Bước chân của anh Vệ quốc quân
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 225, Trung đoàn 88, (thuộc Đại đoàn 308); nguyên Sư đoàn trưởng Sư 7 (thuộc Quân đoàn 4); nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ).
Trong suốt cuộc đời chiến trận, Lê Nam Phong luôn để lại ấn tượng sâu sắc với đồng đội, đồng chí bởi hàng loạt các biệt danh mà ông được “phong tặng”. Khi còn là chiến sĩ Vệ quốc quân đồng đội gọi ông là: “Đại đội trưởng đầu trọc”,rồi sau này là “Năm bình toong”, Năm lửa…, mỗi biệt danh là một kỉ niệm khó phai mờ trong đời quân ngũ.
Ông sinh năm 1928, trong gia đình thuần nông nghèo tại làng là Phú Mỹ thuộc tổng Phú Hậu, nay là xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi phát lộ rất nhiều dấu tích tổ tiên của người Việt cổ và có nhiều bậc hiền nhân chí sĩ nơi đây. Thủa còn bé ông không được cắp sách tới trường nhưng đã tận mắt chứng kiến cảnh người dân trong làng bị giặc đàn áp dã man, cho nên ông sớm giác ngộ đi theo cách mạng.
Trung tướng Lê Nam Phong.
Giáp mặt quân thù với trận mở màn chiến dịch
Kháng chiến bùng nổ, như nhiều thanh, thiếu niên nơi đây, ông tham gia lực lượng Vệ quốc đoàn và sau đó được gia nhập Đại đoàn quân Tiên phong, thuộc biên chế của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308). Ông đã có mặt trong tất cả các trận đánh lớn như chiến dịch Biên giới, chiến dịch Hà Nam Ninh, chiến dịch Hòa Bình... Trong chiến dịch Điện Biên Phủ mang mật danh Trần Đình, Đại đội 225 do Lê Nam Phong làm đại đội trưởng khi ấy mới 27 tuổi, được giao nhiệm vụ mở đường, dọn chỗ để các cánh quân ta tiến sâu vào bên trong trận địa.
Trung tướng Lê Nam Phong bồi hồi nhớ lại, sau thời gian làm công tác chuẩn bị lại theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, chiều 13-3-1954, ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đêm 14 rạng sáng 15-3-1954, trung đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh vào hướng đông bắc đồi Độc Lập, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) đảm nhiệm hướng đông nam đồi Độc Lập.
Cứ điểm Độc Lập là một trong ba cụm cứ điểm rất kiên cố của địch, có lô cốt và chiến hào vững chắc, bố trí trên toàn bộ một quả đồi với hoả lực mạnh, nằm độc lập với các cứ điểm khác. Nó án ngữ con đường từ Lai Châu về Mường Thanh, chiều dài cứ điểm khoảng 700m rộng 200m, bao bọc bằng nhiều lớp hàng rào kẽm gai dày trên 100m. Lực lượng địch gồm một tiểu đoàn lính lê dương, một đại đội lính ngụy Thái, được tăng cường bốn khẩu cối 120 ly kết hợp đại pháo cụm cứ điểm Mường Thanh và Hồng Cúm chi viện mạnh.
Ban đêm, bộ đội ta rải đội hình đào hào giao thông và hầm, hào chiến đấu; ban ngày, nghe phổ biến bàn kế hoạch tác chiến, hiệp đồng chiến đấu, chuẩn bị trang bị vật chất, đạn dược… Rạng sáng 13-3-1954, khi đại đội đứng tập trung trong chiến hào, chính trị viên đại đội đọc “Thư của Hồ Chủ Tịch gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ” và Lệnh Tổng động viên của Đại tướng Tổng tư lệnh: “Kiên quyết tiêu diệt quân địch tại Điện Biên Phủ”. Nghe xong, bộ đội ta rất xúc động xen lẫn phấn chấn cao độ.
Sau khi bị mất Him Lam, suốt chiều 14-3, địch bắn dữ dội chung quanh cứ điểm Đôc Lập, hòng chiếm lại và phá cuộc tiến công của quân ta. Nhưng ta kiên quyết giành và giữ vững chắc, đồng thời liên tục tiến công. 15 giờ chiều, những mũi giao thông hào đã đến sát đồn địch, cự ly gần nhất 150m.
Bắt đầu từ 17 giờ, lựu pháo 105 ly của ta đã bắn vào đồi Độc Lập. Địch ở Mường Thanh bắn chi viện ác liệt. Sự việc này đã diễn đi diễn lại đến nửa đêm. Lựu pháo của ta buộc phải bắn kéo dài hơn thời gian dự kiến để chờ sơn pháo 75 ly và cối 120 ly đến kịp yểm trợ chi viện, bảo vệ những vị trí ta chiếm được.
Trời đổ mưa to, giao thông hào ngập nước, bùn lầy quánh lại, di chuyển rất khó khăn. Bộ đội phải kiên nhẫn chờ đợi trong trận địa ngập nước dưới làn pháo hạng nặng của địch trút xuống liên hồi.
Đúng 3 giờ 30 phút, từ phía đông, khi trọng pháo 105 ly gầm lên, trút bão lửa xuống đồn địch. Bị hỏa lực ta áp chế, tuyến tiền duyên vòng ngoài của địch bị tê liệt. Thời điểm đột phá thuận lợi đã đến. Pháo 105 ly của ta đã chuyển làn vào trung tâm. Lợi dụng pháo sáng địch, chiến sĩ Nguyễn Văn Ty đã lên đến đường mở. Anh lo lắng vì thấy ánh chớp của các quả bộc phá như bị chếch hướng, nên xông xáo dẫn từng chiến sĩ bộc phá lao lên. Bộc phá nổ liên tiếp theo đúng hướng đã chỉnh. Mười chiến sĩ bộc phá đều đã hoàn thành xuất sắc công việc mở đường, mở cửa. Lô cốt địch đã hiện ra rất gần. “Tôi lập tức dẫn đại đội 225 xông lên, đưa đơn vị bộc phá tiếp ứng cho đồng chí Ty cùng với đại đội Tô Văn mở đường thắng lợi. Trận đánh mở đầu của Đại đội 225 đã góp phần vào cùng chiến công chung với các đại đội Tô Văn của vòng vây ngoại vi để tạo điều kiện thực hiện tiếp đợt hai và đợt ba của chiến dịch cho đến thắng lợi cuối cùng”-Trung tướng Lê Nam Phong cho biết.Trung đoàn 88, nhưng lớn hơn cả là đã tham gia tiêu diệt gọn và bức hàng địch ngay tại cửa ngỏ lòng chảo Điện Biên Phủ, góp phần siết chặt thòng lọng
Đối với ông, trận đánh đồi Độc Lập đã ghi dấu ấn sâu sắc về cách đánh giặc mưu trí và dũng cảm, khéo léo và linh hoạt của quân ta. Đặc biệt quan trọng là bài học về “mở đường” và “mở cửa” khi phát động công kích, xung phong. Nhất là cách đánh thọc sâu, chia cắt vùng tung thâm, đánh vào sở chỉ huy địch, ngăn không cho địch tiếp ứng và tháo chạy. Đó cũng là những bài học cho bộ binh cấp phân đội sau ngày ứng dụng và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như nhiệm vụ, nội dung giáo dục - đào tạo đội ngũ sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp phân đội ở nhà trường mà ông làm hiệu trưởng sau này.
Từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập
Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Nam Phong từ Tây Bắc trở về tham gia tiếp quản Thủ đô. Lúc này, chiến tranh Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Năm 1964, “Đại đội trưởng đầu trọc” vừa tròn 35 tuổi, lên đường vào chiến trường B2. “Ngày 18-4-1964, tôi được gọi lên giao làm Đoàn trưởng Đoàn 707 với 100 cán bộ quân sự và chính trị gồm đủ ba miền, tập trung ở trạm 66 Hà Nội và tập kết ở Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa). Trước ngày xuất quân, Cục Cán bộ Tổng cục chính trị giữ ba đồng chí lại để nhận nhiệm vụ khác, Đoàn 707 còn 97 đồng chí. Đoàn chúng tôi hoàn toàn đi bộ suốt gần năm tháng, vào thẳng Chiến Khu Đ, miền Đông Nam Bộ”.- Ông nhớ lại.
Cụ thể, chỉ huy Đoàn 707 còn có đồng chí Trần Tấn Hưng là chính trị viên, đồng chí Đoàn Mạnh Sấn làm Phó trưởng đoàn. Trong thời gian ngắn nhất, đoàn đã nỗ lực hoàn tất mọi mặt về biên chế, tổ chức, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần “trên đôi vai” của từng người để đúng thời gian quy định, cấp tốc hành quân đi bộ từ Thanh Hóa vào đến bờ bắc sông Bến Hải.
Trước đó, những đoàn cán bộ vượt Trường Sơn năm 1959: đoàn B500 gồm 28 người do đồng chí Tăng Thiện Kim làm trưởng đoàn; họ được xe ô tô chở vào Vĩnh Linh. Năm 1960, đoàn “Phương Đông” lên đường vào dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 600 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Trần Văn Quang làm trưởng đoàn, cũng hành quân bằng ô tô vào đèo Mụ Giạ, rồi theo dọc tuyến biên giới Trường Sơn lội bộ vào Nam. Riêng đoàn chúng tôi đi bộ từ bắc vào nam.
Sau khi thành lập, Sư đoàn 9 ở suối Nhung (Phước Thành), ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn 3 (Sư 9, Quân đoàn 4). Sư đoàn trưởng Sư 9 là đồng chí Hoàng Cầm, khi ở Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Cầm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, là người chỉ huy giải phóng Him Lam, tạo thế cho Trung đoàn 88 (Sư 308) và Trung đoàn 165 (Sư 312) giải quyết đồi Độc Lập, nên anh em rất hiểu nhau.
Vào chiến trường B2, ông nhanh chóng “nhập cuộc” và với tinh thần chiến đấu gan dạ, quả cảm, tài trí mưu lược, chỉ huy thông minh, sáng tạo, ông tham gia những trận đánh ác liệt như Bàu Bàng, Bông Trang -Nhà Đỏ. Sau trận đánh dã ngoại Bầu Bàng nổi tiếng, ta tiến hành tập kích quân Mỹ tại Bông Trang - Nhà Đỏ. Ông nhớ lại trận Bầu Bàng là đòn đánh phủ đầu trực tiếp vào quân đội viễn chinh Mỹ. Sau ba giờ chiến đấu, chúng tôi đánh thẳng vào sở chỉ huy của cụm đóng quân dã ngoại. Trung đoàn đã thọc sâu đánh trúng vào sở chỉ huy và đài thông tin địch. Bộ đội ta bất ngờ và dũng mãnh hiệp đồng chia cắt quân địch thành nhiều mảng, làm chúng rối loạn, hoảng sợ. Gần 2.000 lính của sư đoàn “Anh cả đỏ” bị thương hoặc bỏ xác nơi chiến trường, 30 xe tăng xe bọc thép bị phá hủy. Đó là lần đầu tiên lực lượng chủ lực Miền đánh trực diện quân xâm lược Mỹ với quy mô lớn nhất, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, thu được thắng lợi vang dội.
Nhưng có lẽ đối với Lê Nam Phong, chiến dịch Nguyễn Huệ làm ông nhớ hơn cả. Đơn vị ông chỉ huy đã lập nên “bức tường thép” gọi là trận Tàu Ô - Xóm ruộng, khiến quân Mỹ phải bạt vía kinh hồn.
Ngày 3-6-1966, Sư đoàn bộ binh 7 ra đời gồm 2 trung đoàn, 141, 165. Năm 1968, Trung đoàn 209 vào chiến trường, cũng được biên chế về Sư đoàn 7. Như vậy, cả 3 trung đoàn của Sư 312 thời chống Pháp, nay vào chiến trường chống Mỹ lại tập hợp trong đội hình Sư 7, gọi là Sư đoàn Chiến thắng của Miền Đông Nam Bộ. Lúc này, ông đã là Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 7, tham gia nhiều trận đánh lớn và thu được thắng lợi to lớn tại chiến trường Đông Nam Bộ.
Đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Lê Nam Phong, trực tiếp chỉ huy đánh chiếm và giải phóng thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai), phá tan “cánh cửa thép”, mở toang cửa cho các cánh quân ta từ Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn. “Trận chiến 13 ngày đêm ròng rã, địch quyết tâm tử thủ, tất cả lực lượng của ta đánh vào nội đô tuyến Xuân Lộc, tiêu diệt hoàn toàn quân địch, mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn là trận ác liệt nhất, chấp nhận hy sinh gian khổ ác liệt và phải chiến thắng, đánh bại kẻ địch hết sức ngoan cố”- ông cho biết.
Trên đà chiến thắng, Sư đoàn 7 của Lê Nam Phong tiến về hướng Sài Gòn giải phóng Trảng Bom, Biên Hòa… vượt phòng tuyến cầu Rạch Chiếc tiến thẳng vào nội đô tới Dinh Độc Lập đúng 12h trưa ngày 30-4-1975. Lúc này, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, dọc đường người dân đã chào đón quân giải phóng, quân chiến thắng, Bộ đội Cụ Hồ. “Đơn vị của tôi cũng đã vinh dự kịp cắm một lá cờ chiến thắng trong khi hai bên đường phố Sài Gòn rực rõ cờ hoa”- ông bồi hồi nhớ lại.
Trung tướng Lê Nam Phong hiện sống tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) cùng với người vợ nhất mực yêu thương, bà Võ Thị Hồng Mai. Gần 90 mùa xuân cuộc đời người lính trận và 60 năm sau ký ức Điện Biên, 39 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước trôi qua; sau những ngày tháng nếm mật nằm gai cùng bao chiến sĩ đồng bào, trong ông vẫn luôn là những thước phim chân thực về hình ảnh, sự hy sinh của đồng đội trong cam go trên cương vị người chỉ huy tại mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trên cương vị chỉ huy sư đoàn chủ lực tại chiến trường Đông Nam Bộ, cảm giác đất nước thống nhất của ông vẫn còn tươi nguyên.
Trong ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm về đồng đội, đồng bào, những người đã ngã xuống trên những nẻo đường đất nước. Khi về hưu ông vẫn miệt mài với công việc, đi các nơi kiếm tìm đồng đội và làm từ thiện… Khi được hỏi về cảm giác mỗi khi giành chiến thắng trong chiến đấu, Trung tướng Lê Nam Phong không nén được xúc động: “Khi vừa đặt chân đến Dinh Độc Lập thấy cánh cổng bị đổ sập, tôi chỉ muốn hét thật to cho thỏa lòng bao năm chờ đợi. Bao nhiêu năm tôi và đồng đội chiến đấu gian khổ chỉ mong có ngày ấy, nhưng tôi chỉ biết đứng lặng nhìn mọi người đang hân hoan vui mừng mà nước mắt cứ trào ra. Và cảm giác vui sướng của tôi giống y hệt như cái ngày tôi đứng trước đồi Độc Lập khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tôi đã đi từ đồi Độc Lập đến dinh Độc Lập”.
Trung tướng Lê Nam Phong (thứ 2, trái sang) cùng đồng đội và tác giả (thứ nhất, bên trái)