Ứng dụng công nghệ tạo mẫu lụa Vạn Phúc

ND - Tạo mẫu cho lụa chính là một trong những công đoạn cầu kỳ nhất, khó nhất trong toàn bộ các công đoạn sản xuất lụa. Sự đa dạng về mẫu mã của cả làng nghề, phụ thuộc vào tay nghề của những người tạo mẫu.

Trong quan niệm của nhiều người, tạo mẫu chỉ đơn giản là vẽ những mẫu hoa lá, rồng phượng..., nhưng thực tế, nó không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn là cả một quy trình kỹ thuật khá phức tạp. Hoa văn trên một tấm vải nói chung cũng như lụa Vạn Phúc nói riêng là tập hợp của một nhóm hoa văn lặp đi lặp lại. Mỗi nhóm hoa văn ấy, có thể coi như một "khuôn hình". Thông thường, mỗi "khuôn hình" có kích thước 7x7cm hay 8x8 cm... Việc vẽ mẫu tức là việc tạo ra những khuôn hình như thế.

Tuy nhiên, vấn đề phức tạp ở chỗ là mỗi cm2 lụa Vạn Phúc gồm 48 sợi chiều dọc và 48 sợi chiều ngang. Trên một cm2 lại có thể có nhiều họa tiết. Ðể hệ thống máy móc tuân thủ một quy trình chuyển hóa những sợi tơ tằm khác nhau thành những họa tiết, người vẽ mẫu phải quan tâm đến từng sợi ngang -  dọc giao cắt nhau. Theo kỹ thuật cũ, cứ mỗi cm2 mẫu, người tạo mẫu phải vẽ gần 2.500 ô ca-rô nhỏ li ti trên giấy (tức 48x48, mỗi ô tương ứng với một mũi kim khi dệt), những ô có họa tiết và những ô không họa tiết sẽ được đánh dấu khác nhau.

Sau công đoạn vẽ, người ta sẽ chuyển tải những hình vẽ đó thành những lỗ đục ở những chuỗi bìa các-tông, theo một nguyên tắc nhất định. Bìa các-tông được đưa vào máy dệt, máy sẽ "nhận dạng" hoa văn qua các lỗ đục và tạo ra những hoa văn như mong muốn. Chỉ riêng việc kẻ giấy và vẽ họa tiết cho một mẫu, người tạo mẫu đã mất cả tuần lễ.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khi những chiếc máy vi tính đầu tiên được đưa về làng Vạn Phúc, anh Ðỗ Văn Hiển đã nghĩ đến việc dùng máy tính để thay thế công việc tỉ mỉ đó. Cũng như những đứa trẻ khác ở làng Vạn Phúc, từ bé anh Hiển đã biết đến những khung dệt. Khoảng năm 1993-1994, khi hợp tác xã giải tán, các khung cửi được trả về các hộ gia đình. Anh Hiển nghĩ mình phải làm thế nào để tạo ra những mẫu mới khác với mẫu "hợp tác xã". Dần dần, anh trở thành người chuyên vẽ mẫu. Nghĩ đến việc ứng dụng máy tính trong vẽ mẫu, nhưng thực hiện không đơn giản. Hồi đó máy móc còn hiếm, anh đành... mượn chiếc máy tính của cậu em. Không được học hành, dùng chiếc máy cứ như người đi trong hầm tối, nhưng cuối cùng, anh phát hiện ra phần mềm Corel Draw có thể hỗ trợ người thợ từ khâu kẻ ô, vẽ họa tiết đến chấm tổ chức nền. Ðó có thể xem là thời điểm "cách mạng" trong vẽ mẫu. Từ chỗ vẽ một mẫu mất hơn hai tuần, với máy móc, anh chỉ vẽ trong hơn ba ngày. Ngoài yếu tố thời gian, độ chính xác những bản vẽ máy tính còn cao hơn vẽ thủ công rất nhiều.

Anh Hiển cho biết: "Vẽ tay thì độ chính xác không cao, tấm vải là sự lặp đi lặp lại của các "khuôn hình", nếu vẽ tay thì những chỗ giáp lai giữa các "khuôn hình" dễ bị xấu. Mặt khác, khi vẽ tay, chẳng may vẽ lỗi phải làm lại thì cực kỳ tốn công".

NHỜ chủ động ứng dụng công nghệ mới vào công việc của làng nghề, đến giờ, anh Hiển đã sáng tác được khoảng 300 mẫu lụa, điều không tưởng đối với phương pháp vẽ tay trước đây. Hầu hết các gia đình ở Vạn Phúc đều đặt anh sáng tác, mỗi khi họ cần tung ra mẫu lụa mới. Trong những mẫu lụa anh từng sáng tác, có một số mẫu sau đó đều trở thành những mẫu kinh điển của lụa Vạn Phúc như mẫu vẩy rồng, mẫu hoa lựu... Từ người tiên phong này, giờ đã có một số bạn trẻ Vạn Phúc học hỏi kinh nghiệm này trong tạo mẫu lụa bằng máy tính. Ðó là một trong những lý do góp phần làm cho lụa Vạn Phúc ngày càng phong phú về mẫu mã.

Giang Nam