Nhắc lại bối cảnh lịch sử những năm 60 của thế kỷ XX, ông Petrov nêu rõ, sau hàng loạt thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại ở miền bắc Việt Nam, người Mỹ ngày càng hiểu rằng, sớm muộn gì miền nam Việt Nam cũng được giải phóng.
Trước khi Hiệp định Paris được ký kết, phong trào quốc tế đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam lớn mạnh chưa từng có. Các phong trào tiến bộ nêu cao tinh thần kề vai sát cánh cùng Việt Nam.
Tại Liên Xô lúc đó, có khẩu hiệu: "Mỗi người cộng sản buổi sáng thức dậy phải biết và nhớ, hôm nay các bạn sẽ làm gì cho Việt Nam". Ông Petrov nhấn mạnh, người dân Liên Xô tự hào vì đứng cạnh, ủng hộ Việt Nam.
Nhằm tìm tiếng nói chung cùng cộng đồng quốc tế và các phong trào yêu chuộng hòa bình yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam được thành lập. Cơ quan này đã đón nhiều đoàn đại biểu Việt Nam sang Moskva tham gia gặp gỡ, đàm phán, tranh thủ sự ủng hộ của người dân, hoặc từ Moskva bay tới quốc gia khác, kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.
Tại Liên Xô thời điểm đó, các phong trào quyên góp đồ dùng, sách báo ủng hộ Việt Nam cũng diễn ra sôi nổi.
Trong quá trình diễn ra đàm phán Hiệp định Paris, Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam tích cực tổ chức các hội thảo quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Theo ông Petrov, Ủy ban cũng tiếp các đoàn binh lính và sĩ quan Mỹ đào ngũ khỏi chiến trường Việt Nam tới Liên Xô để trò chuyện, phản đối chiến tranh, phản đối hành động giết dân thường Việt Nam.
Sau này, khi miền nam Việt Nam được giải phóng, Ủy ban cũng đón các cựu quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến Liên Xô tìm hiểu và tận mắt chứng kiến những thành tựu xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Ủy ban Liên Xô ủng hộ Việt Nam cũng xuất bản nhiều ấn phẩm, sách báo nhiều thứ tiếng để kêu gọi ủng hộ Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX.
Ông Petrov bày tỏ sự kính trọng và khâm phục đối với các cán bộ ngoại giao Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Với ông Petrov, họ đã thể hiện tốt trình độ, sự khéo léo, cũng như hiểu rõ những yếu tố quyết định nền hòa bình cho Việt Nam.
Cũng theo ông Petrov, Hiệp định Paris năm 1973 đã tạo bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Sau đó 2 năm, cách mạng Việt Nam toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Ông Petrov và nhiều người khác dù tin tưởng miền nam Việt Nam sẽ được giải phóng, song không nghĩ việc đó diễn ra nhanh đến vậy. Hình ảnh xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 để lại ấn tượng mãi về sau.
Đối với thế giới, ông Petrov cho rằng, Hiệp định Paris có ý nghĩa to lớn, là thắng lợi của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng hòa bình và tiến bộ xã hội.
Hiệp định năm 1973 cũng khẳng định rằng, đàm phán là cách giải quyết những vấn đề hóc búa nhất, lối thoát cho các cuộc xung đột dù phức tạp nhất. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, xung đột như hiện nay, Hiệp định Paris năm 1973 càng thêm ý nghĩa.