Từng bước ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc phục hồi đất đai, chống hạn hán và sa mạc hóa; tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rừng phi lao trên cát tại tỉnh Bình Thuận để giảm sa mạc hóa đất.
Trồng rừng phi lao trên cát tại tỉnh Bình Thuận để giảm sa mạc hóa đất.

Xanh hóa cát trắng

Dọc theo con đường Tỉnh lộ 716 ven biển từ xã Hòa Thắng đến thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), xuất hiện nhiều trang trại nhà màng trồng dưa lưới, trồng rau thủy canh. Vài năm trước, khu vực này chỉ là đồi cát trắng, người dân không thể sản xuất được do nguồn nước phục vụ sản xuất rất ít.

Nhưng hiện nay, nhờ vào công nghệ cao sản xuất tiết kiệm nước, nhà màng, nhiều trang trại đã “mọc” lên như nấm, cho doanh thu hàng tỷ đồng, giúp đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Bình Trần Anh Thịnh cho biết: Vùng diện tích đất cát, bạc màu của huyện chiếm khoảng 15.000 ha, chủ yếu thuộc các xã, thị trấn: Hòa Thắng, Hồng Phong, Sông Bình, Phan Thanh, Hồng Thái, Lương Sơn, Bình Tân.

Trên cơ sở nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết phù hợp để sản xuất một số loại cây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động hóa trồng các loại cây nông nghiệp có giá trị cao như: thanh long, dưa lưới, xoài, mít, nhãn, nho…

Đơn cử, năm 2019 diện tích trồng cây thanh long trên địa bàn mới có khoảng 55 ha thì đến nay diện tích trồng loại cây này tăng lên khoảng 500 ha; dưa lưới từ 14 ha, hiện tăng gần 80 ha với khoảng 400 nhà lưới. Đến nay, diện tích trồng các loại cây có múi (bưởi, cam, quýt, chanh không hạt), xoài, mít, nhãn, dược liệu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trong nhà lưới, sản xuất trong điều kiện tự nhiên lên tới gần 3.700 ha. Ngoài trồng các cây nông nghiệp, thời gian qua người dân cũng tích cực trồng rừng trên các đồi cát, qua đó giảm được hơn 1.075 ha đất có hiện tượng sa mạc hóa.

Nằm ở phía bắc tỉnh Bình Thuận, huyện Tuy Phong có chiều dài bờ biển gần 50 km. Do cấu tạo địa chất nên hình thành những dải cát chạy dài dọc theo bờ biển, với diện tích khoảng 2.000 ha. Vì vậy, những dải cát ven biển bị gió thổi mạnh tạo thành những động cát cao từ 10 đến 40m so với mặt nước biển, thường xuyên di động vùi lấp khu dân cư, đường giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của người dân.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, địa phương đã lựa chọn cây phi lao để trồng. Cây có khả năng sinh trưởng nhanh, cần ít dinh dưỡng, chịu được sự vùi lấp, va đập của gió, cát, rất thích hợp để trồng rừng ở những dải cát ven biển. Kết quả, các đơn vị và người dân đã trồng được khoảng 4.000 ha rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, tích thủy.

Đáng chú ý, từ năm 2000 đến nay, do việc khoan hút mạch nước ngầm để nuôi tôm thương phẩm ven biển và sản xuất nông nghiệp diễn ra trên diện rộng, làm cho mạch nước ngầm bị cạn kiệt; biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài đã làm cho không ít diện tích rừng trồng bị chết hoặc chất lượng rừng suy giảm.

Trước tình trạng nêu trên, các cơ quan chuyên môn đã triển khai mô hình sử dụng chất polyme để trồng cây phi lao trên đồi cát di động. Chất polyme được chế tạo từ tinh bột sắn biến tính để bón thêm dưới hố trồng. Vật liệu này có khả năng trương nở gấp 400 lần (tức 1g vật liệu có khả năng hút 400g nước). Ngay khi gặp nước, nó nở ra thành khối gel trong suốt, giống như một miếng bọt xốp giữ nước khá chặt, cây trồng vẫn có thể dễ dàng hút nước để sinh trưởng và phát triển. Trong khi đó, polyme là chất có khả năng phân hủy sinh học, nên không gây hại đến môi trường.

Nhờ áp dụng kỹ thuật nêu trên đã tăng tỷ lệ sống của cây trồng đạt hơn 90%, so với 60% ở mô hình trồng rừng không sử dụng polyme. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân được mở rộng, sản xuất ổn định, cho giá trị thu nhập hàng tỷ đồng/ha đất. Đến nay, đa phần diện tích sa mạc, hoang mạc trên địa bàn huyện cơ bản đã được phủ xanh, diện tích rừng trồng chống sa mạc hóa ven biển đạt hơn 1.500 ha. Tình trạng cát di động vùi lấp nhà cửa, đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông không còn diễn ra.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Sơn cho biết: Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, với diện tích bãi cát ven biển chiếm khoảng 16% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cộng với kinh tế địa phương còn khó khăn, quản lý và sử dụng đất đai thiếu bền vững nên vùng đất cát ven biển Bình Thuận phải đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa nghiêm trọng, hiện tượng cát chảy, cát bay đang là mối đe dọa uy hiếp cuộc sống của hàng nghìn người. Ước tính mỗi năm, tỉnh có khoảng 20 ha đất canh tác nông nghiệp bị lấn bởi các đụn cát di động. Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực xây dựng được các dải rừng phòng hộ ven biển chạy dài từ Tuy Phong đến Hàm Tân với một số loài cây, chủ yếu là cây phi lao.

Từng bước ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa ảnh 1

Chăm sóc dưa trong nhà lưới trồng trên đồi cát tại tỉnh Bình Thuận.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ là ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng này. Nguyên nhân tình trạng thoái hóa đất, sa mạc hóa ở Việt Nam là kết quả của sự xói mòn đất, đá ong hóa, hạn hán, cát bay, cát chảy, đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đất chưa hợp lý như tập quán canh tác nương rẫy du canh, trồng độc canh hay chuyên canh, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; do quản lý, khai thác tài nguyên rừng chưa hợp lý, tình trạng khai thác bừa bãi các mỏ quặng cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ. Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng cực đoan về thời tiết thường xuyên hơn, ảnh hưởng của địa hình, chế độ thủy văn, hải văn... đã làm gia tăng diện tích đất bị khô hạn, sa mạc hóa, đất trống, đồi núi trọc.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Năm 1998, Việt Nam gia nhập Công ước Chống sa mạc hóa (UNCCD); Đảng, Chính phủ đã ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phòng chống ô nhiễm môi trường đất, xói mòn đất, thoái hóa đất, sa mạc hóa.

Nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất, sa mạc hóa ở Việt Nam hiện nay, căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương cần tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm bảo đảm các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận các thông tin, kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc; bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí hậu thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống hạn hán và sa mạc hóa.

Các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững nhằm hạn chế tối đa quá trình sa mạc hóa, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.