Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả, các đơn vị chức năng của thành phố cần tăng cường tính liên thông kết nối, đồng bộ hóa trang thiết bị, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ.
Tháng 3-2020, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh triển khai xử phạt vi phạm khi tham gia giao thông thông qua hệ thống ca-mê-ra cố định được lắp đặt tại 14 tuyến đường. Theo đó, thực hiện thí điểm xử phạt các hành vi dừng đỗ sai quy định đối với ô-tô trên 14 tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Hình ảnh từ hệ thống ca-mê-ra này cũng được kết nối đến Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị của thành phố để phân tích xử lý.
Từ ngày 13-3 đến 16-6, Thanh tra Sở GTVT phối hợp Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố đã trích xuất hình ảnh và lập hồ sơ vi phạm đối với 604 trường hợp vi phạm. Trong đó, có 105 trường hợp bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 60 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn đối với năm trường hợp. Chánh Thanh tra Sở GTVT Trần Quốc Khánh cho biết, những dữ liệu ghi nhận từ ca-mê-ra sẽ được trích xuất, sau đó cán bộ thanh tra sẽ xác minh, lập hồ sơ vi phạm, in thông báo gửi chủ phương tiện đến giải quyết (tối đa 30 ngày). Thông qua những hình ảnh cụ thể từ ca-mê-ra ghi lại, hầu hết người vi phạm khi đến giải quyết đều thừa nhận và chấp hành việc xử phạt. Nếu quá thời gian mà người được yêu cầu không đến, Thanh tra Sở GTVT sẽ thông báo đến cơ quan đăng kiểm đưa vào diện không cho đăng kiểm do chưa hoàn thành việc xử lý vi phạm. Ðến nay, Thanh tra Sở GTVT thành phố đã gửi Cục Ðăng kiểm Việt Nam danh sách 147 trường hợp quá thời hạn hẹn theo thông báo vi phạm mà chủ phương tiện, lái xe chưa đến giải quyết. Hình thức phạt “nguội” này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Ðại diện Sở GTVT thành phố cho biết, từ giữa tháng 6, việc kiểm tra và xử lý các vi phạm qua hình ảnh ghi nhận từ hệ thống ca-mê-ra trên 14 tuyến đường trung tâm thành phố đã bàn giao Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP Hồ Chí Minh đảm trách. Sau gần hai tháng tiếp nhận, PC08 đã ghi nhận và xử lý 540 trường hợp ô-tô vi phạm dừng đỗ sai quy định. Lãnh đạo PC08 cho biết, xử lý vi phạm qua hình ảnh ca-mê-ra là một biện pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Về lâu dài, đây là một trong những biện pháp thực hiện chủ yếu, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ngày càng văn minh của xã hội. Xử lý vi phạm qua hình ảnh còn đem lại nhiều thuận lợi cho cả lực lượng chức năng cũng như người điều khiển phương tiện vì hành vi vi phạm được thể hiện rõ ràng, cụ thể thông qua các thiết bị giám sát. Từ đầu năm đến nay, thông qua các hệ thống ca-mê-ra, PC08 đã trích xuất 57.406 trường hợp vi phạm, xử lý được 16.735 trường hợp. PC08 đang tiếp tục tăng cường việc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm qua hình ảnh cũng như ứng dụng khoa học - công nghệ để hỗ trợ cho công tác xử phạt vi phạm an toàn giao thông.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố chia sẻ, trung tâm đã triển khai kiểm soát tốc độ phương tiện tự động tại chín vị trí trên các tuyến đường, gồm: Ðường hầm sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, cầu vượt Cát Lái, quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh; toàn bộ dữ liệu được chia sẻ với PC08 để kiểm tra xử phạt. Trung tâm cũng đã thực hiện kiểm soát tải trọng tại bốn trạm kiểm soát tải trọng tự động trên đường Nguyễn Văn Linh, đường vành đai Ðông, đường Ðồng Văn Cống và hai trạm kiểm soát tải trọng tại Trạm thu phí An Sương - An Lạc. Tất cả các hệ thống đều được kết nối điều khiển tập trung tại trung tâm, chia sẻ cho lực lượng Thanh tra Sở GTVT tra cứu trực tuyến và xử lý các phương tiện vi phạm. Nhìn chung, việc xử lý vi phạm qua hình ảnh nhận được sự đồng thuận cao từ người dân vì hình thức này bảo đảm được tính công khai, minh bạch, hành vi vi phạm thể hiện rõ ràng, chính xác.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ tại TP Hồ Chí Minh còn gặp một số khó khăn như hệ thống giám sát được lắp đặt tại những vị trí cố định cho nên chỉ có thể quan sát, xử lý trong phạm vi hẹp, khả năng ghi nhận hành vi và xử lý trên diện rộng vẫn còn gặp khó khăn (phải lắp đặt nhiều ca-mê-ra tại nhiều vị trí). Về lâu dài, thành phố cần đầu tư thêm về trang thiết bị, nâng cấp đường truyền, xây dựng một quy trình xử lý vi phạm thống nhất trình Chính phủ xem xét để có thể triển khai xử lý các hành vi vi phạm từ việc trích xuất ca-mê-ra một cách rộng rãi.