Từng bước hình thành cộng đồng sáng tạo

Với hơn 60 sự kiện văn hóa, gồm trưng bày, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, hội thảo, tọa đàm khoa học…, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là hoạt động văn hóa-sáng tạo lớn nhất từ trước tới nay tại Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ nhí trình diễn trong sân khấu được cải tạo từ nhà xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
Các nghệ sĩ nhí trình diễn trong sân khấu được cải tạo từ nhà xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Cộng đồng sáng tạo là yếu tố then chốt để xây dựng Thành phố sáng tạo. Lễ hội cho thấy cộng đồng sáng tạo đang từng bước hình thành lớn mạnh. Đó là sự quan tâm của cộng đồng tới các hoạt động văn hóa-sáng tạo, sự nhiệt tình tham gia của đội ngũ hơn 200 nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhà sáng tạo…

Những dòng người đổ đến các không gian của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã gây bất ngờ với Ban Tổ chức lễ hội. Phó Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: “Ban đầu chúng tôi dự kiến, mỗi ngày tháp nước Hàng Đậu đón 1.000 lượt khách. Mỗi khách sẽ được trải nghiệm khoảng 15 phút bên trong tháp nước.

Nhưng ngay từ ngày đầu mở cửa, nhu cầu của khách quá lớn, gồm cả đăng ký trực tuyến lẫn khách đến trực tiếp. Chúng tôi buộc phải thay đổi kịch bản, mỗi khách chỉ được trải nghiệm năm phút để người khác còn đến lượt tham quan. Mỗi ngày tháp nước đón 3.000 lượt khách mà vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của cộng đồng”.

Dịp này, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng đón lượng khách vượt dự kiến. Những ngày cuối tuần, lượng khách đạt đến vài chục nghìn lượt người. Từ ngày 17-26/11 đã có hơn 200 nghìn lượt người đến trải nghiệm tại các không gian khác nhau của Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Sức hút quá lớn của các hoạt động văn hóa, sáng tạo trong lễ hội đã khiến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định kéo dài thời gian tổ chức đến hết ngày 28/11.

Cách đây bốn năm, khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, nhiều khái niệm trong xây dựng Thành phố sáng tạo còn mới mẻ, thậm chí xa lạ với người dân Hà Nội. Nhưng qua nhiều hoạt động, nhất là Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức hằng năm, được tương tác với những hoạt động văn hóa-sáng tạo, nhận thức của cộng đồng đã có nhiều thay đổi tích cực. Bạn Lê Thu Trang (phố Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết:

“Tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, các nhà xưởng có sức hút riêng, với những góc nhìn mới lạ mà bình thường chúng em ít được tiếp xúc. Điều này càng đặc biệt hơn khi nhà xưởng được biến thành những không gian nghệ thuật. Sự sáng tạo đem lại giá trị, trải nghiệm mới cho cả nghệ thuật lẫn các nhà xưởng cũ kỹ”.

Ngay từ ban đầu, việc xây dựng Thành phố sáng tạo được xác định dựa trên ba trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Song song với sự thay đổi nhận thức, sự ủng hộ của cộng đồng, Lễ hội Thiết kế sáng tạo chứng kiến sự tham gia tích cực của cộng đồng nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo, nghệ nhân… với vai trò chủ thể của sáng tạo.

Không gian của lễ hội không phải là nơi được định hình sẵn để các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nghệ nhân đến để trưng bày, thể hiện những sản phẩm, tác phẩm của mình. Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang nhớ lại: “Khi tôi đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thì các nhà xưởng đều rất ngổn ngang. Có những khu vực để lâu, lớp bụi phủ dày, các máy móc cũ mỗi nơi một chiếc.

Nhưng chúng tôi bàn bạc và mọi người đồng thuận cùng nhau làm việc. Chúng tôi cũng không thể tưởng tượng nổi sau hai tháng, các nhà xưởng đã trở thành không gian nghệ thuật cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm như hôm nay”. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhà hoạt động sáng tạo tham gia lễ hội đều với tinh thần “vào cuộc”, cùng với ban tổ chức trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc để kiến tạo những không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của quá trình sáng tạo đến cộng đồng.

Trưởng phòng Quản lý di sản Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Lễ hội diễn ra trong không gian rộng, số lượng hoạt động lớn, trong khi kinh phí thì hạn hẹp. Nếu không có sự tham gia ủng hộ của cộng đồng nghệ sĩ, nhà thiết kế thì lễ hội gần như không thể tổ chức được. Chúng tôi đóng vai trò cầu nối, tạo dựng cơ bản, phần còn lại là do cộng đồng trực tiếp tham gia vào các công đoạn khác nhau của lễ hội, từ thiết kế, cải tạo cho đến vận hành”.

Khác biệt lớn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 so với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác là khi đến với các không gian lễ hội, cộng đồng tham gia không chỉ với tư cách là khách tham quan mà được tham gia sâu, trở thành một trong những chủ thể của nhiều hoạt động, thí dụ như các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa sông Hồng, tham gia các lớp dạy vẽ, tham gia cuộc thi ký họa, tham gia sân chơi cộng đồng cho trẻ em… Đây cũng chính là kinh nghiệm quý để nâng cao nhận thức của cộng đồng khi tổ chức các hoạt động văn hóa-sáng tạo trong tương lai.