Những đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ đang đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ và áp lực công việc ngày càng tăng của ngành BHXH.
Phục vụ hiệu quả người dân
Theo báo cáo, đến nay BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới hơn 236 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,4 triệu hồ sơ trên tổng số 6,64 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 36%). Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) Lê Nguyên Bồng cho biết, hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT của ngành BHXH được thành lập và bắt đầu vận hành là kết quả tổng hợp từ một quãng thời gian dài hệ thống BHXH đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng CNTT…
Năm 2017 được coi là năm đột phá với nhiều hoạt động phục vụ định hướng hiện đại hóa ngành BHXH được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, như: Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử ngành BHXH để số hóa tài liệu lưu trữ của ngành; phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHTN; hệ thống một cửa điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm "Tiếp nhận và quản lý hồ sơ"; cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam là điểm truy cập duy nhất của BHXH Việt Nam trên môi trường in-tơ-nét cung cấp đầy đủ thông tin hoạt động, chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, tiếp nhận các yêu cầu giao dịch điện tử, khai thác thông tin, dữ liệu về BHXH, BHYT của tổ chức, cá nhân. Nhất là việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào vận hành, kết nối gần 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT. Ðến cuối năm 2017, hệ thống đã tiếp nhận hơn 163 triệu hồ sơ khám, chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ liên thông dữ liệu hằng tháng đạt hơn 95%.
Trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã khai trương và vận hành Trung tâm Ðiều hành hệ thống CNTT và Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan BHXH, BHYT, BHTN; triển khai hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình theo mô hình kiến trúc chính phủ điện tử.
Cùng với đó, việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào hoạt động từ tháng 6-2016 với mục tiêu tin học hóa đã nâng cao hiệu quả công tác giám định thanh toán BHYT; tiết kiệm thời gian và nhân lực cho công tác giám định; kiểm soát phòng ngừa việc lợi dụng, trục lợi từ quỹ BHYT thông qua hệ thống giám định BHYT điện tử. Hệ thống đã kết nối tới 12.241 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, thực hiện chuẩn hóa gần 12 triệu dữ liệu danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật. Ðến cuối năm 2017, hệ thống đã tiếp nhận hơn 163 triệu hồ sơ khám, chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ liên thông dữ liệu hằng tháng đạt hơn 95%. Qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng thanh toán BHYT; việc giám định tự động từ phần mềm và giám định chủ động qua các cảnh báo của phần mềm giảm trừ số chi không hợp lý khoảng 3.000 tỷ đồng… Ðồng thời, ngành BHXH đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc.
Áp lực tiếp tục đổi mới
Với những kết quả đạt được, tại "Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam năm 2017" (Việt Nam ICT Index 2017), Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và xếp thứ hai trong bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc BHXH Việt Nam tập trung ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý là bước đi đúng và mang lại nhiều hiệu quả. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi phải phát triển CNTT, cải cách thủ tục hành chính cho nên rất cần đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc đáp ứng cải cách mới, nhất là đầu tư phần mềm CNTT. Mặt khác, BHXH là một đơn vị sự nghiệp công rất nhạy cảm; làm tốt thì rất ít được khen, nhưng chỉ cần có vấn đề nhỏ, sự việc sẽ "lan rộng".
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu, thời điểm trước năm 2016, do không quản lý được CNTT, cho nên phần mềm của BHXH Việt Nam viết ra chỉ đến được cấp huyện, không liên kết được cấp tỉnh và đến BHXH Việt Nam thì càng không quản lý được. Mỗi phần mềm nghiệp vụ lại độc lập riêng rẽ không "khớp nối" được với nhau. Nhưng từ 2016 đến nay, với sự đầu tư bài bản, việc ứng dụng CNTT đã đem lại hiệu quả rõ rệt. "Nếu không có sự quyết tâm của ngành cũng như các địa phương trong đầu tư ứng dụng CNTT, dù biên chế có tăng bao nhiêu thì cũng không hoàn thành được các nhiệm vụ như hiện nay, chứ chưa nói đến việc từ năm 2014 đến nay BHXH Việt Nam không được tăng thêm biên chế", ông Trần Ðình Liệu cho biết.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành BHXH; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.