Nhưng là của riêng mình. Tiếng nói cười, tiếng nhạc, tiếng hát bốn bề, cứ gạt đi như gạt bèo, tìm lấy một mét vuông yên tĩnh. Lắng nghe, chầm chậm từng giọt thời gian, lắng đọng trong đáy tách cà-phê sáng hay cà-phê tối. Mấy chục năm rồi, nhịp sống ngày một tăng tốc, thời gian như co lại, ngắn đi, người Hà Nội hình như càng tìm đến cà-phê. Tìm sự yên lặng gần như không gợn chút lăn tăn cuộc sống thường nhật đầy lo toan và mỏi mệt.
Hà Nội đổi thay nhanh quá, đến mức không kịp nhận ra, ngay cả với người Hà Nội. Ðường sá, nhà cửa, những khu đô thị mới. Xu hướng tiêu dùng, khẩu vị đã khác trước. Ngay đến chén trà Thái cũng phải lùi vào một góc, nhường chỗ cho Dilmah, Lipton sực nức mọi hương vị hoa quả. ấy là chưa kể, trà đạo Nhật Bản, trà xanh không độ. Nói gì tới cà-phê, thứ nước uống 'ngoại nhập' theo Tây vào ta từ đầu thế kỷ trước. 'Mạnh vì gạo, bạo vì tiền', cà-phê Hà Nội ngậm ngùi lùi bước, nép vào những góc khuất, phố nhỏ, ngõ nhỏ, cho những Highland, Moca, Trung Nguyên 'hoành tráng' từ biển hiệu, bàn ghế, ly tách cho đến hương vị, mầu cà-phê và cả tiếp viên... bắt mắt. Những tên quán, tên người đã gắn bó với thương hiệu cà-phê Hà Nội như cà-phê Nhân, Năng, Lâm, Giảng... hình như cũng chuyển mầu và hương vị cho hợp với khẩu vị của những ẩm khách thế hệ mới. Uống thì ít, thưởng thức ào ào mà nheo nhéo di động nhắn tin thì nhiều.
Chả trách được những quán cà-phê 'thơm nức' suốt một thời, mới tới đầu phố đã ngất ngây, ngào ngạt hương đậm đà không lẫn vào đâu được, nay cũng đổi mầu, chạy theo thời thượng. Ðời thuở nào, vừa nhấp ly cà-phê mà lẫn cả mùi phở gia truyền, bún riêu, hoặc sặc mùi fastfood. Cái sự ăn, sự uống bây giờ chẳng nhẽ đến mức ăn lấy được, uống lấy được. Người Hà Nội gốc bảo rằng, nói thế là hàm hồ, là 'vơ đũa cả nắm'. Cà-phê Hà Nội dẫu có 'hòa nhập' nhưng không 'hòa tan'. Dẫu có chuyển mầu hay ngả mầu, thì cà-phê phố cổ vẫn đậm đà, vẫn giữ được 'mầu thời gian'. Có người nói quá rằng, bản sắc, cốt cách Hà Nội, dẫu có thế nào cũng chẳng thể pha loãng, nhạt phai như mầu cà-phê đặc sánh, nhìn không thấy đáy, mà thầm ngấm sâu mãi, lắng đọng trong tâm trí và kỷ niệm.
Sát nách ga Hàng Cỏ, cái quán vốn tối tăm lại chật chội và cũ. Mái ngói cũ, tường cũ, bàn ghế cũ, mùi vị cà-phê cũng xưa cũ. Khách thì mới, cũ đủ loại. Nhưng vào đây, người ta bỗng dưng trở nên yên ắng, tĩnh lặng. Mỗi người mỗi góc, mỗi tâm trạng. Không ai xâm phạm không gian của ai. Có tâm sự cũng vừa đủ cho hai người. Cà-phê phin nhỏ giọt, trong ánh đèn đường mờ tỏ, có cảm tưởng nghe rõ từng giọt. Giữa thành phố nườm nượp xe cộ, người người ngược xuôi như nước cuốn giữa dòng, mỗi người vẫn tự tìm cho mình một quán cà-phê quen thuộc, một góc ngồi quen. Người Hà Nội vốn kỹ tính, 'ăn có chỗ, đỗ có nơi'. Uống chén trà, ăn bát bún, bát phở, cứ phải là quen quán, quen người. Mà ly cà-phê lại không thể uống vội, uống vàng. Kỵ nhất là những quán mới khai trương, bàn ghế sang trọng, sáng choang. Bàn trải khăn sặc sỡ, hàng chục loại cà-phê cũng 'sặc sỡ' mầu sắc và hương vị, không còn nhận ra đâu là hương vị cà-phê. Thì cũng như phở Hà Nội. Những 'phở vuông', 'phở 24' hay nay mai có 'phở tròn' đi nữa, thì nhiều người Hà Nội chỉ ngó qua rồi đi. Người ta thích ăn uống ở quán quen, nhỏ bé, tuềnh toàng, thậm chí kê ghế ngay trên vỉa hè. Chủ quen mặt khách, quen cả khẩu vị từng người. Người ở nơi khác đến không thể hiểu nổi, nên thường nói người Hà Nội hoài cổ, hoài niệm. Chẳng như ở Sài Gòn, Ðà Nẵng, Hải Phòng... giản tiện hơn. Cầu kỳ, kiểu cách quá, mệt cả người, lấy đâu thời gian.
Hà Nội bây giờ đã mở rộng không gian, địa giới gấp ba lần, dân số gấp đôi ngày trước, thế mà không gian cà-phê vẫn bó hẹp, chật cứng trong 36 phố phường. Bao người tậu biệt thự, xe hơi sang trọng, sống ngoài vành đai đô hội, sao sáng lại phải đánh xe vòng vèo vào trong phố ? Chỉ để nhâm nhi một ly cà-phê đặc quánh, thơm mặn thơm mà. Chỉ để kiên nhẫn ngồi đợi từng giọt đen đặc 'nhịp hải hài' thong thả rơi xuống đáy cốc. Nói 'không gian' cà-phê, ngỡ tưởng là rộng, hóa ra thật nhỏ hẹp, vẻn vẹn trong lòng chén. Những giọt cà-phê là những giọt đời đắng lắng lại. Chẳng thể san sẻ cho ai, cũng không thể 'rót đau lòng ấy vào đau lòng này' như rượu. Cà-phê làm người ta đỡ mê lú, đầu óc sáng ra, không say mà quyến rũ, khó dứt ra nổi. Chẳng thế, bao nhiêu người Hà Nội gốc buộc lòng phải 'ly tâm' ra ngoài rìa sống, mỗi ngày nắng mưa, nóng hè, đông giá vẫn lẽo đẽo đạp xe, 'bất ly' cà-phê phố cổ. Bây giờ, đếm thử mỗi con phố, có khi tới dăm bảy quán. Phố Hàng Hành đông đúc, chen chúc nhất Hà Nội, phải gọi là phố cà-phê mới chuẩn. Quán nào thì khách nấy, khó lẫn được. Ðương nhiên cũng pha tạp, xô bồ. Cái sự cà-phê, giờ đành chấp nhận 'đa vị, đa sắc'. Nên giữa 'cõi' cà-phê ấy, nhiều người vẫn tìm cho mình một góc riêng, ngay giữa chốn đa thanh, tạp ẩm.
Chênh chếch cà-phê Quỳnh một thời, có một quán nép dưới hai tán cây, mùa lá rụng khẳng khiu. Bên kia đường là gốc me già rắc lá vàng lúc trời trở gió. Quán rộng và dài, tường tróc lở, mưa dầm ẩm ướt, mấy bức tranh mầu nước chẳng theo trường phái nào. Quán không đổi chủ, chỉ đổi người thuê tới bốn, năm lần. Khách thì không đổi, toàn những gương mặt quen mà không biết tên, suốt hơn chục năm rồi. Thường ngày, vào cữ sáng, khách thập phương, nhất là khách phương nam, chiếm già nửa quán. Họ dừng chân không phải để thưởng thức cà-phê, chỉ cốt được tận hưởng bát phở gia truyền. Phở xong mới tới cà-phê nâu, cà-phê đá. Trăm sáng cả trăm, có người đàn ông tóc bạc trắng đến một mình, cà-phê một mình. Ðúng góc ấy, chiếc bàn ấy, ông nhìn ra đường. Con đường nhỏ và hẹp, xe cộ ngược xuôi, như dòng nước, như dòng đời bất tận. Ðã mấy lần quán thay tên, đổi người thuê, ông đều được 'bàn giao' với một tách cà-phê đen sánh đầy. Không đường, không đá và nóng bỏng. Riêng ông, giá cà-phê giữ nguyên không tăng. Thỉnh thoảng, cô chủ nhà từ trong sân, lặng lẽ ra cửa mua một bó hoa tươi, mắt cười lặng lẽ với ông khách cũ. Một ngày như mọi ngày, đều đặn như không bao giờ nhàm chán, nhạt nhẽo. Cà-phê một mình là để một mình thấm ngấm từng giọt đắng cô đơn. Ðể nhìn sâu vào trong mình, chiêm nghiệm lẽ đời. Một mình giữa mớ âm thanh hỗn độn, khó lòng ngăn nổi. Nên mọi tạp âm cứ thế, vào rồi lại ra, như chốn hư vô. Có người bảo, cà-phê một mình ở Hà Nội, đó là cà-phê vô vi, như một tâm thế thiền. Thiền với ly cà-phê đen ánh 'màu' yên tĩnh giữa huyên náo cõi đời...
Cũng không nên đẩy phong vị cà-phê Hà Nội quá lên thành một triết lý, hay 'đạo' như trà. Người Hà Nội vốn không ưa khoa trương, nhiều lời. Một 'lát cắt' của cà-phê phố cổ, phố cũ, nơi người ta có thể một mình bên ly cà-phê, theo đuổi những suy tư trong không gian rất tạp. Cà-phê một mình cũng như một mình nghe nhạc cổ điển. Yên lặng lắng nghe, cả thể xác, tâm hồn chìm vào nhạc, không nghe thấy cả hơi thở của chính mình. Mỗi ngày, mỗi người rất cần những khoảng lặng như thế để cảm nhận trọn vẹn giá trị mỗi giây phút sống đã trôi qua và đang tới. Ðể năm tháng cuộc đời không dửng dưng, vô vị như nước chảy qua cầu. Mặt nước, mặt hồ, mặt sông có lúc nào lặng sóng cũng như cuộc đời? Chỉ có 'mặt nước' cà-phê trong lòng chén là phẳng lặng, sâu thẳm đến vô cùng. Soi vào đáy nước, có thể thấy thấp thoáng cốt chất người Hà Nội, dẫu qua bao biến thiên thời gian, thăng trầm, còn lắng sâu, đọng lại mãi. Những gì là bề nổi, thì cứ nổi váng bên trên, khó chìm xuống. Gạt đi, chắt lọc như chiếc phin cà-phê, sẽ còn lại tinh chất cô đặc, sóng sánh, ánh lên 'màu thời gian' bất chấp nắng hay mưa. Kể cả sự bào mòn khắc nghiệt của chính thời gian Hà Nội như người Hà Nội gốc.