Tuyến đường ĐT185 từ thị trấn Sơn Dương đi các xã Hợp Hòa, Thiện Kế dài hơn 19,7km được rải đá cấp phối từ năm 2003. Do nhiều năm không được nâng cấp, duy tu, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân và giao thương, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Năm 2021, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường này được thực hiện với quy mô đường giao thông cấp 5 miền núi đổ bê-tông, với nền đường rộng 6,5m, mặt đường rộng 3,5m, có hệ thống thoát nước hai bên.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 105 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của KOICA và vốn đối ứng của tỉnh. Đến nay, con đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế và tạo thuận lợi đi lại cho người dân vùng hạ huyện Sơn Dương.
Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang với tổng số vốn ODA triển khai trong giai đoạn 2019-2023 là hơn 426,3 tỷ đồng, trong đó vốn KOICA là 347,7 tỷ đồng; còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Dự án được thực hiện tại 25 xã, thị trấn thuộc sáu huyện của tỉnh Tuyên Quang, với các hợp phần: Trao quyền cho phụ nữ; cải thiện hạ tầng nông thôn; cung cấp giáo dục chất lượng tốt; cải thiện dịch vụ y tế công cộng; nâng cao năng lực hành chính công; vận động, thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh...
Sau bốn năm thực hiện, các hoạt động của Dự án được triển khai đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, hợp phần Cải thiện hạ tầng nông thôn đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác gần 20km đường ĐT 185 từ thị trấn Sơn Dương đi các xã Hợp Hòa, Thiện Kế; 10,3km đường giao thông nông thôn tại các xã Minh Thanh, Lương Thiện (huyện Sơn Dương) và xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên); đập dâng Khấu Lấu, hồ chứa Bình Dân, kênh Đồng Min, xã Bình Yên.
Các công trình giao thông, thủy lợi hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp người dân hưởng lợi tại các xã có tuyến đường thuận tiện đi lại, giao thương, bảo đảm nước tưới tiêu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần hoàn thành mục tiêu nông thôn mới tại các xã dự án.
Sau bốn năm thực hiện, đến nay đã có 159.573 người (38.193 hộ gia đình) tại 25 xã dự án, thị trấn và các xã lân cận hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án; trong đó, nhóm đối tượng ưu tiên của Dự án là nhóm dân tộc thiểu số, nghèo, cận nghèo và hộ phụ nữ yếu thế.
Dự án thực hiện các hợp phần như: Trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo, tập huấn về bình đẳng giới, quản lý gia đình hạnh phúc và các hoạt động tăng thu nhập; cải thiện sinh kế thông qua phát triển hạ tầng nông thôn và các hoạt động nâng cao thu nhập; nâng cao sức khỏe của người dân địa phương thông qua xây dựng năng lực cho cán bộ y tế và cải thiện cơ sở vật chất...
Trong hợp phần Nâng cao năng lực hành chính công, Dự án đã tổ chức ba lớp tập huấn cho 150 cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân; hai lớp tập huấn cho 30 người là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và công chức trực tiếp tham mưu tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện trong thời gian 14 ngày/lớp tại Hàn Quốc với nội dung: Sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông-một cửa điện tử; hệ thống đánh giá trực tuyến về mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với công chức, viên chức trong việc cung cấp dịch vụ công và hoạt động của các cơ quan nhà nước...
Trong những năm qua, Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang cũng đã kêu gọi, vận động và thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc (Công ty Chung Hak) xây dựng nhà máy chế biến rau củ đông lạnh (thành lập Công ty JW Nông sản hoạt động trên địa bàn tỉnh) vào Khu công nghiệp Phúc Ứng, huyện Sơn Dương. Công ty đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2023, bước đầu góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Giám đốc Ban Điều phối các dự án vốn nước ngoài tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thiện Tuyên cho biết: Nguồn vốn ODA có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường, nông nghiệp, y tế và giáo dục.
Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng tiến độ, bảo đảm được mục tiêu và hiệu quả đề ra, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. "Để bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn này đạt hiệu quả cao nhất, tỉnh đã thực hiện những cơ chế, nhất là cân đối vốn đầy đủ, bảo đảm kịp thời nguồn vốn đối ứng theo tiến độ thực hiện của các dự án ODA", ông Tuyên khẳng định.