Bắt đầu 0 giờ ngày 23/4, chiến dịch vận động tranh cử chính thức đã kết thúc. Các ứng cử viên không được tổ chức các hoạt động vận động tranh cử. Truyền thông không được quyền phỏng vấn và đưa tin về tranh cử. Thăm dò ý kiến cũng bị cấm công bố kết quả trước 8 giờ tối ngày 24/4.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Sopra Steria cho nhiều kênh truyền thông lớn của Pháp được công bố ngày 22/4 cho thấy, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron có thể sẽ nhận được 56,5% số phiếu bầu của cử tri Pháp tại vòng 2, so với tỷ lệ 43,5% của bà Marine Le Pen. Sai số của cuộc thăm dò này chỉ ở mức rất thấp là 1,1% do đa số trong hơn 12.000 người được hỏi là những cử tri khẳng định sẽ đi bỏ phiếu và đã có quyết định bỏ phiếu.
Một cuộc thăm dò dư luận quy mô lớn khác do hãng Elabe thực hiện cho kênh truyền hình BFMTV cũng cho thấy ưu thế nghiêng về ông Emmanuel Macron, với tỷ lệ bầu dự kiến là 55,5% số phiếu trong khi đó bà Marine Le Pen có thể được 44,5%.
Khoảng cách theo kết quả thăm dò ý định bầu phản ánh đúng lợi thế gia tăng của ông Emmanuel Macron có được sau cuộc tranh luận trực tiếp với bà Marine Le Pen trên truyền hình vào tối 20/4. Vào thời điểm ngay sau khi kết thúc vòng một bầu cử tổng thống vào ngày 10/4, bà Marine Le Pen có 47 - 48% ủng hộ, chỉ kém ông Macron 4 điểm.
Trong 5 năm qua, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã nỗ lực thay đổi hình ảnh, duy trì thái độ ôn hòa để vận động cử tri ủng hộ và đã đạt kết quả cao trong vòng một. Dù vậy, ứng cử viên này đã mất thế chủ động khi đối đầu trực tiếp với đối thủ trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào tối 20/4.
Ngày 24/4 là ngày chính thức bầu cử vòng hai. Tuy nhiên do chênh lệch múi giờ, từ ngày 23/4, cử tri tại một số vùng lãnh thổ hải ngoại và ở lục địa Mỹ đi bỏ phiếu sớm. Dù vậy, kết quả sẽ không được công bố trước 8 giờ tối mai, sau khi các điểm bỏ phiếu trên lãnh thổ Pháp đóng cửa.
Khoảng 48,7 triệu cử tri Pháp sẽ phải lựa chọn giữa hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen, có chương trình hành động và tầm nhìn hoàn toàn khác nhau về xã hội, kinh tế, nhập cư và đối ngoại.
Giới quan sát lo ngại khả năng cử tri không đi bỏ phiếu ở mức cao, có thể cao hơn vòng một (26,31%). Ngoài ra còn có nguy cơ về phiếu trắng ở mức kỷ lục vì nhiều cử tri từ chối lựa chọn giữa hai người vào vòng 2.
Nước Pháp đang ở thời điểm quyết định khi đứng trước hai tương lai hoàn toàn khác biệt. Nếu giành chiến thắng, ông Macron sẽ là tổng thống Pháp tái đắc cử như ông Jacques Chirac vào năm 2002. Còn bà Marine Le Pen vẫn có thể trông đợi vào những yếu tố còn khó đoán, như tỷ lệ vắng mặt cao hay số cử tri ủng hộ một cách âm thầm hoặc quyết định bỏ phiếu vào phút chót. Ngày 24/4 cũng được cho là cuộc trưng cầu ý dân về ủng hộ hay chống lại châu Âu.