhiễm môi trường; nhiệt lượng lớn tỏa ra từ đèn cao áp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động; khả năng tái khởi động hệ thống đèn mất khoảng 10-15 phút, làm giảm khả năng đánh bắt...
Với mục tiêu giải quyết bất cập đó, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu hải sản đã khảo sát, đo đạc các thông số nguồn sáng mà ngư dân đang sử dụng trên tàu, phân tích lựa chọn đèn LED phù hợp nghề lưới chụp. Trong đó, quan trọng nhất là nghiên cứu thử nghiệm các loại mầu sắc ánh sáng khác nhau (ánh sáng trắng, ánh sáng vàng) và phân tích lựa chọn mầu sắc ánh sáng phù hợp với đối tượng khai thác.
Đến nay, giải pháp đã xác định được chủng loại bóng đèn, công suất, mầu sắc ánh sáng phù hợp có thể thay thế hệ thống đèn cao áp truyền thống cho nghề lưới chụp khai thác hải sản xa bờ. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật khai thác cho nghề lưới chụp kết hợp với ánh sáng đèn LED đạt hiệu quả cao.
Tiến sĩ Nguyễn Phi Toàn, Chủ nhiệm công trình nghiên cứu cho biết, tính mới của công trình là hệ thống đèn LED có thể điều chỉnh được mầu sắc ánh sáng phù hợp với đối tượng khai thác; đèn có thể bật, tắt liên tục mà không phải chờ nguội như các loại đèn truyền thống.
Khả năng chiếu xa của bóng đèn lớn hơn so với đèn cao áp khoảng 20%, cho nên diện tích chiếu sáng có ích của đèn cao hơn so với đèn cao áp 1,4 lần. Với những ưu điểm nổi bật, sản phẩm này rất có triển vọng để mở rộng sản xuất cho đội tàu lưới chụp trong cả nước.
Đến nay, đã có nhiều tàu lưới chụp của các tỉnh ứng dụng vào sản xuất như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận. Sau một năm lắp đặt thử nghiệm hệ thống đèn LED trên tàu cá của một ngư dân ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiệu quả của mô hình được thấy rõ.
Tàu lắp 200 bóng, công suất mỗi bóng là 500W, sau một năm, chi phí nhiên liệu tiết kiệm với 36%, tương đương 1.800 lít dầu/chuyến đi biển. Đây là điều mà các ngư dân rất mong muốn trong điều kiện giá nhiên liệu ngày càng tăng. Thời gian hoàn vốn sau khoảng 12-13 chuyến đi biển.
Bên cạnh đó, sử dụng đèn LED khai thác hải sản góp phần bảo vệ môi trường, ít ảnh hưởng sức khỏe của lao động trên tàu. Đèn LED chiếu sáng không chứa thủy ngân, các dẫn xuất, chì, cadimum cũng như giảm được lượng rác thải rắn ra môi trường.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, ứng dụng giải pháp này trong sản xuất sẽ giúp đội tàu nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sản lượng khai thác, tăng doanh thu, giảm chi phí, tăng lợi nhuận chuyến đi biển và nâng cao thu nhập cho lao động. Khi ứng dụng công nghệ đèn LED trên tàu, lợi nhuận chuyến đi biển tăng 1,73 lần so với lợi nhuận của tàu sử dụng đèn cao áp và lương của lao động trên tàu tăng 1,67 lần, từ đó giúp họ yên tâm bám biển. Với số lượng tàu làm nghề lưới chụp khá lớn và chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất thì đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hệ thống đèn LED này.
Với những tính năng mới, khả năng ứng dụng rộng rãi, giải pháp ứng dụng hệ thống đèn LED cho nghề lưới chụp khai thác hải sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp toàn quốc, cấp bộ của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học này; được Tổng cục Thủy sản công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản. Ngoài ra, giải pháp vừa đạt giải thưởng sáng tạo khoa học-công nghệ Việt Nam năm 2022 do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.