Tờ báo nêu bật những ý kiến định hướng quan trọng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng hội nghị là cơ hội để khẳng định lại tình đoàn kết, ý chí chính trị và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên khó khăn thách thức, vững vàng tiến về phía trước. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh và cần tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Thủ tướng cũng tuyên bố rằng ASEAN sẽ mở rộng và tăng cường hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với các đối tác, khẳng định ASEAN cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trước đó, tờ Junge Welt cũng đăng bài giới thiệu về công tác chuẩn bị tiến hành Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam. Bài báo cho biết, 10 quốc gia thành viên với số dân đông hơn 660 triệu người đến nay đã "chiến đấu" với dịch Covid-19 thành công hơn nhiều so với châu Âu, song cũng chịu những hậu quả về kinh tế do dịch bệnh gây ra. Theo bài báo, việc ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân có thể ký kết RCEP vào cuối năm nay sẽ góp phần giúp ASEAN sớm vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.
* Trang tin Salzburger Nachrichten (Tin tức Salzburg) của Áo trước đó cũng thông tin về việc tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 theo hình thức trực tuyến. Bài báo dẫn thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập ba trọng tâm của Hội nghị, gồm ứng phó đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị và nâng cao các quyền cho phụ nữ.
* Sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020; chuyên gia của Viện Kinh tế quốc tế và quan hệ đối ngoại (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga O.Mi-sin ngày 27-6 nhận định, trong bối cảnh tình hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Biển Ðông nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, cách tiếp cận của Việt Nam góp phần rất lớn vào sự phát triển hòa bình ở khu vực này. Theo chuyên gia O.Mi-sin, cách tiếp cận của Việt Nam đối với các vấn đề ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Biển Ðông dựa trên các nguyên tắc duy trì hòa bình và láng giềng thân thiện. Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các xung đột gây tranh cãi thông qua luật pháp quốc tế với nền tảng là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Ông O.Mi-sin tin rằng quan điểm tích cực của Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Ðánh giá về sự phối hợp hành động giữa LB Nga và Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, cũng như đối với các vấn đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyên gia O.Mi-sin khẳng định: "Quan hệ LB Nga - Việt Nam có bản chất đối tác chiến lược, quan hệ song phương đã được thử thách qua thời gian. LB Nga và Việt Nam đang hợp tác thành công trong khuôn khổ ASEAN, cũng như tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác đối thoại (ADMM+). Chuyên gia Nga đánh giá cao đóng góp của Việt Nam và LB Nga đối với an ninh khu vực, khẳng định cả hai quốc gia đều ủng hộ UNCLOS 1982, coi đó là cơ sở và là nền tảng pháp lý để giải quyết các tranh chấp ở Biển Ðông.